Vén màn bí mật về chiến lược quân sự Triều Tiên

Thứ sáu, 12/04/2013, 14:29
Tại sao quốc gia chỉ 24 triệu dân, kinh tế kém phát triển như Triều Tiên lại dám đối đầu liên quân Mỹ-Hàn? Sau những đe dọa “tấn công nước Mỹ” của Bình Nhưỡng là chiến lược phát triển quân sự thế nào?

Pháo phản lực do Triều Tiên tự sản xuất có sức hủy diệt lớn

Qua những bức ảnh mà hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố, có thể thấy, lực lượng quân đội một thời được coi là lớn mạnh ở thập kỷ 1960 này, tạm thời chưa bàn đến quân đội Mỹ, dù so với Hàn Quốc, cũng thấy kém hẳn một bậc.

Trong bối cảnh sức mạnh quân đội trên bán đảo Triều Tiên đã mất cân bằng như hiện nay, nếu chỉ đơn thuần thảo luận kỹ thuật trang bị quân sự của Triều Tiên, sẽ không có nhiều ý nghĩa, cần xuất phát từ nhiều phương diện để bàn về sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh quốc gia của Triều Tiên.

Quân đội Nhân dân Triều Tiên gồm 5 nhánh: Lục quân, Hải quân, Không quân, Tên lửa đạn đạo và Đặc công. Đây được xem là một trong những lực lượng quân đội đông nhất thế giới, đứng thứ 4 trên thế giới về quân số, với khoảng 1,1 triệu người trong lực lượng chính quy.

Pháo dàn phản lực của Triều Tiên tập trận gần biên giới Hàn Quốc.

Chiến lược 1: Phát triển lực lượng tác chiến phi đối xứng

Trong bối cảnh kinh tế tụt hậu rất xa so với đối thủ, một mặt Triều Tiên lợi dụng nguyên tắc lấy quân sự làm ưu tiên hàng đầu để tăng cường đầu tư cho quân sự, mặt khác lại tích cực phát triển lực lượng tác chiến phi đối xứng, cố gắng né tránh các hoạt động tác chiến chính quy với quân đội đối thủ được trang bị những vũ khí hiện đại nhất, hạn chế tới mức tối đa thế mạnh của quân đội Hàn Quốc.

Chiến lược 2: Vũ khí hạt nhân là át chủ bài

Do sách lược “lấy quân sự làm ưu tiên hàng đầu”, quản lý xã hội bằng hình thức bán quân sự hóa của Bình Nhưỡng nên Triều Tiên đã phải chịu đựng các lệnh trừng phạt kinh tế trong thời gian dài và có thể tập trung lực lượng phát triển vũ khí mang tính chiến lược, vũ khí hạt nhân đã trở thành lựa chọn hàng đầu để Triều Tiên phát triển lực lượng tác chiến phi đối xứng. Lợi dụng vũ khí hạt nhân để kiềm chế Mỹ, Hàn Quốc đã trở thành nhận thức chung của các nhà lãnh đạo Triều Tiên , chính vì thế Triều Tiên mới thể hiện rõ quyết tâm và nghị lực để nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chiến lược 3: Đồng bộ phát triển tên lửa

Phát triển tên lửa để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa. Mặc dù pháo binh Triều Tiên có đủ khả năng uy hiếp thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhưng tính cơ động của trận địa pháo binh truyền thống kém, dễ bị đối phương tấn công. Chính vì thế song song với việc dùng lực lượng pháo binh thường quy để uy hiếp đối thủ, Triều Tiên còn tích cực nghiên cứu, chế tạo các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Nếu nói vũ khí siêu thanh của Mỹ có thể tấn công toàn cầu thì tên lửa của Triều Tiên có thể càn quét cả bán đảo. Và nếu tên lửa kết hợp với vũ khí hạt nhân thì thế mạnh phi đối xứng của Triều Tiên trước Hàn Quốc, Nhật Bản lại càng rõ rệt.

Chiến lược 4: Nâng cao khả năng chống tấn công

Trong bối cảnh khả năng kinh tế khó khăn, Triều Tiên không tập trung ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới mà tích cực nâng cao khả năng chống tấn công, phát huy thế mạnh của vũ khí hiện có.

Ví dụ trước thế mạnh của lực lượng không quân Mỹ, Hàn Quốc, một mặt Triều Tiên tăng cường khả năng phòng vệ của các cơ sở mặt trận, thông tin, hậu cần, mặt khác lợi dụng tên lửa đạn đạo, tàu ngầm loại nhỏ để thực hiện các hoạt động tác chiến sâu đặc chủng, rút ngắn khoảng cách với đối thủ, tác chiến ở hậu phương của đối thủ. Mặc dù hoạt động tác chiến đặc chủng này không phát huy được nhiều vai trò, nhưng đối với xã hội hiện đại Hàn Quốc với mật độ dân số đông, rất có thể sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng.

