Lương hưu bình quân gần 10 triệu đồng

Thứ tư, 01/05/2013, 08:55
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn thiện dự thảo đề án Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung để trình Chính phủ, trong đó nếu triển khai thì lương bình quân của người hưu trí có thể lên đến gần 10 triệu đồng/tháng, so với hơn 3 triệu đồng hiện nay.

Ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ LĐ-TB-XH, cho hay đề án sẽ thí điểm tại doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN cổ phẩn, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân.

“Trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đã triển khai Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Hầu hết các nước ở châu Á và ASEAN đã triển khai, như Thái Lan, Philippines, Indonesia… Trong khối APEC, chỉ còn VN chưa triển khai thực hiện.

Mức lương hưu bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng hiện nay không đảm bảo được nhu cầu sống của người dân, trong khi hệ thống BHXH của nước ta vẫn chưa được thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Nhiều người mong muốn được đóng góp cao hơn để được nhận lương hưu cao khi về hưu nhưng không được”, ông Giang nói.

"Theo tính toán của Bộ LĐ-TB-XH, sau 15 năm đóng góp, số tiền NLĐ nhận được hằng tháng từ nguồn bảo hiểm hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm mức lương hưu cơ bản, số tiền thực lĩnh của NLĐ khi nghỉ hưu có thể lên tới gần 10 triệu đồng/tháng".

Theo dự thảo, quỹ sẽ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (LĐ). Số tiền NLĐ đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản của họ tại ngân hàng và tích lũy cho đến tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh chế độ hưu trí cơ bản đã được nhà nước chi trả, NLĐ sẽ được hưởng một khoản lương hằng tháng trích ra từ quỹ này cho đến cuối đời.

Mức đóng góp có thể từ 5% đến 10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của NLĐ (sẽ có quy định mức đóng tối thiểu và tối đa)...

“Tinh thần là thủ tục đăng ký tham gia Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung rất đơn giản, thuận tiện. DN và NLĐ cùng thỏa thuận tham gia đóng dưới hình thức mở các tài khoản cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính; thực hiện bởi các định chế tài chính trung gian, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cách để DN tăng thu nhập cho NLĐ trong tương lai.

Bên cạnh đó, khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, NLĐ sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tương ứng với mức tham gia. Cụ thể: tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn do mọi nguyên nhân được thanh toán 1 lần (24 tháng). Quyền lợi được tăng lên (thêm 12 tháng) trong trường hợp tử vong do tai nạn LĐ…

Trong trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục tham gia hoặc bị chết trước thời gian được hưởng sẽ được tính toán chi trả lại…”, ông Giang nói và cho biết đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện và Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia vào cuối tháng 5 trước khi trình Chính phủ.

“Từ nay đến 2015 hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số DN. Từ 2015 - 2020 hoàn thiện khung khổ pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn sau 2020 nghiên cứu chuyển đổi mô hình quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc”, ông Giang nói.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB-XH, sau 15 năm đóng góp, số tiền NLĐ nhận được hằng tháng từ nguồn bảo hiểm hưu trí bổ sung bình quân là 5,56 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm mức lương hưu cơ bản, số tiền thực lĩnh của NLĐ khi nghỉ hưu có thể lên tới gần 10 triệu đồng/tháng.

Sống được bằng lương

Trong khi chờ triển khai Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung, từ hôm nay 1/5, bộ luật LĐ (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực, với nhiều điểm mới đáng chú ý về các chính sách tiền lương, quy định trả thêm lương cho NLĐ... 

lương hưu
Lương hưu bình quân có thể lên đến gần 10 triệu đồng/tháng khi thực hiện Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ luật LĐ mới quy định tiền lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào điều kiện sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường LĐ, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu.

Theo các chuyên gia, đưa quy định này vào bộ luật LĐ là rất cần thiết trong bối cảnh hàng chục năm nay mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu.

Để luật hóa, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết về mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu để làm cơ sở thỏa thuận lương giữa chủ sử dụng LĐ và NLĐ.

Bên cạnh đó, phải có những khảo sát chính xác về mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu để khi quy định chi tiết, cụ thể trong luật đảm bảo được lợi ích cao nhất cho NLĐ.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, trước mắt chưa thể điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. “Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu lộ trình tăng lương để đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Tuy nhiên, phương án này khó thực hiện khi điều kiện kinh tế đang phát triển khó khăn, đặc biệt là các DN cũng đã rất khó khăn với mức trả lương tối thiểu như hiện nay.

Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng cần có một lộ trình. Với tinh thần tích cực, phấn đấu chậm nhất đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu”, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Dù cho chưa thể áp ngay quy định lương tối thiểu đủ sống tối thiểu, song NLĐ vẫn còn an ủi vì từ sau 1.5, khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, ngoài những quy định đang hiện hành, NLĐ được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Bên cạnh đó, NLĐ còn được tăng tiền lương trong thời gian thử việc, mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó (tiền lương thử việc cũ là 70%). 

Lao động nữ hưởng chế độ thai sản theo luật mới

BHXH VN vừa ban hành Văn bản số 1477 hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản theo quy định của bộ luật Lao động sửa đổi.

Theo đó, đối với lao động nữ có thời gian nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời hạn nghỉ sinh con theo quy định cũ, thì sẽ được hưởng chế độ thai sản theo luật mới.

Đối với lao động nữ có thời gian nghỉ sinh con bắt đầu từ ngày 1/5/2013 thì áp dụng chế độ thai sản 6 tháng như quy định tại điều 157 bộ luật Lao động sửa đổi. Trường hợp sinh đôi trở lên, tính từ con thứ 2 trở đi, mỗi con thì mẹ sẽ được nghỉ thêm 1 tháng.

Với những trường hợp lao động nữ có nguyện vọng nghỉ việc trước khi sinh con, người sử dụng lao động phải ghi rõ thời điểm nghỉ việc trước khi sinh con để theo dõi và làm căn cứ thực hiện chế độ thai sản theo quy định.

 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn