Đại sứ quán của Mỹ tại VN vừa phát đi thông cáo chính thức về việc chính phủ Mỹ bắt đầu cho lưu hành tờ tiền 100 đôla được thiết kế mới kể từ ngày 8 tháng 10 năm 2013. Thông cáo của ĐSQ Mỹ cũng lưu ý: tất cả các thiết kế đồng tiền Mỹ vẫn có giá trị, bất kể thời điểm in là khi nào. Chính sách này được áp dụng với tất cả các loại tiền giấy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kể từ 1914 cho đến nay.
Đồng tiền 100 đô la của Mỹ được cho là đồng tiền quan trọng nhất và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Những tờ 100 đô la của Mỹ tạo nên khoảng 75% giá trị của tất cả các loại tiền tệ đang lưu hành, và nó đặc biệt phổ biến ở các quốc gia bên ngoài nước Mỹ như một công cụ đảm bảo cho các đồng tiền địa phương.
Mặt hàng xuất khẩu quen thuộc nhất của nước Mỹ chính là tờ giấy bạc 100 đô la này. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết: “Chúng tôi ước tính khoảng 2/3 số tờ giấy bạc 100 đô-la được lưu hành bên ngoài nước Mỹ.”
Tờ 100 đô la mới của Mỹ sẽ được lưu hành vào tháng 10 tới.
Tuy nhiên, chính sự phổ biến quá mức này đã khiến đồng tiền “tiêu chuẩn vàng” của tiền tệ Mỹ này trở thành nạn nhân thường xuyên của bọn làm tiền giả. Ông Ben Mazzotta, một chuyên gia tiền tệ tại Trường The Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết: “Dĩ nhiên nó (tờ 100 đô la Mỹ) là một trong những tờ giấy bạc giá trị nhất để làm giả.”
Đó chính là lý do mà khoảng 10 năm trước đây, nước Mỹ đã khởi động quá trình thiết kế lại đồng tiền này, nhằm mục đích khiến cho nó khó bị làm giả hơn. Kết quả là mới đây Mỹ đã ra thông báo cho biết sẽ bắt đầu lưu hành tờ tiền 100 đô la Mỹ mới vào ngày 8/10 năm nay.
Theo đó, tờ tiền 100 đô la mới này được tích hợp rất nhiều công nghệ chống giả tiên tiến nhất hiện nay, trong đó có những hình ảnh 3D nhỏ chuyển động khi bạn di chuyển tờ tiền, một thông điệp ẩn trên cổ áo của hình nhân vật Ben Franklin và hình chiếc Chuông Tự do đổi từ màu đồng sang màu xanh khi bạn nghiêng tờ tiền. Ngoài ra, tờ tiền mới vẫn duy trì các đặc điểm bảo an hiệu quả cao của thiết kế cũ như bóng chìm chân dung, đường chỉ bảo an, và số 100 đổi màu.
Với các đặc điểm bảo an này, các chuyên gia về an ninh đồng ý rằng tờ tiền mới sẽ khó làm giả hơn tờ tiền cũ rất nhiều. Tuy nhiên, nó cũng khó đến mức ngay cả chính phủ Mỹ cũng đã từng vướng rất nhiều rắc rối trong quá trình in tờ tiền này.
Tờ 100 đô la Mỹ mới khó làm giả hơn tờ tiền cũ rất nhiều.
Đồng 100 đô la Mỹ in năm 1996.
Trở lại năm 2010, khi tờ tiền mới chuẩn bị được đưa ra giới thiệu, các thanh tra của Cục Dự trữ Liên bang phát hiện thấy nhiều tờ tiền mới bị nhăn và tạo ra một chỗ màu trắng trên cả hai mặt của đồng tiền.
Toàn bộ số tiền mới in này được gửi trả lại cho Cục Khắc và In Tiền (BEP) cùng với báo cáo gay gắt rằng BEP đã không “thực hiện các kiểm nghiệm cần thiết và bắt buộc để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi bắt đầu sản xuất tờ 100 đô la mới.” Báo cáo này được chuyển lại cho ban vẽ tiền của BEP.
Rắc rối chưa dừng lại ở đó. Lô hàng thứ hai gồm những tờ tiền 100 đô la mới cứng do BEP in ra đã bị những tên cướp nẫng mất toàn bộ trên đường vận chuyển tới Cục Dự trữ Liên bang.
Đến năm 2013, việc đưa tờ tiền 100 đô la mới vào lưu hành vẫn chưa thoát hết rắc rối, và lần này vấn đề nằm ở mực in. Tờ tiền 100 đô la mới này vẫn được làm bằng giấy cotton, và có vẻ như loại giấy được dùng để in tiền đã phản ứng lại với tác động của máy in tiền, khiến các họa tiết bị mờ vì quá nhiều mực in được sử dụng.
Trong khi điều tra nguyên nhân sự cố, Cục Dự trữ Liên bang lại gửi trả 30 triệu đô la gồm toàn tờ 100 đô la mới này trở lại cho BEP với chỉ đạo rằng họ sẽ không chấp nhận bất cứ tờ tiền mới nào từ cơ sở của BEP ở Washington cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Sai sót này khiến Mỹ có thể mất thêm khoảng 4 triệu đô la vì chi phí in tờ tiền cũ chỉ là 7,8 cent, trong khi tờ 100 đô la mới có chi phí sản xuất lên tới 12,6 cent.
Việc này khiến chi nhánh của BEP ở Fort Worth phải chạy hết công suất để in đủ số tờ 100 đô la cần thiết trước thời hạn ngày 8/10. BEP cho biết lô hàng tiền 100 đô la mới sẽ được bàn giao đúng hạn nhằm phá bỏ cái “dớp” của tờ tiền mới này của Mỹ. Và sau ngày 8/10 này, khi tờ 100 đô la mới được đưa vào lưu hành, chính phủ Mỹ sẽ lại bắt đầu một cuộc chạy đua chống nạn tiền giả mới.
Theo Khampha