Đội Nhật vẽ rồng trên sông Hàn
Màn trình diễn của Nhật Bản có tên “Khu vườn trên bầu trời” kéo dài 20 phút nhằm thể hiện chủ đề DIFC 2013 “Tình yêu sông Hàn”. Nền nhạc mang hơi hướng nhạc cụ truyền thống của đội Nhật có phần tương đồng với Việt Nam đêm qua nhưng sự phối hợp màu sắc pháo hoa tài tình cho thấy đội Nhật vẫn giữ phong cách sở trường như màn trình diễn “Ngũ Hành” hồi DIFC 2010.
“Át chủ bài” của đội Nhật lần này là hình ảnh rồng lửa với những tầm pháo cao hơn hẳn những đội còn lại. Ý tưởng rồng và lửa khiến khán giả chợt nhớ tới đội trưởng Pedro Goncalves, linh hồn của Công ty Glupo Luso Pirotecnia đại diện Bồ Đào Nha tại DIFC 2010, năm mà Bồ Đào Nha cùng Nhật Bản đồng hạng 3.
Nếu năm đó, Bồ Đào Nha tạo hình pháo hoa rồng và lửa để tả “nơi truyền thuyết khai sinh” Ngũ Hành Sơn, thì tối qua, Nhật Bản đã vẽ thêm một dáng rồng trên sông Hàn cùng với cầu Rồng vừa khánh thành tháng trước.
Sự chính xác giữa nhịp điệu nhạc nền và tốc độ pháo vốn là thế mạnh của Tamaya Kitahara lại được phô diễn. Từng tiếng nổ pháo bắn lên ăn khớp với từng giây phân đoạn.
Màn trình diễn pháo hoa của đội Nhật |
Sông Hàn lãng mạn của đội Mỹ
Đội Nhật Bản vẽ “khu vườn ánh sáng” trên mặt nước còn đội Mỹ (Công ty Melrose Pyrotechnics) diễn tả chủ đề DIFC 2013 "Tình yêu sông Hàn" bằng một chuyện tình với tên gọi “Dáng em đêm nay”.
Đội Mỹ mang đến cho các khán giả một đêm của những bản tình ca với nhiều thể loại âm nhạc đa dạng làm nền cho màn pháo hoa khắc họa đôi trai gái yêu nhau và sự lãng mạn của dòng sông.
Nếu các đội Nga, Việt Nam và Ý trong đêm đầu tiên đều sử dụng pháo mặt nước thì đội Mỹ lại tập trung vào pháo tầm trung và tầm cao.
Màn trình diễn của đội Mỹ |
Ông Joe Ghazzal, Giám đốc Công ty Global 2000 - đơn vị tư vấn cho DIFC 2013 nhận định - có thể thấy, tại DIFC 2010 và 2013, đại diện cho đội Mỹ là hai công ty pháo hoa khác nhau nhưng phong cách trình diễn của họ đều đậm tính giải trí, lễ hội với thế mạnh là nhạc điệu sôi động, cuốn hút.
Đội Mỹ vô địch DIFC 2013 Sau hai đêm tranh tài, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế TP.Đà Nẵng (DIFC) 2013 đã kết thúc với chiến thắng của đội Mỹ (Công ty Melrose Pyrotechnics) với màn trình diễn “Dáng em đêm nay”. Tại DIFC 2010, đội Mỹ đã về nhì, hụt mất chức vô địch. Đồng hạng nhì DIFC 2013 là đội Nhật Bản (Công ty Tamaya Kitahara) với chủ đề “Khu vườn trên bầu trời” và đội Ý (Parente Fireworks) với màn trình diễn “Cảm xúc của dòng sông”.
Như vậy nhà vô địch DIFC trong 2 năm liên tiếp 2011 và 2012 là đội Ý đã chính thức trở thành cựu vương. Đội Việt Nam tiến bộ nhiều nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi vị trí thứ 3 sau 6 kỳ DIFC, còn đội Nhật Bản mặc dù tiến lên một bậc so với DIFC 2010 nhưng một lần nữa lỡ hẹn với cúp vô địch DIFC. |
Bên lề “Người Mỹ trầm lặng” Các đội Nga, Nhật Bản hay Ý luôn hào hứng tiết lộ màn trình diễn của mình nhưng đội Mỹ lại khá trầm lặng, kín tiếng. Ngay cả kịch bản ban đầu gửi nhà tư vấn của họ cũng rất chung chung. Mỗi khi trao đổi với báo chí, ông Matt Peterson, Đội trưởng đội pháo hoa Mỹ thường chuyển hướng bình luận về đội bạn thay vì chia sẻ thông tin đội mình. Duyên nợ DIFC 2013 chứng kiến sự góp mặt của những đối thủ nhiều duyên nợ với nhau. Công ty Tamaya Kitahara (đại diện đội Nhật) đã giành lấy cúp vô địch của Parente Fireworks (đại diện đội Ý) tại Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế Tarragora, Tây Ban Nha lần thứ 16 hồi 2005. Còn Công ty Melrose Pyrotechnics (đại diện cho đội Mỹ) tuy lần đầu góp mặt DIFC nhưng đã từng 2 lần vô địch (2011) và á quân (2010) Lễ hội pháo hoa thế giới Hanabi, Nagasaki ngay trên quê hương đội Nhật Bản. Việt Nam đông quân Đội Đà Nẵng đại diện cho Việt Nam có quân số đông nhất trong các đội pháo hoa với 12 thành viên. Ngoài đội trưởng, đại tá Nguyễn Trường Kỳ, 7 thành viên trong đội đã từng đi “du học” pháo hoa cấp tốc trong 12 ngày tại Malaysia hồi 2008, đến nay đội đã đào tạo thêm được 4 thành viên mới. Lo xa và sợ nắng Đó là đội Nga với sự cầm quân của nữ giới, đến Đà Nẵng sớm nhất từ 22.4 nhưng cái nắng miền Trung luôn trên 30 độ là một cực hình với 5 thành viên đội này. Do chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa hai đất nước đến vài chục độ nên lúc nào các thành viên nam của đội Nga cũng phải phanh trần tại Cảng Đà Nẵng để lắp pháo. Xem pháo hoa gặp tai nạn Trung tâm Cấp cứu TP.Đà Nẵng cho hay đã có 7 vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với người đi xem pháo hoa, 3 trường hợp bị ngất xỉu, ngộ độc thức ăn, tụt can xi trong khán đài B3 và B5, Trung tâm Cấp cứu đã xử lý sơ cứu tại chỗ nhưng bệnh trạng bệnh nhân diễn biến nặng nên đã đưa ra ngoài. "Chặt chém" Mặc dù quy định giá vé giữ xe gắn máy là 5.000 đồng/chiếc/lượt nhưng nhiều điểm vẫn lấy 10.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/chiếc. Mặc dù có số điện thoại đường dây nóng của Sở Công thương TP.Đà Nẵng nhưng hầu như người dân đành bấm bụng bị “chặt đẹp” chứ không có thời gian đứng lại đôi co, gọi đường dây nóng và chờ lực lượng Quản lý thị trường đến lập biên bản. Trong khi đó, lực lượng này có hơn 100 người nhưng có đến hàng trăm bãi giữ xe tự phát không đăng ký. Ngoài ra, du khách mua vé xem pháo hoa trên thuyền giá 500.000 đồng/người cũng rất ấm ức bởi quảng cáo ban đầu sẽ đậu ở vị trí đẹp để xem nhưng thực tế các thuyền bị cấm vào khu vực bắn pháo hoa nên du khách bỏ tiền nhiều hơn cả vé khán đài B4, B5 (400.000 đồng/vé) mà vị trí ngồi xem không đẹp bằng. "Bội thu" nhờ rác Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay chỉ sau vài tiếng xem pháo hoa, người dân và du khách đã để lại hai bên sông Hàn 70 tấn rác, đơn vị đã huy động 1.200 người thu dọn từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đó, người nhặt rác, ve chai cũng bội thu "nhờ"… người xem pháo hoa xả rác bừa bãi. Một người nhặt rác cho hay mỗi đêm pháo hoa có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng nhờ hàng chục kí vỏ lon, vỏ chai, bao ni lông… |
Theo Thanhnien