"Mang thai hộ phù hợp với sự phát triển của xã hội"

Thứ hai, 22/07/2013, 14:03
Đó là đánh giá của Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á, khi nói về vấn đề mang thai hộ quy định trong Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến đóng góp.

Trao đổi với PV, Thạc sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho biết: "Thực tế hiện nay cho thấy việc vô sinh, hiếm muộn ngày càng trở nên phổ biến, do vậy mà nhu cầu mang thai hộ là có thật và là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì dị tật bẩm sinh, bị cắt tử cung, tử cung có nhiều u xơ, tử cung nhi tính, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa…

Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai ngay cả khi có sự can thiệp của y học, nhưng với những trường hợp đã cắt tử cung song vẫn còn buồng trứng, họ vẫn còn hy vọng có con và được hưởng quyền làm mẹ dù họ không thể tự mang thai như người bình thường khác mà chỉ có thể gửi trứng nhờ ai đó mang thai hộ.

Xét về khía cạnh đạo đức, có thể nói việc mang thai hộ là vi phạm thuần phong mỹ tục người Việt Nam, trái với các phạm trù đạo đức. Bởi lẽ, người Việt ta từ xưa đến nay luôn quan niệm rằng, người mẹ là người "mang nặng đẻ đau".

Do vậy, người mang thai hộ cũng đã trải qua “chín tháng, mười ngày” và đã phát sinh tình mẫu tử với đứa trẻ. Việc phải trả đứa trẻ cho bố, mẹ “sinh học” (bên nhờ mang thai hộ - PV) không khác gì chia cắt tình mẫu tử của họ.

Xét về khía cạnh pháp luật, pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi mang thai hộ, đẻ thuê. Cụ thể, Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh thì hành vi mang thai hộ có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Mặt khác, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học cũng đã nghiêm cấm hành vi mang thai hộ này.

Tuy nhiên, việc không luật hóa các quan hệ xã hội mới phát sinh sẽ gây ra những bất ổn trong xã hội. Ví như quan hệ quyền nghĩa vụ giữa người mang thai hộ với đứa trẻ trong việc nuôi dưỡng chăm sóc, thừa kế, quyền nghĩa vụ của người nhờ mang thai hộ đối với đứa trẻ...

Đặc biệt việc tranh chấp giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của đứa trẻ, thậm chí đứa trẻ có thể bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi".

de thue

Luật hóa là điều tất yếu, khách quan để giải quyết các quan hệ liên quan đến mang thai hộ, vấn đề đã và đang tồn tại trên thực tế. (Ảnh minh họa)

"Trường hợp chị Phạm Thúy H. ở quận Đống Đa – Hà Nội, có chồng là anh Nguyễn Văn B, lấy nhau hơn 12 năm, áp dụng rất nhiều biện pháp y tế nhưng chị H. vẫn không thể mang thai được. Năm 2009, anh chị vào miền Nam nhờ người mang thai hộ và sinh được cháu Nguyễn Tuấn V.

Tuy nhiên, sau khi đón cháu về nuôi anh chị mới thật sự gặp khó khăn khi khai sinh cho cháu và quan hệ giữa cháu với người mang thai hộ. Người mang thai hộ biết điểm yếu pháp luật nên thường xuyên đưa yêu sách về kinh tế buộc anh chị phải thực hiện. Chỉ khi nhờ luật sư tư vấn, hỗ trợ thì vấn đề của anh chị mới được giải quyết”, Luật sư Thuật dẫn chứng.

Đánh giá về việc đưa quy định “mang thai hộ” vào trong Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật đánh giá: “Có thể khẳng định việc nhờ mang thai hộ là một tất yếu khách quan, phù hợp với sự phát triển của xã hội và khoa học. Pháp luật cần thiết sớm có quy định để điều chỉnh các quan hệ xã hội này, bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là với đứa trẻ mới sinh ra”.

Điều 10 Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về sinh con theo phương pháp khoa học:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép thực hiện;

b) Không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật về sinh con theo phương pháp khoa học.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mang thai hộ;

b) Sinh sản vô tính;

c) Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích