Nguồn gốc Âm hôn
Phong tục này đã có từ lâu đời, một số tài liệu ghi lại điển tích rằng Tào Xung, con trai Tào Tháo không may chết sớm. Tào Tháo đau khổ, day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung.
Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức "đám cưới ma" như thật, sau đó làm đám tang, chôn tiểu thư họ Chân cùng một chỗ với Tào Xung.
Hiện nay, âm hôn chỉ còn tồn tại ở một số vùng quê xa xôi hẻo lánh (Ảnh minh họa)
Lý do tổ chức âm hôn
Có nhiều lý do khiến người Trung Quốc tổ chức âm hôn. Theo quan niệm dân gian, nếu người sống khi chết vẫn độc thân thì sang thế giới bên kia họ vẫn cô đơn.
Vì vậy họ sẽ "bắt" một thành viên trong gia đình mình cùng sang cõi âm để bầu bạn. Đặc biệt, những thanh niên trẻ đã có hôn ước nhưng không may đột ngột qua đời thì người nhà phải tổ chức "đám cưới ma", nếu không linh hồn của họ sẽ quấy nhiễu khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo.
Người Trung Quốc rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Các cô gái chết khi chưa lập gia đình sẽ không có ai thờ cúng. Chính vì vậy, người thân sẽ tổ chức âm hôn để họ được hương khói ở nhà chồng.
Mặt khác, nếu cô gái đến tuổi lập gia đình mà không ai cưới sẽ khiến bố mẹ xấu hổ. Vì vậy, cô gái đó có thể phải chấp nhận kết hôn với một người con trai đã chết rồi dọn đến ở nhà người chồng quá cố. Cô gái này sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc gia đình nhà chồng giống như con dâu thực sự.
Một số gia đình lại cưới vợ cho con trai đã chết vì lý do thừa kế tài sản. Khi người chết có vợ trên danh nghĩa thì gia đình chồng mới có thể tìm một người cháu trai trong họ nhận làm con nuôi của người chết để thừa kế tài sản và chịu trách nhiệm hương khói cho tổ tiên.
Trong văn hóa Trung Quốc, em trai không thể kết hôn trước khi anh trai. Trong trường hợp người anh trai đã qua đời thì gia đình phải làm "đám cưới ma" cho anh trai trước rồi mới tổ chức lễ cưới cho người em để tránh vong linh của người anh không hài lòng, khiến gia đình lục đục.
Nghi lễ âm hôn
Về cơ bản, âm hôn cũng được tổ chức tương tự như đám cưới dành cho người sống: phải thông qua người mai mối, hai bên gia đình qua nhà nhau dạm ngõ, đến lúc cử hành hôn lễ cũng tổ chức cỗ bàn hết sức thịnh soạn. Trong "đám cưới ma", họ hàng và bạn bè của người quá cố đều được mời đến chung vui với "cô dâu, chú rể".
Trong "đám cưới ma", họ hàng và bạn bè của người quá cố đều được mời đến chung vui với "cô dâu, chú rể" (Ảnh minh họa) |
Với những đám cưới bình thường, nhà trai phải tặng nhà gái một số lễ vật. Trong "đám cưới ma", món quà hứa hôn có thể là những vật phẩm thông dụng nhưng cũng có khi là tiền mặt có giá trị đến 5.500 đô la (khoảng 115 triệu đồng)
Nghi lễ âm hôn (Ảnh minh họa)
Trong nghi thức âm hôn, nếu cả cô dâu và chú rể đã qua đời thì họ sẽ được đại diện bằng hình nhân, đặt trên bàn thờ. Một đám cưới bình thường, những người thân trong gia đình thường tặng quà cho cặp vợ chồng mới cưới như đồ trang sức, tủ lạnh, bàn trang điểm, tiền mặt...
Trong đám cưới ma những đồ vật này sẽ được thay bằng vàng mã sau đó sẽ được đốt cùng hình nhân cô dâu chú rể để đảm bảo họ có thể sống thoải mái ở thế giới bên kia.
Trong thời gian làm lễ, các hình nhân sẽ được đối xử, trò chuyện như với người còn sống. Sau này, hai gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành bốc mộ. Cô gái sẽ được chôn cạnh chàng trai mà mình được gả cưới.
Một "đám cưới ma", chú rể lấy cô dâu đã chết ở Chương Châu , Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 2010 Chú rể cầm ảnh cô dâu đã chết |
Nếu chú rể còn sống kết hôn với một cô dâu "ma", thì thay vì để 2 hình nhân người ta chỉ để một bức ảnh cô dâu. Chú rể sẽ đeo găng tay màu đen thay vì màu trắng trong đám cưới thông thường. Sau nghi lễ âm hôn, hai bên gia đình thông gia với "cô dâu, chú rể" sẽ trở nên gắn bó với nhau hơn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, hội hè.
Âm hôn dẫn đến nạn buôn xác chết
Guo Yuhua, một giáo sư xã hội học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết "Theo quan niệm dân gian, các gia đình có con không may mất sớm tổ chức âm hôn với hy vọng người chết được hạnh phúc ở thế giới bên kia thì sẽ không quay về gây tai họa cho người sống".
Môt số kẻ lợi dụng phong tục này để đào mồ (Ảnh minh họa)
Âm hôn bị coi là phạm pháp nhưng một số gia đình khá giả ở nông thôn vẫn sẵng sàng bỏ tiền để mua "cô dâu ma" cho con trai đã chết. Những phụ nữ xinh đẹp chết trẻ thì càng có giá cao, giá một xác chết nữ mới qua đời trên thị trường chợ đen có thể lên tới 30.000 đô la (khoảng 630 triệu đồng). Chính vì vậy một số kẻ lợi dụng phong tục này đào trộm mồ mả, bán xác chết.
Ông Zhou Peng, một nhà báo làm việc cho tờ Tin tức buổi tối Tây An, tiết lộ rằng bọn tội phạm tìm đủ mọi cách qua mặt cảnh sát địa phương thậm chí chúng sẽ nhờ bác sĩ lành nghề để tiến hành phẫu thuật chỉnh hình ngay trên các xác chết vừa đào được, nhuộm tóc người chết để xác chết trông trẻ hơn để bán kiếm lời.
Vào đầu tháng 3-2013, 4 tên đào mộ đã bị tuyên phạt mức án hơn 2 năm tù vì tội đã đánh cắp hơn 10 xác chết từ các ngôi mộ ở tỉnh Thiểm Tây và bán xác người quá cố cho khách hàng có nhu cầu trên thị trường "chợ đen". Âm hôn, không những tốn kém mà còn gây ra nhiều tệ nạn, chính vì vậy chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để dẹp bỏ hủ tục này.
Theo TTVN