Cậu bé sợ ma trở thành "tình báo nhí" Bát Sắt

Thứ ba, 30/04/2013, 22:02
Năm nay, ‘cậu bé sợ ma’ ngày nào đã là cựu cán bộ lão thành cách mạng ở tuổi 83. Đó là ông Trần Vân (tên thật là Hoàng Văn Quyến, quê tỉnh Hà Nam), nguyên Cục trưởng Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Ông Trần Vân bồi hồi nhớ lại “cơ duyên” đưa ông trở thành tình báo khi mới ở tuổi 14. Ngày đó, cha mẹ mất sớm nên ông từ Hà Nam lên Hà Nội sống với người thân ở phố Yên Bái và học ở Trường trung học Phan Chu Trinh.

tình báo Bát Sát
Ông Vân nay đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn tham gia Đoàn luật sư TP.Hà Nội, thường xuyên trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

“Tháng 9/1946 tôi lên Hà Nội đi học. Hàng ngày, đạp xe lên tới trường nên tôi nhớ đường phố rất nhanh. Hồi đó, tôi nhớ nhất thầy Đặng Thai Mai, thầy Ngô Vĩnh Viễn (là giáo viên tiếng Pháp) và Bí thư Đoàn trường Hồng Cư (sau này là Trung tướng Hồng Cư).

Tôi đi tập thể dục ở gần nhà thì quen với đội tự vệ. Thấy tôi nhanh nhẹn, các anh, các chú ấy đã mời tôi vào đội và bầu làm đội trưởng đội tự vệ phá hoại. Gọi đội phá hoại vì đội chúng tôi có nhiệm vụ chặt cây, đào đường, đục tường cho xe tăng Pháp không qua được”, ông Vân kể.

Vậy là cậu bé Trần Vân tham gia cách mạng khi còn đang học lớp 7. Là người “nhà quê”, Vân rất thạo công việc chặt cây, phá tường, dùng búa chim tạo giao thông hào trên đường phố.

Ông Vân kể: “8h tối ngày 19/12/1946, Hà Nội mất điện toàn bộ, tiếng súng nổ khắp nơi báo hiệu cuộc chiến với chủ nghĩa thực dân Pháp cũ bắt đầu. Tôi không kịp về nhà và lạc mất đội tự vệ của mình. Tôi chạy ra trụ sở của ủy ban bảo vệ tiểu khu chợ Hôm xin làm việc. Các anh ấy thấy mình nhỏ bé, phù hợp công việc liên lạc giữa các đội tự vệ chiến đấu ở các phố Lê Văn Hưu, Ngô Thì Nhậm, Hàng Bài…

Công việc của tôi lúc đó là đưa lệnh xuống và nhận báo cáo về. Sau này, đội liên lạc của chúng tôi gồm 5 em nhỏ từ 11 - 16 tuổi, làm chân chạy bộ liên lạc thay cho bộ đàm, điện thoại thời nay. Trong tay có một quả lựu đạn Việt Nam, quần sóc, áo sơ mi, dép cao su Con Hổ, tôi chạy khắp các phố và xung phong vào vị trí của người lớn”.

Thời gian đầu Hà Nội tản cư chống Pháp, cậu bé Vân tham gia đội giao thông và ăn ở luôn tại đội vì chẳng còn gia đình mà về. Đầu năm 1947, Công an quận 6 ra đời, Đội quân báo thiếu nhi Mê Linh Đề Thám của ông Vân trở thành Trạm liên lạc giao thông thuộc Công an quận.

“Trong túi có 20 đồng, hàng quán không có, tôi và anh em đội viên toàn ăn cơm nắm. Quần áo không có mặc, chúng tôi lấy quần áo của người dân khi tản cư bỏ lại dùng”, ông Vân kể.

tình báo Bát Sát
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt” và chụp ảnh cùng các đội viên.

Theo lời “cậu bé liên lạc”: “Tháng 1/1947, lực lượng ta rút dần ra ngoại thành nhưng có 1 đơn vị bộ đội và tự vệ bị kẹt lại ở khu Việt Nam học xá, nay thuộc trường Bách khoa, Kinh tế. Tôi nhận nhiệm vụ mang thư của anh Phùng Thế Tài, chỉ huy trưởng liên khu 2 thông báo cho phép đơn vị bộ đội rút khỏi vòng vây địch.

Trời rét căm căm, tôi luồn qua các khu ruộng hoang, bờ tre, bãi tha ma để đi. Biết là nguy hiểm nhưng trong lòng tự nhủ phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Mờ sáng, tôi vượt qua mặt đường Minh Khai vào ngõ nhỏ thì bị đạn địch vèo vèo bắn phía sau.

Vào ngõ, tôi gặp một anh bộ đội bị bắn chết nằm dưới đất. Tôi nhớ đã gặp anh ấy rồi vì đặc điểm là anh này ăn mặc chỉn chu lắm. Gặp người chết mà tôi quên mất chuyện sợ ma ngày bé, cứ thế băng băng vượt vào khu học xá của ta”.

Đêm hôm đó, ông Vân mở đường cho bộ đội rút khỏi vòng vây ra ngoại thành nhưng ông dìu một anh bộ đội bị thương nên kẹt lại. Hai anh em mỗi người có một quả lựu đạn, trong người có ít gạo rang nhưng nằm trên nóc đình Quỳnh Lôi lánh đạn chẳng dám ăn vì sợ bị kẹt lâu ở nội thành. Tối hôm sau, cậu bé Vân và anh bộ đội bị thương vượt khu sình lầy để ra ngoại thành.

“Trời rét thấu da thịt lại toàn phải lội bùn khiến anh em tôi nhiều lúc như không thở nổi. Về tới đơn vị ở Giáp Nhị, tôi mừng rỡ kêu lên với đội trưởng: Anh ơi, em tưởng chết rồi! Anh đội trưởng thưởng cho thành tích của tôi bằng một bát xôi ngoài chợ. Gần 70 năm tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bát xôi đó. Hồi ấy, các anh bầu cho tôi danh hiệu cao quý: anh hùng liên lạc”, ông Vân không giấu vẻ xúc động trên gương mặt.

tình báo Bát Sát

Đình Huỳnh Cung, nơi Đội thiếu niên quân báo Bát Sắt ra đời.

Ngày 12/5/1947, Pháp đánh vào khu Giáp Nhị, quân ta chạy về Huỳnh Cung. Ai cũng sốt ruột vì sao quân ta không đánh mà cứ rút xa nội thành mãi. Công việc của ông Vân và đồng đội là tập trận giả và hát những bài hát cách mạng.

“Ngày 19/2/1947, anh Nguyễn Xuân Sinh bảo nhóm thiếu niên chúng tôi có bộ quần áo nào đẹp nhất thì mặc rồi ra đình Huỳnh Cung. Chúng tôi xếp hàng nghiêm chỉnh, quốc kỳ bay phần phật.

Anh cả Lê Quang Hòa - Quận trưởng Công an quận 6 tới. Anh ấy nói, chúng ta đã lùi nhiều, nay phải tiến vào nội thành hoạt động. Các em được chọn vì địch sẽ không chú ý tới trẻ con. Tên tuổi của các em sẽ ghi vào lịch sử. Tôi sung sướng lắm vì từ nay sẽ quay lại Hà Nội chiến đấu, không phải rút mãi nữa”, ông Vân kể lại ngày Đội quân báo thiếu nhi Bát Sắt của mình ra đời.

Tới 19/6/1947, Đội quân báo thiếu nhi Bát Sắt của ông được gọi với cái tên ngắn gọn Trung đội thiếu niên Bát Sắt. Sở dĩ đội quân báo thiếu nhi của ông Vân được gọi với cái tên thân thiết Bát Sắt bởi khi đó, anh Nguyễn Xuân Sinh kể câu chuyện về em bé Bát Sắt mà anh đã gặp khi hoạt động cách mạng ở Nha Trang.

Em bé này trốn gia đình lên tàu theo bộ đội vào Nam. Khi tới Nha Trang, em trở thành giao liên. Mọi người quên hỏi tên và quen gọi là em bé. Tới khi em hy sinh, thấy bên người có đeo chiếc bát sắt nên gọi tên em là Bát Sắt. Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt với kỷ luật quân đội, bí mật, dũng cảm và chuyên nhận việc nguy hiểm nhất.

Theo lời ông Vân, khi còn nhỏ, ông rất sợ ma. Buổi tối, người lớn nói chuyện ma là ông luôn phải ngồi thu chân lên ghế vì sợ. Thế nhưng khi làm quân báo, ông vượt qua tất cả. Vì thường hoạt động buổi đêm “bóng tối yêu thương” hay “đêm tối thân yêu lại đến” là những mỹ từ các ông dành cho đêm tối.

“Quãng thời gian hoạt động quân báo, tuổi 14 - 15 nhưng không gặp ma bao giờ. Lúc ấy xác định, có gặp ma thì cũng phải chiến đấu. Sau này mình mới thấy, chỉ có những người lợi dụng mê tín dị đoan để nói chuyện ma mị, thần bí”, ông Vân nói.

Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt của ông hoạt động dũng cảm, bí mật trong nội thành tới năm 1948. Theo ông Vân, thời đó trẻ con mà dám làm như vậy là nhờ tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội.

“Ai cũng có lòng yêu nước nhưng muốn yêu nước sâu sắc phải thuộc lịch sử. Ví như khi rút về Huỳnh Cung, tôi tìm hiểu và biết rằng cụ Chu Văn An cáo quan về quê và mở lớp dạy học ở đây. Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt ngày đó không được học hành nhiều nhưng rất yêu lịch sử, yêu địa lý và có như vậy mới yêu đất nước, chiến đấu dũng cảm vì đất nước. Tôi mong các bạn trẻ ngày nay cũng yêu lịch sử, địa lý để hiểu và yêu nước mình như chúng tôi ngày ấy”, ông Vân trầm ngâm tâm sự.

Bài 2: Tình báo Bát Sắt đưa thư Bác Hồ.

 

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích