Trong bóng tối shisha: Cơn gió độc giới trẻ ôm bàn đèn

Thứ sáu, 12/07/2013, 13:20
Từng đứa, từng đứa một thi nhau cầm ống hút của bàn đèn hít lấy hít để "khói tiên" rồi nuốt thẳng để “hơi thần” phê lên tận não đặng thỏa cảm giác đi mây về gió.

Hút shisha

Quằn quại trong tiếng nhạc Ba Tư du dương, réo rắt, trong tư thế nằm nghiêng kiểu “các cụ” phê bàn đèn ngày trước, thằng nhóc tuổi 17 có biệt danh Hải le le, giọng thều thào. Nó quả quyết “thứ này” (shisha-PV) là thú giải trí lành mạnh, pháp luật không cấm nên cứ chơi vô tư (?!).

Nó trơ trẽn nhằm khích 2 thằng bạn mới nhập cuộc: “Đời người chỉ sống có một lần nên tụi mày phải sống sao cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của tụi mày. Để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng mọi lạc thú trên đời tụi mày đã nếm trải qua, tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp shisha cao đẹp”.

sisha

Shisha là gì mà giới trẻ đã và đang quay cuồng như thế?!

1. "Hút shisha là hút thuốc lá theo phong cách Arập. Hút shisha có thể hiểu nôm na là biến tấu, là hiện tượng thăng hoa của trào lưu hút thuốc lá nhưng lý thú và ít độc hại hơn, thậm chí bổ ích cho con người ta là đằng khác. Thực ra các cụ ta đã biết hút shisha từ lâu được biểu hiện qua thú rít điếu cày nhưng vì nhiều lý do nên cái lạc thú này của các cụ không được hậu thế chú tâm và dành nhiều tâm huyết để phát huy, truyền bá".

Tỏ ra rất tự tin và am tường chừng như tuyệt đối những gì liên quan đến cụm từ "shisha", Xuân Phúc, 36 tuổi, chủ một quán trà chanh chém gió có "trụ sở" ở khu phố Tây (quận 1), đã lý giải như thế khi được hỏi thăm cái món hút hít độc đời kia mà anh ta đang kinh doanh:

"Có thể hiểu một cách giản đơn vầy, hút shisha là hút tinh túy, hương liệu từ các loài thảo dược đã được xử lý qua các công đoạn phơi, sấy, tẩm ướp hương thiên nhiên từ các loài cây trái như xoài, mận, dâu, sầu riêng…

Hay nói cách khác hút shisha là hút lấy tinh túy của thảo dược qua ống hút nước được nối với hệ thống bàn đèn. Khi được đốt nóng, thảo dược tỏa hương và việc của mình là hút lấy nguồn tiên dược đó để tinh thần được tinh anh, sảng khoái".

Quán đang trong giai đoạn nâng cấp - mở rộng để đáp ứng thị hiếu phê shisha của giới trẻ nhưng Phúc vẫn nhiệt tình lấy bộ bàn đèn "lên khói" mời khách vít ống để được đi mây về gió:

"Có một điều vi diệu ở shisha là không như việc hút thuốc lá hay thuốc lào với chất gây nghiện nicotin đốt cháy, xông độc buồng phổi khiến người hút về lâu dài sẽ bị các chứng ung thư như ung thư vòm họng, ung thư phổi, vì shisha là thảo dược nên độc chất nicotin là khái niệm xa xỉ. Nên ai đó nói hút shisha dẫn đến nghiện ngập là xằng bậy, nói vậy là duy ý chí, là áp đặt tư duy cá nhân thiếu hiểu biết".

Đang vui vẻ thì tự dưng Phúc nổi đóa như thế. Hỏi ra mới biết anh ta "quạu"  bởi dạo gần đây, thú hút shisha mà theo Phúc là "thanh tao, bổ ích" bị "những kẻ có ý đồ xấu ném đá bảo là hiểm nguy, là càng hút càng nghiện".

Phúc giải thích: "Nói về cái sự nghiện của shisha thì đúng là có nghiện nhưng nghiện ở đây mang tính tích cực chứ không tiêu cực như thuốc lá.

Người sử dụng dầu gió, dầu cù là lâu ngày cũng thành nghiện, thi thoảng phải mở nắp hít một hơi thì thấy đầu óc tinh thần sảng khoái, đi đâu nếu thiếu chai dầu thì cảm giác bứt rứt, khó chịu, như thế không phải nghiện thì là gì. Nhưng nghiện như thế là nghiện tích cực bởi dầu gió tốt cho sức khỏe. Hút shisha, nghiện shisha cũng có thể hiểu theo kiểu như vậy".

Con gái cũng thi nhau cầm ống hút của bàn đèn hít lấy hít để "khói tiên"

2. Thanh Mai, quản lý của một quán càphê trên đường Tôn Thất Thiệp (quận 1) bên trong cũng được trang trí theo phong cách Arập, bày nhiều bộ bàn đèn hút shisha cũng có chia sẻ như vậy. Không những thế, cô quản lý đỏm dáng mới 27 tuổi này còn rành rẽ cái gọi là "cội nguồn" của "siêu phẩm" shisha cũng như cha đẻ của cái món hút hít thời thượng này:

"Nhiều người nói shisha có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng thực chất nó xuất thân từ Ba Tư kia. Vì Ba Tư nằm trong khối Arập nên khi lan sang nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam nó mới được nhiều người gọi bằng tên gọi "thuốc lào Arập".

sisha

Theo Thanh Mai và từ nhiều nguồn thông tin trôi nổi được phát ra từ đám con nghiện shisha mà chúng tôi thu nhặt được thì hơn 4 thế kỷ trước, Hoàng đế nước Ba Tư Mughal Akbar I là người nghiện thuốc lá đến độ đi đâu cũng có hầu thần mang thuốc lá lẽo đẽo theo sau.

Sợ rằng khói thuốc sẽ "ăn" phổi và sớm muộn gì cũng tước đoạt sinh mệnh của thiên tử nên quần thần họp bàn và cử ngự y là bác sĩ Hakim Abdul-Qadir Gilani đến chăm lo cho sức khỏe cũng như giúp hoàng đế cai nghiện:

"Biết đấng chí tôn chẳng thể nào cai được làn khói trắng nên bác sĩ Hakim Abdul-Qadir Gilani nghĩ cách làm giảm thiểu tác hại của độc chất mà thiên tử hít vào. Sau nhiều ngày mày mò chế tạo, vị bác sĩ tài ba này đã dâng lên bệ rồng hệ thống ống nước có tên gọi shisha với chú giải hệ thống này sẽ giúp vua lọc các chất độc khi hút thuốc.

Thấy phát minh này quá tuyệt vời nên vua Ba Tư đã rộng rãi ban mẫu cho toàn dân chế tạo và sử dụng. Theo thời gian, thú hút shisha lan sang nhiều lãnh thổ, quốc gia và từ năm 2009 có mặt tại Việt Nam, bùng phát dữ dội từ năm 2011 đến nay".

Bộ dụng cụ hút shisha hoàn chỉnh gồm nhiều bộ phận như vòi, bình nước, thân, miếng đệm, van làm sạch, miếng khuếch tán, màng gió, ống dây, chén đất… Khi được ráp nối với nhau, những bộ phận nhỏ này sẽ tạo nên bộ dụng cụ "lên tiên" bắt mắt cao hơn nửa mét trông rất lạ và có phần kỳ quái:

"Dân trong giới gọi đó là bàn đèn shisha. Muốn phê nó thì chỉ việc cho thuốc vào chén, đốt nóng rồi vít cần (ống hút) rít một hơi cho hết tốc lực, ém hơi vào phổi cho xông lên óc và… nhả khói.

Ngao đầu (lần hút đầu - PV) thì cảm giác nó khét, nó hôi,  nó làm xây xẩm mặt mày, đầu óc quay cuồng, mặt tái mét, có khi ho sặc sụa chứ đến ngao thứ 2, thứ 3 thì quen dần. Bắn đến ngao thứ 9 thứ 10 thì cảm giác ác liệt lắm, cứ như mình có phép cân đẩu vân của Tề Thiên trong lĩnh vực đi mây về gió" - Tình, 20 tuổi, sinh viên năm 2, Đại học H.B…, tả cảm giác.

Tình hút shisha hơn 1 năm qua và đã nếm đủ hương vị "thuốc lào Arập" nên "rành 6 câu cái món này". Tình nói lúc shisha mới du nhập vào Sài Gòn, dân chơi ban đầu còn dè dặt nhưng vì thấy nó lạ, nó hay và vì nó không bị liệt vào mặt hàng cấm nên "bá tánh" lao vào thử cho biết, thử riết rồi đam mê vì quá phê. Tùy chất lượng mà giá cho một bình shisha dao động từ 200-400 ngàn đồng:

"Cứ lấy bình quân giá một bình là 250.000 đồng thì giá ấy mềm, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là giới học sinh, sinh viên nên ngày càng nhiều đứa quay cuồng với shisha. Bởi một bình shisha có khi 5 đứa kéo gần 2 giờ đồng hồ mới sạch khói". Nói đến đây, tay chơi shisha có thứ hạng, tặc lưỡi: "Họp mặt nhóm bạn đông vui và tha hồ đi mây về gió mà chỉ tốn có ngần ấy tiền thì có lý do gì mà không… nhập cuộc".

Chơi shisha có bị nghiện như nghiện thuốc lá, hêrôin không?

Cái dzụ đó hên xui à nghen, có người nói nghiện, kẻ bảo không, còn tui thì tui thấy càng bắn càng phê, càng phê càng mê. Mê các loại hương cỏ cây đủ mùi vị lan tỏa  trong não bộ của mình, mê cái cảm giác lúc kéo xong ngẩng mặt lên trời phả khói trắng đặc quánh trong tiếng vỗ tay hò reo khích lệ của chiến hữu.

Mê cả cái cảm giác nằm dài trong tiếng nhạc liu riu và ánh đèn đo đỏ ma quái… giúp mình quên hết sự đời, trôi lạc trong cảm giác đê mê bất tận…

Hút shisha an toàn, lành mạnh hay đó là lạc thú tiềm ẩn nhiều mối nguy?

3. Ngay tại thời điểm này, dù chưa có con số thống kê chính thức Sài Gòn có bao nhiêu điểm kinh doanh "thuốc lào Arập" cũng như số lượng nô lệ đích thực của trào lưu phê bàn đèn này nhưng từ kết quả 4.490.000 thông tin có liên quan đến từ khóa shisha mà trang Google đưa ra sau 20 giây kiếm tìm đủ để thấy rằng làn sóng phê thuốc lào Arập đang gây sóng gió trong giới trẻ Sài thành:

"Bạn bè quý nhau, gặp nhau… đãi shisha. Nhóm bạn họp nhóm thay vì đi cà phê hay ăn kem như ngày trước thì nay rủ nhau phê shisha. Shisha là đẳng cấp, là thú vui thời thượng, là thú tiêu khiển mới lạ, hấp dẫn kích thích tính hiếu kỳ của giới trẻ. Nắm bắt được thị hiếu đó, nhiều chủ quán cà phê, quán bar, vũ trường… đua nhau rinh bàn đèn về phục vụ thượng khách".

Gần 10 năm lang bạt khắp các hàng quán ở phố Tây nên Hùng xì-tẹc, 28 tuổi, hiện là bảo vệ bar T.S.M ở khu vực Đề Thám - Bùi Viện, trái tim của phố Tây Sài Gòn, rành rẽ đủ chuyện ăn chơi ở đây, trong đó có thú nằm  bàn đèn shisha của giới trẻ:

"Dân chơi mà nhất là các chủ kinh doanh lúc nào cũng khẳng định thuốc lào Arập không gây nghiện nhưng thực chất đó là kiểu nói biện minh. Thứ này dùng lâu dài thì cũng như dùng ma túy.

Nhiều đứa để thỏa cảm giác phê ngày một leo thang đã "chơi shisha chế", nghĩa là trộn shisha với các thứ cây cỏ có chất gây nghiện khác như tài mà, bồ đà, nói chung là thân, lá, cành của cây cần sa" - Hùng, quả quyết và bật mí: "Shisha chế chỉ được chủ kinh doanh bán cho khách quen. Tay chơi hay nhóm dân chơi để phê tới đỉnh chủ động sắm bàn đèn, tự chế shisha rồi phê tới bến".

sisha

Tiết lộ của Hùng xì-tẹc đã mở ra một thế giới đen tối về làn khói shisha. Vì mê làn khói trắng đặc quánh này mà nhiều dân chơi lập cái gọi là "hội những người yêu thích khói thuốc shisha" với số lượng thành viên lên đến hàng trăm.

Trên nhiều trang mạng xã hội, lắm tay phê shisha thứ dữ không ngần ngại chụp hình, quay đoạn video mình và nhóm bạn lúc đang phà khói với khoe khoang đang phê… hàng chế: "Đập đá với bình shisha phải nói sướng nhất trần đời. Khi trộn hàng đá (ma túy tổng hợp-PV) với shisha rồi kéo sẽ tận hưởng âm thanh lộp bộp vui tai cùng khói tiên lan tỏa khắp thần kinh, cảm giác tuyệt hảo đến vô đối".

Hút shisha an toàn, lành mạnh hay đó là lạc thú tiềm ẩn nhiều mối nguy? Trên các diễn đàn và chính từ tâm sự rất thật của những người hiểu chuyện thì chuyện shisha biến tướng đốt cháy cuộc đời tuổi trẻ của ngày càng nhiều dân chơi cứ ăm ắp, ngồn ngộn.

Bên cạnh hiểm họa "đập đá" qua bình shisha, thú phê thuốc lào Arập còn tiềm ẩn mối nguy khác là shisha chất lượng kém có nguồn gốc Trung Quốc chỉ toàn hóa chất độc hại hiện đang đuợc bày bán tràn lan, để tăng thu, nhiều chủ kinh doanh không ngại rinh thứ hàng độc hại giá rẻ bèo này về phục vụ khách.

Trong một trả lời gần đây, dược sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dược liệu Việt Nam) cho biết thành phần chính của shisha là mật ong, thảo dược nhưng là thảo dược gây nghiện chứ không phải dược thảo đơn thuần như nhiều người lầm tưởng.

Điều nguy hại hơn ở chỗ khi được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường thì shisha đã không còn được nguyên chất mà bị pha lẫn với tạp chất độc hại khác. Cũng theo dược sĩ Tiến, khi hút nhiều khói thuốc shisha như thế thì người sử dụng hít phải lượng khí CO có độc tính cao gấp 4-5 lần điếu thuốc lá, nếu vượt ngưỡng có thể gây tình trạng sốc thuốc nhẹ thì dẫn đến bất tỉnh, nặng sẽ gây… bại não!

Theo CAND

Các tin cũ hơn