Đến 20h ngày 22/4, Công an TP Hải Phòng đã có thông tin ban đầu về quá trình điều tra, xác minh vụ việc. Theo đó, hơn 12h ngày 21/4, khoảng 50 người của Công ty TNHH Quỳnh Dương (đơn vị được hợp đồng xây dựng nhà xưởng cho Công ty Hoa Thành) và một số nhân viên của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu do Công ty TNHH Quỳnh Dương thuê đến cùng khảo sát địa hình xây dựng.
Hiện trường nơi xảy ra vụ côn đồ hành hung người dân
Khi biết có lực lượng đến khu dự án, người dân ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng tưởng Công ty Hoa Thành đã đến thi công, nên có khoảng 100 người dân của thôn có đất bị thu hồi mang theo cuốc, xẻng, gậy, bình phun thuốc trừ sâu kéo đến khu vực đất dự án để giữ đất và đã xảy ra xô xát.
Dân tố “côn đồ của công ty”
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Công ty Hoa Thành, người dân đã cáo buộc phía công ty thuê các đối tượng côn đồ vào hành hung dân để tự “giải phóng mặt bằng”.
Một số người dân bị đánh cho biết trực tiếp nhìn thấy lãnh đạo của Công ty TNHH Quỳnh Dương trao đổi với các đối tượng côn đồ này. “Chúng tôi còn thấy lãnh đạo công ty đứng chỉ đạo nhóm thanh niên đánh chúng tôi để dọa nạt người dân phải giao đất” - một người dân bị đánh nói.
Đánh dân ngay trước mặt công an Ông Lê Văn Tú (23 tuổi) - đội trưởng đội bảo vệ của Công ty Toàn Cầu tham gia bảo vệ khu dự án ngày 21/4 - khẳng định các nhân viên bảo vệ chỉ ngăn cản không cho người dân vào khu dự án chứ không xô xát với người dân. Ông Tú kể lại: “Chúng tôi đến bảo vệ theo đúng quy trình, khi đó còn có gần chục anh công an mặc cảnh phục có mặt ở hiện trường. Khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì ở khu vực ngoài đường có một số đối tượng cũng ngăn cản dân. Sau đó tôi thấy xảy ra xô xát và một nhóm người nữa đến ẩu đả với dân”. |
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND huyện Tiên Lãng đã có báo cáo ban đầu gửi UBND TP Hải Phòng. Báo cáo do ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - ký ghi rõ: khi vụ việc xảy ra có khoảng 20 nhân viên bảo vệ của Công ty cổ phần dịch vụ Toàn Cầu (có mặc đồng phục) cùng với 50 người lạ mặt (không mặc đồng phục) tự xưng là người của Công ty TNHH Quỳnh Dương, cản trở người dân đi vào khu đất chăm sóc hoa màu. Nhóm người này đã xảy ra xô xát với dân và làm một số người bị thương.
Trao đổi với báo chí, ông Tùng nói: “Vẫn chưa rõ nhóm người này có phải của công ty hay không. Sau khi xô xát thì nhóm người này đã bỏ trốn. Hiện công an đang điều tra”.
Ông Tùng cho biết đầu tháng 4, huyện nhận được thông báo của Công ty TNHH Hoa Thành về việc thi công xây dựng nhà máy. Sau khi báo cáo UBND TP, huyện đã có thông báo yêu cầu công ty dừng thi công vì còn nhiều vướng mắc. “Tuy nhiên, ngày 21/4 công ty đã tự ý đưa lực lượng vào khu vực đất mà không báo cáo huyện. Việc này công ty sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Tùng nói.
Doanh nghiệp phủ nhận
Ngày 22/4, PV đã gặp trực tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp để xác minh những thông tin liên quan. Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết thuê Công ty TNHH Quỳnh Dương xây lắp công trình. “Vụ xô xát là đáng tiếc và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. Chúng tôi đã hỏi bên đối tác nhưng họ đều khẳng định không thuê côn đồ hành hung dân” - ông Nam nói.
Ông Lê Huy Hải, giám đốc Công ty TNHH Quỳnh Dương, cho biết đã thuê Công ty Toàn Cầu bảo vệ trật tự tại dự án khi công ty tiến hành khảo sát vào ngày 21/4 trước khi thi công.
Ông Hải khẳng định: “Công ty không liên quan đến nhóm người lạ mặt này. Hôm đấy chỉ có mình tôi là người của công ty đi cùng giám đốc bên Hoa Thành và đội bảo vệ. Khi xảy ra vụ việc, tôi chỉ trao đổi với đội bảo vệ của bên Toàn Cầu. Không có chuyện chúng tôi thuê côn đồ, doanh nghiệp ai lại làm thế. Lúc xảy ra vụ việc chúng tôi cũng hoang mang và đã gọi lãnh đạo xã ra để can thiệp”.
Ông Nguyễn Quốc Minh, giám đốc Công ty Toàn Cầu, cho biết có hợp đồng với Công ty Quỳnh Dương về việc triển khai 120 nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu dự án. Ngày 21/4, bên đối tác tiến hành khảo sát dự án nên Công ty Toàn Cầu chỉ cử 20 nhân viên bảo vệ đi cùng. “Các nhân viên của tôi đi cùng ôtô với Công ty Quỳnh Dương. Nhân viên đều mặc đồng phục của công ty. Các đối tượng lạ mặt không liên quan đến công ty, chúng tôi không thuê côn đồ hành hung người dân” - ông Minh nói.
Trả lời về việc tại sao nhóm côn đồ lại vào hành hung dân vô cớ khi đội bảo vệ của công ty đang ngăn cản dân, ông Minh nói: “Cũng có thể nhóm người này có lợi ích liên quan đến dự án. Cái này phải cơ quan công an điều tra mới rõ”.
Dân nói “hợp đồng thuê đất trái luật” Ông Hà Văn Nam, giám đốc Công ty TNHH Hoa Thành, cho biết ngày 10/11/2004, UBND TP Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt thu hồi hơn 88.000m2 đất nông nghiệp tại xã Đại Thắng cho công ty thuê để xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu. Sau khi đền bù, giải tỏa mặt bằng, ngày 13/12/2004 Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng đã làm hợp đồng cho thuê đất với công ty. Theo hợp đồng mà công ty cung cấp, đại diện TP Hải Phòng là ông Chu Minh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường) ký, đóng dấu hợp đồng này. Tại thời điểm UBND TP Hải Phòng làm hợp đồng cho thuê đất với công ty vẫn còn 9/153 hộ chưa nhận đền bù, chưa giao đất và hơn 100 hộ dân khiếu kiện về mức đền bù thấp. Theo quy định của Luật đất đai, khi chưa giải tỏa mặt bằng, chưa cưỡng chế xong, chưa có “đất sạch” thì chính quyền chưa được làm hợp đồng cho thuê đất với công ty. Ông Lương Văn Chinh - người đại diện cho những hộ dân bị thu hồi đất - cho biết nguyên nhân người dân giữ đất là do giá đền bù quá thấp, quy trình thu hồi, cho thuê đất không đúng luật. Theo ông Chinh, UBND TP và UBND huyện Tiên Lãng không có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân, làm hợp đồng cho thuê đất khi nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù. “Chúng tôi đã có kiến nghị đến các cấp. Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường cũng có văn bản gửi người dân về việc chuyển đơn yêu cầu TP Hải Phòng giải quyết nhưng đến nay người dân chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền” - ông Chinh nói. |
Theo Tuoitre