Khoảng 10 năm trước hồi mới triển khai đại trà việc đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông (bắt đầu thực hiện từ năm học 2001-2002 theo hình thức cuốn chiếu), nhiều giáo viên đứng lớp đã phát sốt vì chương trình quá nặng.
Mục tiêu được nhấn mạnh là làm cho cách dạy và học nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Nhưng nay đã là năm 2013 mà xem ra mục tiêu nói trên còn lâu mới đạt, chương trình có nguy cơ phá sản. Bệnh quá tải trầm kha đã vô phương cứu chữa?
Đề thi Toán lớp 3
Mới đây một phụ huynh đã chia sẻ "Phiếu ôn tập Toán và tiếng Việt tuần 20" của con gái mình, học sinh lớp 3 một trường tiểu học ở Hà Nội, thực ra là đề thicủa 2 môn này. Đề do cô giáo dạy thêm "thử tài" học trò, nhưng dù chính quy hay học thêm, đọc đề sẽ hiểu vì sao trẻ con cấp một cũng học đêm học ngày.
Bị cấm học thêm vẫn "tự nguyện" xin học chui. Tâm lý các em dễ oải và bất định trước mỗi kỳ thi, nhất là thi chuyển cấp. Mà các kỳ thi cứ ngày càng dày đặc.
Đề Toán lớp 3 . |
Đề toán, phần Trắc nghiệm yêu cầu học sinh khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Số lớn nhất trong các số A. 4379, B. 3479, C. 4349, D. 4397?
Câu 2: Tổng của 2 số 4012 và 405 là A. 4015, B. 8017, C. 4417?
Câu 3: Số lớn nhất có ba chữ số chia cho 3 có kết quả là: A. 303. B. 111, C. 333?
Ngoài ra còn 4 câu hỏi trong phần Tự luận, trong đó có một bài toán đố: Nhà bác Lâm nuôi 999 con gà, số con ngan bằng 1/3 số con gà. Hỏi nhà bác Lâm nuôi tất cả bao nhiêu con gà và ngan?
Đề ôn tập môn Tiếng Việt lớp 3 . |
Đề Văn 4 câu cũng không kém Toán. Đó là, điền tên của các anh hùng dân tộc nước ta trước các câu nói nổi tiếng trong lịch sử của họ: … Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta? …
Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành đã định tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời?... Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc?... Phá cường địch, báo hoàng ân (Phá giặc mạnh đền ơn vua).
Một đồng nghiệp chúng tôi vừa chia sẻ, con trai chị học lớp 4 phải học thuộc lòng bài "Tiểu đội xe không kính" (thơ Phạm Tiến Duật). Cháu có thuộc thật nhưng thú với mẹ, "con chẳng hiểu bài này nói gì”. Có một bài toán cô cho về nhà mà cả bố mẹ và các cô chú ở khu chung cư với cháu đều không làm được, đành nhờ đến "GS. Google"!
Quá tải là bệnh ở gốc
Với sự cố quá tải kéo dài, dễ hiểu vì sao Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 17 dứt khoát không cho dạy thêm ở tiểu học, nhưng nhiều trường vẫn dạy bán trú trá hình. Buổi chiều là dạy thêm chứ không có chuyện "trông trẻ". Quá tải là bệnh ở gốc mà Bộ lại chữa ngọn - cấm học thêm - nên không thể gỡ rối.
Trở lại câu chuyện khi chương trình đổi mới mới triển khai, các chuyên gia trong ngành đã không giấu nổi lo ngại vì cả SGK cả chương trình chỉ vừa sức một bộ phận học sinh, giáo viên thành thị. Với các vùng khác là đánh đố...
Có quan chức đổ lỗi sự quá tải do... giáo viên yếu kém. Nhưng dù có dạy chương trình mới hay cũ thì giáo viên nào có được tự lựa chọn chương trình và đối tượnghọc sinh. Tại nhiều kỳ họp chất vấn, giải trình, lãnh đạo Bộ cho biết Bộ từ lâu đã khuyến cáo giáo viên chỉ cần dạy đủ những kiến thức cơ bản, còn chương trình mở rộng hoặc nâng cao thì tuỳ sức học mà quyết.
Sở GD-ĐT cũng chủ trương giao quyền tự chủ cho từng trường biên soạn tinh giản kiến thức trong SGK. Nhưng tinh giản làm sao vẫn đảm bảo được chất lượng là rất khó. Cả với Bộ chứ không chỉ với địa phương.
Giảm tải mang tính cơ học dễ làm mất tính hệ thống nhiều môn. Có trường dạy theo yêu cầu thực tế và coi SGK như một loại sách tham khảo. Nhưng dễ gì đủ giáo viên giỏi để dạy học linh hoạt kiểu này.
Cũng không phải nơi nào cũng đủ kinh phí, nguồn lực huy động các giáo viên giỏi đảm nhiệm việc biên soạn bộ "SGK riêng", trong khi lượng kiến thức các môn ngày càng tăng mà thời gian có hạn.
Hệ quả là chương trình SGK dù đã giảm tải nhưng nếu học một buổi/ngày, số tiết dạy theo quy định không đủ để tải hết. Tính lý thuyết hàn lâm vẫn cao, chưa thể hiện tính tích hợp cũng như tính ứng dụng.
Ở 2 thành phố lớn là HN và TP.HCM tình hình không khả quan hơn. Đề ôn thi cho học sinh lớp 3 kể trên, dù với trò giỏi mà bắt bí, "tra tấn" đầu óc con em mình đến thế quả là lợi bất cập hại.
Lâu nay cơ quan quản lý nhà nước thường tìm nhiều cách "bình thường hoá" những phàn nàn của xã hội, xem nhẹ ý kiến các chuyên gia nên tình trạng quá tải vô lối kéo dài. Vấn đề là Bộ GD-ĐT với bao kế sách đổi mới rồi giảm tải mà tải vẫn chưa giảm, chịu trách nhiệm ra sao trước xã hội về thực trạng này?
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mấy tháng gần đây, chuẩn bị cho công cuộc "Đổi mới toàn diện giáo dục", đã làm việc với UBND, Sở GD&ĐT nhiều địa phương và các trường phổ thông về thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình SGK giáo dục phổ thông.
Hầu hết các báo cáo với Đoàn đều than "Chương trình học nặng quá!". Đâu phải chỉ ban hành các văn bản hành chính cấm học thêm dạy thêm ở tiểu học là trẻ con khá được lên, có thời gian chơi mà học.
Một năm học đầy tiếng kêu cứu "quá tải" ở mọi bậc học chỉ hơn 2 tuần nữa sẽ khép lại. Và sau đó lại mở ra bao kỳ thi khốc liệt. Thi tốt nghiệp phổ thông, thi ĐH-CĐ, thi đầu cấp, trường chuyên, thi vào lớp 1, thậm chí "thi" mẫu giáo…
Không may mắn như những học sinh có cha mẹ tỉnh táo, không tạo sức ép cho con bằng điểm số, học thêm, sẽ có hàng triệu học sinh bị cuốn vào cơn lốc học thi, học thêm, sắp mất trắng kỳ nghỉ hè lý thú.
Trong những lễ bế giảng tới, dưới hàng trăm ngàn mái trường bình yên có những thành tích cao dạy và học, có bao nhiêu lời nguyện cầu sẽ được gửi lên cao không lời đáp mong cho học trò ta không hóa bệnh vì lo học, lo thi?. Và có bao nhiêu người trẻ sẽ vỡ mộng vì mớ kiến thức suông vô ích?
Theo VTC