Mâm cúng đời người
Sự kiện đưa cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi về làng cũ đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cả trong và ngoài nước. Dư luận không chỉ hiếu kỳ, mong muốn được tìm hiểu, biết rõ về cuộc sống, sự thích nghi thần kỳ của họ trong suốt 40 năm biệt lập với thế giới văn minh của loài người như thế nào.
Thích được nhìn thấy, sờ nắn những vật dụng mà họ tự chế tác như rìu rựa, soong nồi, cung lao, tên bẫy, bùi nhùi tạo lửa… như thời kỳ đồ đá mà vốn xưa nay chỉ nhìn thấy qua phim ảnh, các bảo tàng về người tiền sử. Thậm chí, trên các diễn đàn mạng Internet còn lo lắng, chỉ trích, góp ý… và cho rằng không nên đưa người rừng quay về đột ngột với cuộc sống văn minh của cộng đồng, phải cần sự vào cuộc của giới khoa học, của các nhà nhân chủng học…
Sau mâm cúng này, Hồ Văn Lang chính thức là thành viên của cộng đồng người Cor ở làng Trà Nga. |
Nhưng với thân tộc họ Hồ ở làng Trà Nga, với cộng đồng người Cor ở Tây Trà, Quảng Ngãi, xin thưa rằng, cha con “người rừng” đã “đoạn tuyệt” với hoang vu rừng già từ đây - từ… một mâm cúng đời người.
Bước ngoặt lớn nhất của người rừng Hồ Văn Lang để trở về với cộng đồng, được công nhận là thành viên của bản làng là từ một mâm cúng trọng đại này.
Chúng ta sẽ không hiểu được cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao nếu không biết tầm quan trọng về tín ngưỡng, quan niệm tâm linh trong đời sống của họ.
Với người Cor, một tộc dân thiểu số sống chủ yếu ở vùng núi cao Quảng Ngãi (và một phần ở Nam Quảng Nam) cũng không ngoại trừ. Với họ, thần linh, hương hồn tiên tổ luôn chế ngự phần lớn trong đời sống thường ngày.
Các vị thần lớn luôn lảng vảng trong rừng. Thần thường ở đáy vực sâu, thỉnh thoảng thần bay lên, lượn lờ quanh làng trên đôi cánh gió.
Đó là những thực thể siêu thực, nhưng lại luôn hiện hình ra bất ngờ nhất, đôi khi là con hổ vằn lặng lẽ đang rình người đi rẫy về lúc chiều tà, hoặc con rắn hổ mang đột nhiên ngóc đầu dậy phun phì phì trong nắng trưa hè ngột ngạt, hoặc là dòng lũ dữ tợn cuốn phăng đi bản làng, vùi lấp nhà cửa, cuối trôi súc vật, con người…
May mắn thay họ còn có ông bà, tổ tiên, những người “chết lành” đã trở thành những vị thần hộ mệnh. Thần hiền đôi khi biến thành con rùa, hay thân cây lớn đỗ ngáng đường đi núi, đôi khi là con chim vàng oanh lảnh lót bên đường… báo hiệu điềm dữ, báo có thần chết để ngăn bước dân làng, báo cho họ quay lại.
Bởi vậy mới có câu “(gặp) rắn thì đi, quy thì về”, “chim hót bên trái, hãy quay lại ngay”, “cơm khê chớ ra khỏi làng”… Với cha con người rừng Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang thì cũng nhờ tổ tiên về báo mộng với người thân mà họ đã có cơ hội được trở về với cộng đồng.
Ông Thanh ngồi thừ người ra nhớ hoang vu.
Đồng bào thiểu số luôn gắn liền các sự kiện đời sống của mình với các mâm cúng. Đẻ ra đời, cúng. Gặt lúa mới, cúng. Dựng nhà, cúng. Cưới hỏi, cúng. Mất mùa, cầu mưa cũng cúng. Có người chết dữ, chết bất đắc kỳ tử, tất nhiên là cúng rất kỹ, rồi kiêng cữ… Có thể nói suốt cuộc đời của họ đều gắn liền với những mâm lễ vật, là máu hiến tế.
Nhưng với Hồ Văn Lang, trong suốt 41 năm tuổi đời, lần đầu tiên, hôm nay anh mới được ngồi trước một mâm cúng, là chính thể để “kết nối” với tiên tổ, ông bà, “kết nối” với thần linh… Dẫu là mâm cúng trọng đại như vậy, song thật đơn sơ, đôi gà tre tơ vừa mới biết gáy sáng, đĩa trầu cau, chén rượu nấu từ gạo nếp đỏ (gạo rẫy)… và một chén than hồng củi quế - đặc sản của quê hương Tây Trà.
Những ngày đầu lạ lẫm của Lang ở thế giới văn minh.
Ông Hồ Văn Biên, 68 tuổi, là người em họ của “người rừng” Hồ Văn Thanh đã kể lại câu chuyện ly tán đau buồn của gia đình ông Hồ Văn Thanh. Từ một quả bom oan nghiệt nổ vùi hầm trú ẩn năm 1974, làm chết 26 người, trong đó có mẹ ruột và 2 đứa con trai đầu của ông Thanh, đã khiến cho người đàn ông này bị sang chấn tâm thần, điên loạn vì tột cùng của sự mất mát, đau khổ.
Ông Thanh trở thành người đãng trí từ đó, rồi một ngày bỗng ẵm đứa con lớn còn lại là Hồ Văn Lang chạy trốn biệt vào rừng sâu, sống cuộc đời hoang dã người rừng hơn 40 năm đằng đẵng.
Cũng vì chiến tranh, ly tán nên Hồ Văn Lang chỉ là cái tên vừa đặt rồi bị quên lãng bởi sự mất tích biền biệt này. Bây giờ, đón được nó về với cộng đồng, với làng Trà Nga, việc đầu tiên phải làm soạn mâm cúng để cáo với tổ tiên, thần linh, bản quán về sự có mặt của nó.
Ông Biên nhắm nghiền hai mắt, miệng lâm râm khấn vái, rồi bất ngờ hắt chén rượu xuống đất. Chén than hồng rực đỏ, hun mùi gỗ quế thơm lừng, trong làn khói trắng vấn vương, ông Biên phiêu linh như "nối" được với cõi âm.
Xong phần nghi lễ, ông Biên đưa chén rượu cho Lang uống 1 hớp. Mặt Lang nhăn nhó, người co rúm lại rồi đưa tay phủi phủi miệng giống hệt động tác khỉ ăn phải ớt. Giản đơn, nhanh gọn, nhưng với Lang, cuộc đời mới bắt đầu từ đây. Tổ tiên đã chứng giám, thần linh sẽ phù hộ trên từng bước đường đời.
Theo Laodong