Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lên tiếng về sai sót ở chương trình “Khát vọng đoàn tụ”

Thứ hai, 03/08/2015, 14:53
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từ lâu, người Việt thường sử dụng nhạc nối, nhạc chào mừng, nhạc trong những lúc đi lên, đi xuống khán đài của các lãnh đạo..., một cách rất tùy tiện.

Sai sót sử dụng đoạn nhạc không rõ nguồn gốc mà dư luận cho là giống nhạc Trung Quốc làm nhạc chào mừng sau lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chương trình giao lưu nghệ thuật: “Khát vọng đoàn tụ”, diễn ra vào tối 27/7, được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh truyền hình Quốc phòng-An ninh, Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội đã bị khiển trách và cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý nghiêm túc ê-kíp thực hiện chương trình này.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Theo tôi biết, chương trình là do Truyền hình quân đội chịu trách nhiệm trước Quân uỷ trung ương và Bộ Quốc phòng, việc phát trên VTV1 chỉ là phối hợp thực hiện thôi. Đáng tiếc, sự kiện đó do bên quân đội tổ chức nhưng tại sao lại không dùng đoàn nghi lễ quân nhạc mà bên quân đội vốn rất mạnh? Khi đó sẽ có chỉ huy, dàn nhạc sống và sử dụng các tác phẩm có xuất xứ, bản quyền rõ ràng. Về nghi thức, nghi lễ, như vậy là một lỗi lớn”.

Chương trình “Khát vọng đoàn tụ” tổ chức hôm 27/7 có sai sót khi sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài Ảnh: TTXVN
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đưa ra những góc nhìn mở từ sự việc này: “Là người ngoài cuộc và cũng không trực tiếp chứng kiến nhưng khi được biết về sự việc, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình về việc này. Rõ ràng, từ lâu nay, trong các cuộc hội họp, mít tinh, gala… người Việt thường sử dụng những đoạn nhạc nối, nhạc chào mừng, nhạc trong những lúc đi lên đi xuống khán đài của các lãnh đạo, một cách rất tuỳ tiện. Chưa hề có quy định nào cụ thể về việc này như lễ nào được dùng bài gì? Các tác giả nào, trong hay ngoài nước?

Trên thế giới có rất nhiều dòng nhạc của các tác giả nước ngoài, dòng giao hưởng, cổ điển đã được chuyển soạn, dòng nhạc giải trí với nhiều tính chất khác nhau. Vấn đề là ở ta tất cả kho dữ liệu đó được sưu tầm và sử dụng tuỳ tiện, người nọ gửi cho người kia, xin nhau, cho nhau, sử dụng bừa bãi, không trả tiền bản quyền cho ai, không ai kiểm soát. Chúng ta cũng không cơ quan nào quy định, kiểm duyệt những phần âm nhạc này. Đây thực sự là một lỗ hổng trong quản lý âm nhạc!”.

Theo ý kiến của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lẽ ra cơ quan chức năng cần quy định rõ khi sử dụng tại các buổi lễ mang tính chính thống phải sử dụng nhạc có nội dung, phù hợp với sự kiện. Ví dụ: Sự kiện Olympic phải sử dụng nội dung liên quan đến thể thao, sự kiện đoàn thanh niên thì những tác phẩm về tuổi trẻ…

“Rất nhiều ca khúc Việt Nam hay, có giai điệu hùng tráng như Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Tiến bước dưới quân kỳ, Thanh niên làm theo lời Bác… tại sao không dùng? Nhạc có nội dung, hay và phù hợp không dùng, lại đi sử dụng nhạc nước ngoài không rõ nguồn gốc cho nên mới để xảy ra những lỗi lớn tưởng chừng như không thể nào là sự thật? Từ sự việc này, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tới các cơ quan quản lý Văn hoá về lỗ hổng lớn trong quản lý âm nhạc" - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam khẳng định.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích