Anh là Nguyễn Viết Duy (35 tuổi), ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Tốt nghiệp kỹ sư, ra làm "thầy liệm"
Gặp anh trong một buổi sáng cuối tuần, khi Nguyễn Viết Duy mới vừa hoàn thành “sứ mệnh” ướp xác từ huyện Bắc Sơn (Ninh Thuận) trở về. Vốn là sinh viên Trường đại học Nha Trang, nhưng đến năm thứ 2 thì anh buộc nghỉ học vì nhà quá nghèo.
Những chiếc quan tài cùng công nghệ ướp xác “có một không hai” ở Việt Nam. |
“Tôi nghỉ học và đi làm sớm hơn những bạn bè mà không hề có mảnh bằng lận lưng. Xã hội vốn trọng bằng cấp, nên tìm việc làm không đơn giản”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, cách đây vài năm, anh cũng đã hoàn thành chương trình đại học của khoa điện-lạnh, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Với anh đây là một niềm vui, một động lực lớn.
Tốt nghiệp kỹ sư một trường đại học danh giá nhưng ngã rẽ cuộc đời đã chuyển anh theo một lối hoàn toàn khác: ướp xác người chết. Nghề đã chọn người, anh đã chấp nhận và dành trọn tình yêu của mình cho nó. Ý tưởng chế tạo quan tài ướp xác hình thành khi anh chứng kiến nỗi đau của những người không kịp trở về nhìn mặt lần cuối người đã khuất.
Mục đích công nghệ bảo quản tử thi là giúp lưu giữ người qua đời lâu hơn trên dương gian để người nhà của họ có thể trở về nhìn mặt người thân lần cuối trước khi họ hoàn toàn bước sang thế giới bên kia. Anh giải thích căn nguyên suy nghĩ, việc làm độc đáo của mình: “Khi còn theo học đại học, tôi đã phát hiện ra nguyên lý chế tạo tủ lạnh và kỹ thuật ướp lạnh. Tôi kết hợp thêm với những kiến thức mà mình đã tiếp thu được từ khi còn là sinh viên ngành thủy sản để hình thành nên việc chế tạo quan tài chuyên phục vụ cho việc ướp xác. Và tôi tự hào là người đầu tiên thực hiện thành công việc ướp xác tại tỉnh Khánh Hòa”.
Khác với những cửa hàng chuyên kinh doanh dịch vụ mai táng khác, anh Duy làm theo nhu cầu thị trường. Những ngày đầu tiên chế tạo quan tài ướp xác, anh có nhiều lo nghĩ trong đầu: “Làm ra rồi thì làm sao mà phổ biến cho người có nhu cầu biết được? Nếu mà có sự cố thì phải làm thế nào? Lỡ như máy móc có trục trặc thì hỏng toàn bộ”.
Sau lưng anh Duy là những cỗ quan tài chuyên dùng cho việc ướp xác. |
Công việc chế tạo quan tài được thực hiện trong một xưởng cơ khí nhỏ, nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1A, chạy qua thị trấn Cam Đức. Theo ông chủ cửa hàng dịch vụ mai táng Tây Phương, cũng nằm tại Cam Đức cho biết: “Chúng tôi học công nghệ này của anh Duy, nguyên lý hoạt động tuy đơn giản nhưng chúng tôi cả đời làm nghề lại không nghĩ đến việc này. Quả thực, đó là một sáng kiến lớn, có ý nghĩa tâm linh, tình người rất cao”.
Chỉ hơn một năm, sau khi anh Duy chế tạo chiếc quan tài ướp xác, đã có người bắt chước và chế tạo hàng loạt chiếc như thế ở những nơi khác. “Tôi cũng không nghĩ đến việc đăng ký bản quyền sản phẩm mình chế tạo ra, vì lúc ấy còn chưa nghe nhiều đến chuyện bản quyền tác giả như bây giờ, với lại tôi làm vì thấy xã hội cần có chứ cũng không phải là chuyện kinh doanh dịch vụ mai táng”, anh Duy cho biết.
Công nghệ đơn giản, giữ xác bền lâu
Với những cỗ quan tài điện của anh Duy, xác ướp có thể giữ nguyên như khi mới tắt thở tới hơn 10 ngày. Về mặt sinh học sau khi con người “về với thế giới bên kia” chỉ cần vài ngày sau, thi thể sẽ phân hủy rất nhanh. Ướp xác hay nói cách khác là kìm hãm quá trình phân hủy này, trong thời gian lâu nhất có thể. Người cổ đại thường sử dụng phương pháp lấy não qua đường lỗ mũi hoặc bịt kín xác người trong quan tài sau khi đã ướp qua các hương liệu. Sau khi người chết được khâm liệm, xác ướp sẽ được chôn cất tại những vị trí bí mật, hoặc yên nghỉ trong những công trình đồ sộ, vừa để giữ yên tĩnh cũng như ngăn cản không khí và ánh sáng xâm hại.
Anh Duy và khung quan tài ướp xác. |
Nguyên tắc hoạt động của những cỗ quan tài đặc biệt này đơn giản “như một chiếc máy lạnh”. Nhiều cửa hàng dịch vụ mai táng cũng có nhận xét tương tự và tỏ ra ấn tượng với những chiếc quan tài như thế. Mỗi ngày ướp xác chi phí tốn khoảng 500.000 đồng.
“Tôi làm nghề này đã hơn 40 năm rồi, nhưng mà 5-6 năm nay, mới thấy cỗ quan tài ướp xác như thế này lần đầu. Mặc dù người ta đã quen dùng quan tài gỗ, nhưng quan tài ướp xác này vẫn có nhiều khách hàng lắm. Họ thuê về để cho người thân mới qua đời an nghỉ tạm nơi dương thế, đợi người nhà về tiễn đưa, nhìn mặt lần cuối”, ông Tây - chủ quán dịch vụ mai táng Tây Phương - cho biết.
Được biết, kỹ thuật ướp xác đã có từ hàng ngàn năm trước, thường chỉ lưu truyền trong nội bộ vương tôn quý tộc thuộc các triều đại lớn trên thế giới. Người xưa tiến hành ướp xác để tưởng nhớ hoặc tôn thờ một vĩ nhân nào đó. |
Ngày nay, với sự tiến bộ tư tưởng và sự phổ biến của khoa học công nghệ, việc ướp xác đã trở nên phổ biến hơn. Cuộc sống tâm linh tại Cam Lâm, Khánh Hòa đã có nhiều thay đổi từ khi quan tài ướp xác do anh Duy chế tạo ra đời.
Vì phần đầu quan tài có gắn máy lạnh, do đó khi cơ thể người qua đời được đặt vào quan tài, máy lạnh sẽ bắt đầu hoạt động, những lớp sương lạnh thẩm thấu từ những đường dây chạy ngầm bên trong lớp vỏ quan tài để giữ lạnh cho xác ướp, tránh phân hủy sớm. “Tùy trường hợp mà làm cho phải, cơ thể con người nói vậy chứ phân hủy cũng tùy theo thể trạng, gầy ốm hay cao mập, sẽ phân hủy với tốc độ khác nhau. Cũng tùy theo đó mà có tiêm phoóc-môn hay không? Có một số trường hợp tiêm phoóc-môn quá sớm làm cơ thể người qua đời có màu xanh hơn, nhìn không đẹp như ban đầu được”, anh Duy tiết lộ.
Việc bảo quản tử thi cần phải rất thận trọng, đặc biệt là vào những khi thời tiết xấu hoặc quá nóng đều có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình bảo quản. Để tránh ảnh hưởng từ thời tiết, quan tài đã được chuyển từ vỏ sắt sang vỏ kính và luôn được theo dõi để điều chỉnh chế độ điện cũng như nhiệt độ tùy theo. “Việc chuyển từ vỏ sắt sang bọc kính, vừa làm người thân của họ có thể nhìn thấy ở mọi phía, vừa tăng độ thẩm mỹ”, anh Nguyễn Văn Nam - một người thợ cũng đã chế tạo được quan tài ướp xác - cho biết.
Ông chủ cửa hàng Tây Phương với chiếc quan tài ướp xác mới mua về. |
Mỗi khi sử dụng để ướp xác, điều lớn nhất mà anh Duy và những người làm nghề giống như mình phải suy nghĩ về mặt kỹ thuật là hơi người. Những người nằm trong quan tài dù không còn thở nữa, nhưng mùi hơi bốc lên từ cơ thể họ có thể làm mờ đi nắp quan tài bằng kính, đặc biệt là trường hợp những người có trọng lượng lớn, mập mạp. Hiện có một số cửa hàng dịch vụ tiến hành trang trí thêm cho bề ngoài quan tài hoặc tạo mùi thơm nhưng nhìn chung nguyên tắc hoạt động vẫn giữ nguyên.
“Trong một lần đến huyện Bắc Sơn (Ninh Thuận), trong lúc tang gia bối rối, người thân trong gia đình một chàng trai trẻ, nhất quyết không chịu rời bỏ quan tài mà cứ ôm chặt lấy. Làm nắp quan tài bung ra, tử thi có nguy cơ bị ảnh hưởng, tôi mất hết cả hồn vía, vì người ta ở "thế giới bên kia" cũng có linh hồn và cuộc sống, mình giúp họ đi mà lại làm họ bị rung động thì có lỗi lắm”, anh Thanh - một người chuyên làm dịch vụ mai táng ở Cam Hòa, Cam Lâm - kể.
Xác định trước công việc liên quan đến tử thi, tức là sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và giác quan, nhưng nhiều người chuyên thực hiện việc ướp xác vẫn bị ám ảnh. Rất nhiều người chuyên thực hiện việc ướp xác khi mới vào nghề đều cảm thấy nhờn nhợn và khó khăn trong chuyện cơm nước hằng ngày.
“Khi tôi mới chế tạo được cỗ quan tài này, tôi đã thực hiện việc của mình với một cô bé bị chấn thương sọ não, học năm 2, một trường đại học trong Sài Gòn. Cô bé nhìn trong di ảnh xinh gái và dễ thương lắm, ấy thế mà chỉ vì một tai nạn giao thông, đầu và mặt cô bé trở nên dị dạng khác thường. Người nhà cô bé nói với tôi: “Nó bình thường đẹp lắm chú à, thế mà giờ nó không còn tỉnh lại được nữa rồi”, nói đến đây nước mắt anh Duy rơi không ngừng, ký ức mãi ám ảnh trong anh.
“Chuyên gia” ướp xác Nguyễn Viết Duy bảo, nhiều người còn nói anh là người cãi lệnh Diêm Vương vì để người quá cố có thêm thời gian ở lại dương thế.
Theo Dòng Đời