Cấp sổ đỏ trên đất rừng phòng hộ đặc dụng
Theo quy hoạch năm 1998 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, huyện Sóc Sơn có trên 6.600 ha đất lâm nghiệp bao gồm rừng đặc dụng và phòng hộ được giao cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn) và UBND các cấp huyện Sóc Sơn quản lý.
|
Theo kết luận thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.Hà Nội, các đơn vị nói trên đã sử dụng sai mục đích, buông lỏng quản lý khiến đất rừng bị các hộ dân mua bán chuyển nhượng trái pháp luật cho nhiều người.
Cụ thể, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn ký hợp đồng không đúng pháp luật cho doanh nghiệp bên ngoài thuê sử dụng 2.200 m2 để sản xuất kinh doanh, sử dụng 3.000 m2 đất rừng để xây sân thể thao, nhà văn hóa.
Trong quá trình quản lý đất rừng, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn và chính quyền địa phương đã thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho cán bộ công nhân và người dân địa phương nhưng do thiếu kiểm tra, giám sát nên tại hầu hết các xã có rừng đều diễn ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng với diện tích lên tới hàng trăm héc ta nhiều trường hợp khi chuyển nhượng có xác nhận của UBND cấp xã.
Công an vào cuộc Ông Nguyễn Tất Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn, cho biết việc tố cáo lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng đã liên tục xuất hiện từ năm 2004. Ngay sau khi Thanh tra Sở TN-MT có kết luận, người dân lại tiếp tục tố cáo về việc lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn đã cho san lấp một số diện tích đất vốn là ao chứa nước phòng cháy rừng để chia lô bán, tận thu gỗ trên tuyến đường điện 220 kV thu lợi bất chính... và Công an H.Sóc Sơn đã thụ lý, điều tra. Trao đổi qua điện thoại với PV, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết đang làm giải trình nên chưa tiện trao đổi. |
Theo cơ quan thanh tra, người nhận chuyển nhượng phần lớn là ở TP.Hà Nội với mục đích làm trang trại, xây nhà nghỉ cuối tuần, trồng rau, chăn nuôi…
Đáng chú ý, trong số hàng trăm trường hợp nhận chuyển nhượng có trường hợp của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh tại xã Minh Phú, họa sĩ Nguyễn Thành Chương ở xã Hiền Ninh…
Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiều hộ đã xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống với những diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Việc xây dựng đều không có phép nhưng chính quyền không xử lý được bất cứ trường hợp nào.
Theo kết luận thanh tra, từ trước những năm 2005, UBND H.Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho hàng trăm hộ dân nằm trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có cả những trường hợp cấp cho người nhận chuyển nhượng.
Sai phạm kéo dài
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ tháng 4/2006, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và đã kết luận có hơn 400 ha đất rừng bị chuyển nhượng sử dụng trái phép với tổng số 548 hộ nhận chuyển nhượng.
Trong đó có trên 650 hộ dân xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ gia đình ông Nguyễn Thành Chương nhận chuyển nhượng đất rừng đặc dụng từ năm 2001 có xác nhận của UBND xã.
Sau khi mua đất, ông Thành Chương đã xây dựng các công trình kiên cố nhưng chỉ 1 lần bị phạt hành chính 10 triệu đồng cho tồn tại và ông Chương tiếp tục xây dựng.
Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc quản lý thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng mua bán chuyển nhượng tràn lan, làm thay đổi mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch là rừng phòng hộ và đặc dụng.
Đáng chú ý sau kết luận này, tháng 5/2006, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an và UBND TP.Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra.
Theo đó, các cơ quan chức năng dừng ngay việc cấp sổ đỏ trên diện tích rừng phòng hộ, tổ chức ngăn chặn các trường hợp xây dựng trái phép, trình Thủ tướng phương án xử lý theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán chuyển nhượng, mua bán trái pháp luật. Làm rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 6/5, ông Nguyễn Viết Thanh - Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn thừa nhận những vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong kết luận của Thanh tra Sở TN-MT TP.Hà Nội thực ra không mới mà chỉ nhắc lại những nội dung đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trước đó.
Trả lời vì sao Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo gần bảy năm nhưng không có biện pháp xử lý triệt để, ông Thanh cho biết, tại địa phương đã có chín cán bộ cấp xã và huyện bị xử lý về trách nhiệm, trong đó hai cán bộ bị phạt tù; tuy nhiên do đã trải qua rất nhiều đời lãnh đạo nên đến giờ nói trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về ai thì rất khó.
Bên cạnh đó, Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn do chuyển đổi mô hình, tách nhập nhiều lần ở các cơ quan quản lý khác nhau nên không thống nhất được biện pháp xử lý.
Ông Thanh cũng cho biết, đối với các công trình xây dựng không phép, thanh tra xây dựng đã lập biên bản với nhiều trường hợp nhưng “làm chưa đến nơi đến chốn”. Có nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền của UBND huyện và phải chờ ý kiến của UBND thành phố, kể cả việc thực hiện sau thanh tra kết luận của Thanh tra Sở TN-MT mới đây.
Xử lý vi phạm, bất kể đó là ai Trả lời tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều qua, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay Sở đã có kết luận thanh tra về trường hợp vi phạm trong sử dụng đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và họa sĩ Nguyễn Thành Chương. Theo ông Nghĩa, trong kết luận thanh tra, Sở TN-MT đã khẳng định đây là việc vi phạm sử dụng đất lâm nghiệp. UBND H.Sóc Sơn đã giao 200 m2 đất ở trong số diện tích đất lâm nghiệp của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và phủ Thành Chương theo NQ 01 trước đây nhưng số diện tích còn lại phải sử dụng đúng mục đích lâm nghiệp trong khi hiện trạng thực tế thì không phải như vậy. “Việc sử dụng đất là sai. Chúng tôi đã báo cáo UBND TP và đang chờ ý kiến kết luận của TP. Quan điểm của sở là vi phạm thì phải xử lý, bất kể đối tượng đó là ai, vì tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật”, ông Nghĩa nói. |
Theo Thanhnien