Ở vài bộ phim đầu, đạo diễn (ĐD) Lê Hoàng đã lôi kéo được khán giả rồng rắn đến rạp bằng những chiêu trò hay các đề tài mang tính giật gân như cave, đồng tính, cướp, hiếp, giết trong các phim như “Gái nhảy” (2003), “Lọ lem hè phố” (2004).
Phim Gái nhảy.
Song, trình độ thưởng thức phim ảnh của khán giả thì ngày một cao, đòi hỏi nhiều mới mẻ nhưng ĐD Lê Hoàng đã không đáp ứng được nhu cầu đó, không bắt kịp được thị hiếu khán giả. Chính vì thế, từ một người hùng đầy quyền lực của làng điện ảnh, ĐD Lê Hoàng nhanh chóng bị thất sủng, "Trai nhảy" (2007) là ví dụ. Và Lê Hoàng bị hàng loạt các đạo diễn khác Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung… hất văng ra khỏi cuộc đua phim nhựa.
ĐD Lê Hoàng đành hạ mình xuống để làm phim truyền hình trong khi trước đó, ông từng tuyên bố hùng hồn rằng, sẽ không bao giờ làm phim truyền hình. Phim truyền hình đầu tay “Những thiên thần áo trắng” với mục tiêu cứu nguy danh tiếng ĐD Lê Hoàng bị phản chủ, nó càng nhấn chìm tên tuổi vốn sắp “lâm chung” của ông. Bộ phim này bị khán giả chê thậm tệ. Và để tự giải cứu mình, Lê Hoàng phát ngôn rằng: “Tôi làm phim truyền hình vì phim truyền hình Việt Nam dở quá!”.
Mặc kệ thất bại thảm hại của “Những thiên thần áo trắng”, Lê Hoàng trở lại phim điện ảnh với “Tối nay, 8 giờ” vào năm 2011. Trong “Tối nay, 8 giờ” cho thấy một Lê Hoàng với phong cách làm phim đỉnh cao của sự cẩu thả. Kịch bản phim lỏng lẻo, cũ kỹ, đầy sạn với hàng loạt các chi tiết phi lý, ngớ ngẩn, sượng sùng! Cảnh một quán cà phê – karaoke ôm vắng khách của 4 cô gái nghèo nhưng dựng tới 4 chiếc xe máy tay ga đắt tiền hẳn là một chi tiết khiến khán giả chê cười nhiều nhất trong phim.
Phim Những thiên thần áo trắng
Năm 2012, Lê Hoàng làm “Cát nóng”. Nhiều người vẫn hy vọng rằng đạo diễn này sẽ làm được bộ phim mang lại điều gì đó lạc quan hơn, sau thất bại của “Tối nay, 8 giờ”. “Cát nóng” được chọn làm phim chiếu khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ hai. Và cũng chính phim này đã tạo nên một thảm họa của Liên hoan phim.
"Cát nóng" gây thất vọng với cả đồng nghiệp, khán giả và báo giới vì nội dung khó hiểu, rời rạc, thiếu logic, nhiều hình ảnh phản cảm; và chẳng liên quan đến những gì anh tuyên bố rất hùng hồn trước đó: “Là phim nhựa hay không là do cái đầu” và “Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”. Cảnh nhiều người tại buổi chiếu khai mạc Liên hoan phim năm đó đã đứng lên bỏ về đã chứng minh phim của Lê Hoàng “hay” đến độ nào!
Có thể nói đạo diễn Lê Hoàng rất mạnh dạn, hùng hồn trong những tuyên bố về các phim của mình nhưng sản phẩm thực tế thì hầu như đều chứng minh ngược lại. Cũng như việc đạo diễn này vẫn xuất hiện trên những chuyên mục châm biếm của vài tờ báo, trong những talkshow truyền hình để rao giảng về kiến thức, về lối sống, về ứng xử; thậm chí Lê Hoàng còn “chửi” cả làng showbiz Việt, nhất là những chân dài phản cảm như Ngọc Trinh hay Angela Phương Trinh…
Song, Lê Hoàng đang chứng minh cho công chúng thấy một điều tồi tệ là: Tôi cũng phản cảm không khác gì họ!
Lê Hoàng ngồi lên sách.
Điển hình nhất là hành vi ngồi lên sách trong hậu trường quay của một chương trình do công ty của đạo diễn Lê Hoàng thực hiện. Rõ ràng đó là việc làm rất thiếu văn hóa, vô ý thức và đáng phê phán nhất đó lại là một người cầm bút như Lê Hoàng. Đúng ra, đứng ở vị trí như anh thì nên lên tiếng xin lỗi công chúng sau khi bức ảnh bị phản ứng, thay vì là nói những lời bao biện, giải thích vòng vo chỉ để công chúng thêm phần cười chê.
Nhiều người cũng cho rằng đây chính là “bẫy truyền thông” của Lê Hoàng tạo ra để PR cho chương trình này. Bởi một người nổi tiếng khó khăn, kỹ tính như ông khó có thể dễ dàng chấp nhận phớt lờ chuyện ngồi lên đống sách để ghi hình cho xong chuyện! Đó cũng là một sự bất chấp để làm nổi, giống như kiểu của các người đẹp trong giới showbiz mà Lê Hoàng đã từng viết về họ chăng?
Theo Petrotimes