Gần một thế kỷ sống cảnh chung chồng
Chúng tôi xuôi dòng Thạch Hãn, tìm về ngôi nhà nhỏ thuộc thôn Bích La Trung, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gặp cụ Nguyễn Thị Thỏn (SN 1911) và cụ Nguyễn Thị Giằng (SN 1920) để nghe câu chuyện “chồng chung” của hai cụ bà người đã trên trăm tuổi, người thì ngót nghét một trăm.
Cụ Giằng nhớ lại: Khi tôi còn trẻ, vùng đồng bằng Triệu Phong này nhiều ruộng, nhiều lúa nên cũng nhiều địa chủ. Nhà ông Sa (chồng của hai cụ) được xem là khá giả nên cũng có kẻ hầu người ở. Tuy nhiên, ông Sa, bà Thỏn lấy nhau mãi không có con, vì thế ông đã đến xin phép gia đình để bà Giằng về làm vợ.
Từ đó, ba người ra ở riêng cùng sống với nhau rất hòa thuận. “Chúng tôi là hai người xa lạ, nhưng lấy chung một chồng nên xem nhau như chị em. Bà Thỏn là vợ cả, nhưng sống rất chuẩn mực, đạo đức, thường nhường nhịn và chăm sóc tôi rất chu đáo. Tuy nhiên bất hạnh lớn nhất với bà ấy là không có con”.
|
Dù lấy chung một chồng nhưng cụ Thỏn và cụ Giằng vẫn thương yêu, chăm sóc nhau từng miếng ăn, giấc ngủ.(Ảnh do gia đình cung cấp) |
Thời chiến tranh, các địa danh như: Triệu Phong, Thành cổ, Thạch Hãn là những vùng đạn bom ác liệt nhất. Ông Sa và hai bà vợ cũng tham gia cách mạng, người cầm súng ở chiến trường, người tải lương, đưa quân. Mãi cho đến ngày Quảng Trị xa dần tiếng bom thì các cụ lại về bên nhau.
“Vì phục vụ kháng chiến nên rất ít khi chúng tôi gặp nhau, gặp rồi thì ai cũng mừng, cũng tủi. Bản thân tôi cũng không ngờ mình có thể sống sót để về đoàn tụ với ông Sa, bà Thỏn”, cụ Giằng kể lại.
Sau khi đoàn tụ một thời gian, bà Giằng sinh con gái đầu lòng, niềm vui chưa trọn thì ông Sa dừng chuyến xe cuộc đời. Từ khi ông mất đi, bà Thỏn thêm âu sầu, suy nghĩ, cũng vì nghĩ ngợi nhiều quá nên bây giờ không còn minh mẫn nữa.
“Là chị em trong nhà nhưng mỗi người lại có niềm bất hạnh riêng. Tôi biết bà ấy buồn nhiều, suy nghĩ nhiều nên mới đổ bệnh. Tuy bà ấy xem con gái tôi như con ruột của mình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn một người phụ nữ, chắc ai cũng hiểu được tâm trạng bà ấy”, cụ Giằng khe khẽ tâm sự.
Bên nhau lúc tuổi xế chiều
Chuyện tình nghĩa giữa cụ Giằng và cụ Thỏn ở làng trên xóm dưới hầu như ai cũng biết. Khi chúng tôi hỏi thăm, nhiều hàng xóm của hai cụ đều chung một nhận định: Cứ tưởng rằng hai cụ lấy một chồng tất yếu sẽ xảy ra mâu thuẫn, ghen ghét. Nhưng ngược lại các cụ nhiều tuổi rồi mà bênh vực nhau lắm, có gì ngon đều chia cho nhau.
Hai cụ thương nhau như chị em, họ sống với nhau rất nặng tình nặng nghĩa. Trong xã trên dưới đều thán phục cách sống, cách ứng xử và cách đối đãi của hai cụ. Cũng vì tình yêu thương sâu nặng như vậy nên các cụ được cô con gái rất mực hiếu thảo, tận tình chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ.
Mấy năm gần đây cụ Thỏn đã nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt của cụ đều trông cậy cả vào người phụ nữ chung chồng. Thế nhưng cụ Giằng vẫn vui vẻ chăm sóc, lo toan.
“Những ngày khỏe mạnh mà đối xử tốt với nhau thì không nói làm gì, đến giờ - khi chị ấy đã lẫn, cuộc sống thực sự cần đến mình thì tình cảm chị em mới có ý nghĩa chứ. Nhiều hôm ngồi bên cạnh mà chị ấy cũng không nhớ tôi là ai, thương lắm. Những năm trước, việc nặng nhọc bà Thỏn đều làm hết.
Không thể kể được hết những việc bà Thỏn đã dành cho tôi và con gái nên giờ đây nhìn thấy bà ấy vô thức như vậy mẹ con tôi lại ứa nước mắt. Việc chăm sóc bà ấy thật không thấm vào đâu so với tình cảm bà ấy dành cho chồng, cho con và cho bản thân tôi”, cụ Giằng nói.
Lúc còn khỏe, dịp lễ, Tết cụ Thỏn cũng thường xuyên về quê (cách khoảng 15km). Thế nhưng cứ về quê rồi cụ lại sang liền, ở quê ai cũng giữ chân, nhiều lần cụ phải nói: “Tôi phải về vì chồng và dì Giằng đang đi làm”.
Nhiều lúc có người ở quê sang tận nơi đón, trước khi lên xe cụ đều giao hẹn trước “đưa tôi đi phải đưa tôi về cho sớm”. Và cho đến bây giờ, mỗi khi nói đến quê, cụ Thỏn lại mừng, xong cụ lại buồn mà nói: “Về thì nhà để cho ai, dì Giằng sẽ ở với ai, thôi tôi không về nữa”.
Được nửa câu chuyện thì cô con gái của hai cụ mang cơm qua. Vừa nhìn hai cụ ăn cơm, chị vừa tâm sự:
“Tôi có hai mẹ, một người sinh ra tôi, một người dành hết tâm huyết chăm sóc cho tôi. Chồng tôi muốn đưa hai cụ về sống chung với gia đình nhưng hai cụ không chịu, cứ nhất quyết sẽ ở với nhau đến hết cuộc đời mới thôi. Nhiều lúc thương hai mẹ nhưng cũng phải nghe thôi, mình là con cháu, hàng ngày sang tắm cho các cụ, nhiều lúc ứa nước mắt”.
Những người cao tuổi như hai cụ đây cũng không ít, song tình nghĩa giữa hai cụ thật đúng là ít người làm được.
Theo Giadinh