Quy mô tỷ lệ quân nhân Triều Tiên gấp 4 lần Hàn Quốc

 

   Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được cho là vươn tới lãnh thổ Mỹ

 Mặc dù lạc hậu…

Xét về lực lượng quân sự thường quy, gần như Triều Tiên lạc hậu hơn hẳn liên quân Mỹ - Hàn. Ví dụ hiện tại lực lượng lục quân Triều Tiên có 923.000 người, 3.000 xe tăng chủ lực của lực lượng này chủ yếu là T-54/55, T-62, xe tăng tầm trung T-59, tất cả những xe tăng này đều là loại cũ được chế tạo từ thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước, khi phải đối mặt với xe tăng K, T-80 của Hàn Quốc sẽ chỉ như mèo gặp hổ.

Trong hơn 600 máy ba chiến đấu của lực lượng không quân Triều Tiên, chỉ có 30 chiếc được miễn cưỡng gọi là máy bay chiến đấu hiện đại Mig-29 thế hệ III, trong khi số máy bay chiến đấu KF-16, F-15K của Hàn Quốc lên tới 210 chiếc; Trong hơn 450 tàu chiến mặt nước của hải quân Triều Tiên, chỉ có 3 chiếc tàu hộ vệ, trong khi số tàu hộ vệ của hải quân Hàn Quốc đã trên 20 chiếc.

Nhưng áp đảo về số lượng

Các cường quốc quân sự trên thế giới hầu hết đều áp dụng “chính sách tinh binh”, tức khi đã sở hữu các vũ khí công nghệ cao hiện đại sẽ thu nhỏ quy mô quân đội, nâng cao khả năng tác chiến để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên cách làm của Triều Tiên lại hoàn toàn ngược lại: Số lượng đứng hàng đầu, chất lượng đứng thứ hai. Hiện tại quân số của quân đội Hàn Quốc là 680.000 người, dự bị 4,5 triệu người, đối với một quốc gia mà dân số chỉ 50 triệu người như Hàn Quốc thì tỉ lệ này đã là rất cao, tuy nhiên so với Triều Tiên lại kém hơn nhiều.

Quân số chính quy của quân đội Triều Tiên khoảng 1,1 triệu người, lực lượng dự bị khoảng 8,2 triệu người, gần như gấp đôi Hàn Quốc, trong khi tổng dân số của Triều Tiên là 24 triệu người, tương đương gần 50% dân số Hàn Quốc. Hay nói cách khác tỉ lệ quân nhân Triều Tiên so với tổng số dân gấp 4 lần Hàn Quốc. Về trang bị cho quân đội, mặc dù trình độ kỹ thuật rất thấp nhưng số lượng xe tăng, tên lửa đất đối không của Triều Tiên lại vô cùng hùng hậu.

Với số lượng gần 10 triệu quân chính quy và lực lượng dự bị, cũng đồng nghĩa rằng gần như gia đình nào ở Triều Tiên đều có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với quân đội. Nếu binh lính Triều Tiên thương vong lớn trong chiến tranh, sẽ trở thành cú sốc nghiêm trọng cho xã hội nước này. Đồng thời cũng sẽ để lại vết thương không thể xóa mờ giữa hai dân tộc có cùng gốc rễ là Hàn Quốc và Triều Tiên, gây ra sự phân liệt và đối đầu trong cả bán đảo.

Số lượng khổng lồ, đối thủ khó nhằn

Trong tác chiến tấn công, hiệu quả tấn công của “tinh binh” sẽ lớn hơn rất nhiều so với lực lượng quân đội đông về số lượng nhưng hiệu suất kém; Tuy nhiên, trong tác chiến phòng ngự, ở một mức độ nào đó sự lớn mạnh về số lượng lại làm suy yếu thế mạnh của bên công. Lấy chiến dịch oanh tạc của NATO đối với Libya làm ví dụ: Từ ngày 31-3-2011 đến tháng 10-2011 – chiến dịch quân sự nhằm vào Syria kết thúc, máy bay chiến đấu của NATO tổng cộng thực hiện trên 26.000 lượt bay, trong đó gần 10.000 lượt tấn công nhằm phá hủy trên 5.900 mục tiêu quân sự.

Trong khi sức mạnh quân sự của ông Gaddafi và sức mạnh quân sự của Triều Tiên thì không thể ở cùng một đẳng cấp số lượng. Do vị trí đặc thù của Triều Tiên, nếu xảy ra chiến tranh, Mỹ và Hàn Quốc rất khó thu thập được lực lượng liên minh từ nhiều nước để tấn công như đã áp dụng với Libya. Đối với lực lượng không quân Mỹ - Hàn, cho dù là sự tiêu hao đạn dược hay hỗ trợ về mặt hậu cần đều là một gánh nặng vô cùng lớn.

Một điều khó khăn hơn là kể cả trường hợp đầu não quân đội Triều Tiên bị “trảm”, hầu hết các cơ sở thông tin, nhiên liệu của quân đội Triều Tiên bị đánh phá và rơi vào trạng thái tê liệt, số lượng quân đội khổng lồ của quốc gia này cũng khó có thể bị quân đối phương nuốt trọn một sớm một chiều.

Chính sách ưu tiên quân sự là số một của Triều Tiên đã ảnh hưởng sâu sắc và thay đổi cơ cấu xã hội của nước này. Chính vì vậy, đứng trước lực lượng quân đội “đông như kiến cỏ” của Triều Tiên, kể cả liên quân Mỹ - Hàn chiếm ưu thế lớn về mặt trang bị vũ khí, nhưng cũng vẫn phải hành động hết sức thận trọng.

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn