Khám chữa bệnh theo Quyết định 14/2012: Chậm do chờ hướng dẫn

Thứ hai, 16/09/2013, 13:26
Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đi lại, tiền ăn và tiền đồng chi trả cho người nghèo ban hành đã hơn 1,5 năm, nhưng tới giờ nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) giải thích lý do chậm trễ thực hiện chính sách này.

quyet dinh 14

Đa số bệnh nhân nghèo vẫn chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho bệnh nhân nghèo.

Ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định: Để hỗ trợ bệnh nhân nghèo theo Quyết định 14 thì phải có quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Tuy nhiên, quỹ này ở các địa phương vẫn chưa rõ có hay không, và nếu có thì chi trả thế nào. Hiện Bộ Y tế đang chờ phê duyệt thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Nội dung cụ thể của thông tư này là gì, thưa ông?

Thông tư sẽ hướng dẫn các địa phương việc phục hồi Quỹ 139 (quỹ hình thành theo Quyết định 139 trước kia). Theo đó, Quỹ 139 sẽ được đặt tại Sở Y tế. Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành quỹ theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được các tỉnh, thành phố thành lập từ năm 2002-2003 theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg.

Ban đầu, quỹ hỗ trợ người nghèo qua phương thức thực thanh, thực chi.

Sau khi có chính sách cấp thẻ BHYT thì hoạt động của quỹ này ở nhiều địa phương không còn nhiều (mặc dù theo Quyết định 139 thì ngoài việc hỗ trợ mua thẻ BHYT thì quỹ này còn có thể sử dụng để hỗ trợ các trường hợp bệnh nặng, khó khăn đột xuất...).

Quỹ 139 được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.

Số tiền phân bổ quỹ cũng dựa trên dự toán hàng năm của tỉnh, căn cứ trên số người thụ hưởng quỹ, dự toán xem bao nhiêu phần trăm các đối tượng thụ hưởng nhập viện, nằm viện rồi ước tính số tiền. Năm sau sẽ lấy số liệu năm trước rồi cộng thêm, ước tính con số rồi đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.

Theo ông, việc mở lại Quỹ 139 đem lại lợi ích gì cho người bệnh nghèo?

Quỹ 139 sẽ giúp bệnh nhân nghèo rất nhiều. Từ trước đến nay, bảo hiểm y tế chỉ hỗ trợ chi phí điều trị trực tiếp, chiếm 40-50% tổng chi phí khi họ phải nằm viện. Trong khi đó, người bệnh còn phải chi phí tiền ăn, tiền đi lại, tiền người nhà đi theo trông nom...

Vì thế, Quỹ 139 sẽ hỗ trợ người bệnh nghèo tiền đi lại, tiền ăn trong thời gian nằm viện, hỗ trợ thêm trong chi phí 5% viện phí nếu như số đồng chi trả quá cao, một số bệnh nặng, chi phí lớn cũng sẽ được hỗ trợ một khoản nữa (ung thư, chạy thận nhân tạo...).

Vậy tình hình thực hiện Quỹ 139 của các tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

Xưa nay các tỉnh còn hay hết Quỹ 139 thì đều báo cáo thẳng với Bộ Tài chính nên Bộ Y tế cũng chưa nắm được cụ thể. Sau khi có quyết định khôi phục Quỹ 139, Bộ đã yêu cầu báo cáo nguồn quỹ còn hay hết nhưng hiện các địa phương vẫn đang rà soát. Quỹ 139 sẽ hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, ngoài ra còn tùy vào sự đóng góp từ thiện của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn.

Như báo chí đã phản ánh, nhiều bệnh nhân nghèo không tiếp cận được hỗ trợ, một số địa phương không triển khai vì lý do không có quỹ, không có hướng dẫn. Tại sao việc mở lại quỹ lại chậm trễ như vậy?

Khi có Quyết định 14 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 139), các tỉnh cũng có thể tự cân đối ngân sách, thành lập quỹ hỗ trợ chi phí y tế cho người dân đi khám, chữa bệnh triển khai được rồi. Nếu có khó khăn về kinh phí, các địa phương có văn bản báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Nhưng chắc các tỉnh vẫn còn chờ hướng dẫn cụ thể nên hơi chậm.

Xin cảm ơn ông.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai: Có hỗ trợ, bớt bế tắc. Hiện khoa chúng tôi có 600 bệnh nhân, đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, đa số có “thâm niên” 6-7 năm trở lên.

Do bệnh phải điều trị lâu dài, không có sức lao động, 1 người ốm 2-3 người đi theo phục vụ nên dù gia đình khá giả cũng thành nghèo.

Để điều trị bệnh này, bệnh nhân nếu ở quê thì phải đi lại nhiều. Dừng chạy thận là thân thể họ sẽ phù thũng, ứ nước và chết đuối trong chất dịch và chất bài tiết của cơ thể. Vì thế, rất nhiều người phải ở trọ gần BV để chạy thận định kỳ, nếu không hàng tháng phải vượt vài trăm km về quê rồi quay lên.

Nếu chỉ miễn 95% viện phí cho họ vẫn là chưa đủ. Tôi được biết có chính sách hỗ trợ đi lại và tiền ăn cho họ, đây là chính sách nhân văn của Chính phủ, cần được triển khai sớm, nếu không họ sẽ chết vì suy dinh dưỡng trước khi chết vì bệnh.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn