Tổ nghề Sân khấu phải chăng là một người ăn xin ?

Thứ ba, 13/09/2016, 15:35
Khán giả, cũng như đông đảo nghệ sĩ đều nghe đến "Ông Tổ ngành Sân khấu", song hầu hết đều không biết đó thực sự là ai.

Giới nghệ sĩ sân khấu Việt Nam luôn biết tới danh "Tổ nghề Sân khấu". Với họ, sự tôn thờ cao nhất luôn dành cho Tổ nghiệp bởi vì đây là người có công sáng lập ra nghệ thuật sân khấu và ban phước, độ may cho thế hệ sau này. Chính vì thế, hầu như trong bất kỳ show diễn nào, các nghệ sĩ đều có một ban thờ nhỏ trang trọng để cúng khấn, cầu may, sự suôn sẻ trên sân khấu từ Tổ nghiệp.

Vào ngày 12/8 Âm lịch hàng năm, cũng chính là ngày Truyền thống sân khấu Việt Nam, lễ cúng Tổ nghiệp sân khấu sẽ diễn ra. Năm nay, lễ cúng Tổ nghiệp được tổ chức trang trọng ở nhà thờ Tổ được nghệ sĩ Hoài Linh dốc nhiều tâm huyết xây dựng. Đông đảo nghệ sĩ đã tề tựu về một chốn, thể hiện lòng biết ơn với Tổ nghề của mình.

Nghệ sĩ Hoài Linh thường đóng vai trò chủ trì trong lễ cúng Tổ nghiệp Sân khấu.

Mặc dù khán giả cũng như đông đảo nghệ sĩ đã nghe đến danh "Tổ nghiệp sân khấu", nhưng thực ra không phải ai cũng biết Tổ nghiệp sân khấu thực sự là ai, tên tuổi như thế nào... Nguồn wikipedia có thông tin: "Phạm Thị Trân là bà Tổ nghề hát chèo Việt Nam, Liêu Thủ Tâm, Đào Tấn là các vị Tổ của nghệ thuật sân khấu tuồng. Tống Hữu Định (1896-1932) là ông Tổ Cải Lương. Vũ Đình Long Tổ nghề kịch nói. Trần Quốc Đĩnh Tổ nghề hát xẩm. Đinh Dự Tổ nghề ca trù Việt Nam...".

Và cho đến hiện tại, tên tuổi, thân thế... của ông Tổ nghiệp sân khấu vẫn chưa được xác định rõ. Nếu căn cứ vào thông tin như trên, hoặc tra cứu trên mạng Internet thì chỉ có những người sáng lập ra nhiều ngành nghệ thuật sân khấu khác nhau. Thế nên "ông Tổ nghiệp Sân khấu" còn là một danh xưng chung chung, nhưng về mặt tâm linh thì luôn hiện hữu.

Hình tượng "Tổ nghề" luôn luôn hiện hữu trong tâm linh nghệ sĩ.

Với những nghệ sĩ gạo cội, từ lâu họ đã biết cúng Tổ nghiệp, song nhận định về Tổ nghiệp còn có nhiều khác biệt. Nhưng xung quanh đó, có rất nhiều những câu chuyện dân gian truyền miệng, truyền thuyết về ông Tổ nghề sân khấu.

Có câu chuyện truyền miệng nhiều đời cho rằng, Tổ nghề sân khấu là hai vị hoàng tử. Hai vị hoàng tử con vua thích mê xem hát đến quên ăn quên ngủ. Vì vua không cho xem hát nữa, 2 vị hoàng tử liền trốn vào xó buồng hát để xem, sau khi vãn tuồng, vua cho đi tìm thì hai con đã ôm nhau chết do kiệt sức. Cũng có người kể khác đi, rằng hai vị hoàng tử chết cháy. Sau đó, các nghệ sĩ thấy nhị hoàng thường hiện về xem hát nên lập bàn thờ trong hậu trường, xem là ông Tổ.

Song cũng có những giai thoại khác cho rằng Tổ nghề sân khấu là một người ăn mày, ăn xin... Thế nên sau này, giới nghệ sĩ không hay cho tiền người ăn xin, ăn mày vì bị cho rằng xúc phạm tới Tổ nghiệp.

Ngoài ra, còn rất nhiều những giai thoại khác, mang tính hư hư thực thực song đều đáng để giới nghiên cứu lưu tâm.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích