TBG mở ra một tia hy vọng mới trong điều trị bệnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tác dụng của nó còn chưa nghiên cứu hết, tuy nhiên với những gì mà TBG đã và đang được ứng dụng trong y học nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung cũng đủ để minh chứng cho tầm quan trọng của TBG.
Tế bào gốc có tác dụng gì?
Trao đổi với PV, TS. BS. Mai Văn Điển, Giám đốc Y khoa Ngân hàng tế bào gốc Mekostem cho biết: TBG được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y sinh học như: điều trị nhiều bệnh lý nan y trong nhiều chuyên khoa khác nhau như: tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch chi); thần kinh (bại não trẻ em, liệt tủy, xuất huyết não cấp, Pakinson, Alzeimer);
Nội tiết (đái tháo đường type I, II); Xương khớp (các tổn thương xương lâu liền, khớp giả, thoái hóa khớp gối, thoái hóa chỏm xương đùi); Các bệnh tự miễn (Lupus, Crohn); Các tổn thương da và niêm mạc (do bỏng, đái tháo đường, tì đè, hoặc do sẹo loét giác mạc,…).
TS. BS. Mai Văn Điển, Giám đốc Y khoa Ngân hàng tế bào gốc Mekostem cho biết: TBG được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y sinh học. |
Đặc biệt, trong chuyên khoa huyết học, TBG có thể điều trị trên 70 loại bệnh lý huyết học khác nhau thuộc 3 nhóm bệnh chính: nhóm thứ nhất chiếm đa số là các bệnh ung thư máu thuộc các dòng tế bào bạch cầu hay u lympho; tiếp theo là các bệnh di truyền (của hồng cầu, của hệ thống miễn dịch và các bệnh về rối loạn chuyển hóa); thứ ba là các bệnh lý không ung thư cũng không do di truyền như suy tủy, thiếu máu nặng.
Ngoài ra, TBG còn được sử dụng trong các chuyên ngành khác như: thẩm mỹ làm đẹp, trong nghiên cứu dược lý.
Trưởng khoa Ngọc Quế đưa ví dụ: Trong y học, nhiều lúc dường như bế tắc. Đặc biệt như bệnh nhân ung thư, đái đường suy gan, suy thận suy tim… không còn biện pháp chữa trị khác, người ta nghĩ tới biện pháp thay thế hoặc cấy ghép TBG.
Tùy những vi môi trường khác nhau mà TBG khi đưa vào sẽ sinh ra những dòng tế bào khác nhau, phù hợp để thích ứng và điều trị. Hiện nay, khoa học đang đẩy mạnh làm sao để có tế bào gốc tạo ra chứ không chỉ là thay thế.
Người cần TBG nhiều nhưng lưu trữ ít
Quy trình bảo quản tế bào gốc 70 bệnh được chữa khỏi từ tế bào gốc Liệu pháp tế bào gốc chữa khỏi bệnh suy tim Khách hàng đầu tiên gửi tế bào gốc: Đắt xắt ra miếng! |
Bác sĩ Quế cho biết: Hiện nay, bệnh nhân cần TBG để cấy ghép và thay thế rất nhiều nhưng không có nguồn TBG để sử dụng. Hơn nữa, việc tìm TBG có sự tương thích không phải là dễ.
Những người trong cộng đồng nếu không là người ruột thịt thì phải 10 nghìn người mới có 3- 4 người có mẫu tương thích phù hợp với nhau. Chưa nói đến người ngoài, anh em trong gia đình cũng chỉ có thể tìm thấy tế bào gốc phù hợp từ 30-50%.
Bởi thế, cần có một lượng TBG rất lớn lưu trữ thì mới tìm ra được những mẫu phù hợp để sử dụng khi cần. Điều này chúng ta chưa có và chưa làm được vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, khoản chi phí để lưu giữ TBG là một nguyên nhân không nhỏ.
Ở nước ngoài, có những nước lưu trữ khoảng hơn 500 nghìn mẫu TBG, vì vậy, có đến 80-90% người có nhu cầu tìm tế bào gốc thành công. Để làm được như vậy cần có một khoản chi phí rất lớn.
TS. BS Trần Ngọc Quế, Trưởng khoa hiến máu Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: bệnh nhân cần TBG để cấy ghép và thay thế rất nhiều nhưng không có nguồn TBG để sử dụng. Hơn nữa, việc tìm TBG có sự tương thích không phải là dễ. Ảnh NL |
Việc cất giữ TBG trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức người dân. Đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, MekoStem - Ngân hàng TBG MekoStem - ngân hàng TBG đầu tiên tại Việt Nam, có sự phối hợp thực hiện của các đơn vị như Học viện Quân y, Viện Truyền máu và huyết học, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Bỏng Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học cũng chỉ mới có khoảng 600 mẫu do người dân tự đăng ký cất giữ, hơn 300 mẫu còn lại được các sản phụ hiến tặng.
Được biết, hiện nay Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang tiến hành thử nghiệm việc lưu trữ TBG cho khách hàng. Hiện viện có 40 mẫu máu dây rốn được lưu trữ, số người đăng ký khoảng 70.
Cần có nhiều chương trình TBG quốc gia
Khái niệm TBG đã có từ rất lâu, từ những năm 1945 - 1950 người ta đã xác định được TBG của máu, tủy xương. TBG đầu tiên toàn năng là phôi. Hiện nay, người ta đã xác định được rất nhiều nguồn có tế bào gốc. TS. BS Trần Ngọc Quế, Trưởng khoa hiến máu Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương |
Chia sẻ về tầm quan trọng của chương trình TBG và những ảnh hưởng trông thấy của việc thiếu TBG trong quá trình điều trị, Bác sĩ Quế nói: Nếu chúng ta nhìn rộng ra, nhiều bệnh nhân không được ghép TBG ở trong nước thì họ sẽ ra nước ngoài. Như vậy nguồn ngoại tệ lớn bị chảy sang nước khác. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư?
Trong khi đó, khoa học, kỹ thuật của chúng ta hoàn toàn cho phép. Nhiều bệnh nhân bên Lào, Campuchia sang Việt Nam điều trị; nhiều người Việt Nam đi Singapore điều trị nhưng lại quay lại Việt Nam để ghép TBG.
Chi phí ở nước ngoài hàng tỷ đồng cho một ca phẫu thuật cấy, ghép, trong khi đó ở Việt Nam vào khoảng 200 - 400 triệu đồng. Vậy khi có nguồn TBG để ghép thì nhiều bệnh nhân sẽ đến điều trị ở nước ta.
Tuy nhiên, để làm được điều đó trong tương lai, cần có sự hiểu biết của người dân và sự quan tâm của nhà nước trong hoạt động lưu trữ TBG. TBG là lĩnh vực hiện nay phát triển rất mạnh, giống như công nghệ thông tin.
Ứng dụng TBG hiện nay rất rộng và nó là lối thoát cho những bệnh nan y. Điều đó rất rõ ràng. TBG thay đổi hàng ngày, trong tương lai sẽ ứng dụng rất nhiều, đặc biệt là lĩnh vực thay thế. Để làm được điều đó thì phải có chương trình quốc gia về TBG.
Theo Infonet