Thời vang danh họ xài tiền: Vinh Sử 'đốt' 12 cây vàng làm ‘ông hoàng’ vũ trường

Thứ tư, 10/05/2017, 10:32
Thời huy hoàng của mình, mỗi tuần Vinh Sử đều chi ra ít nhất 12 cây vàng để được làm “nhất dạ đế vương” ở vũ trường, xung quanh có cung nữ mặc đẹp hầu rượu. Ông nói, cảm giác lúc đó là hãnh diện và sung sướng.  

Nhạc sĩ Vinh Sử đang sống một mình tại căn nhà nhỏ ở quận 7, TP.HCM

Ánh đèn sân khấu hào nhoáng, nghệ sĩ thì phóng khoáng, nổi tiếng vang danh được nhiều người ái mộ vì tài năng nên người nghệ sĩ cũng giàu lên nhanh chóng. Tiền đến rồi thì cũng... đi nếu không biết cách quản lý, chi tiêu. Sự choáng ngợp của danh vọng và cái đầu nóng đã khiến nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải trượt dài.

Những câu chuyện, những sẻ chia của họ khi nhìn lại hôm nay cũng được ví như những bài học gần gũi nhất với những ai đang hoạt động nghệ thuật. Tiền đến tiền đi, chỉ có sự khổ luyện và trân trọng với nghề, với nghiệp mới được vinh danh và 'giàu có' mãi mãi.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử nổi như cồn với hai bài hát Nhẫn cỏ cho em và Yêu người chung vách. Mỗi bản nhạc ông bán ra đều có thể mua được một chiếc xe hơi và mang về mấy chục cây vàng. Tiền nhiều, ông vung hết vào ăn chơi vũ trường và cho người đẹp.

Cuộc sống không giống như mơ, khi gặp biến cố, ông trở về thời hai bàn tay trắng, phải gây dựng lại từ đầu.
Mang 12 cây vàng đi chơi một đêm
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn lúc bấy giờ, nhạc sĩ Vinh Sử được ba cho đứng tên hẳn một căn nhà khi thi đậu vào trường Quốc gia âm nhạc, nay là Nhạc viện TP.HCM.
Ông kể, thời điểm học xong ra trường ông vẫn còn lơ ngơ vì không biết nhạc viết xong sẽ bán cho ai hay bán như thế nào thì mới có tiền nên đã đi theo lớp nhạc sĩ đàn anh như Châu Kỳ, Trúc Phương để học hỏi.
Tới quán cà phê, quán nhậu nào ông cũng giành phần trả tiền. Đến khi kiệt quệ, ông làm liều bán luôn căn nhà ba cho để có tiền ăn nhậu rồi trốn chui trốn lủi ở nhà bạn bè.
Thời huy hoàng của mình, Vinh Sử từng "đốt" hết 12 cây vàng chỉ trong một đêm
Rồi tiền bán nhà cũng xài hết, ông gom hết số tiền lẻ còn lại của mình để nhờ Chế Linh thu âm giúp bài hát Nhẫn cỏ cho em đi mời chào ở những nơi phát hành, thế nhưng đến đâu ông cũng bị từ chối.
Một lần tình cờ lang thang ngoài đường, ông gặp lại những người anh ngày trước ăn nhậu cùng, trong đó có hai người làm ở đài phát thanh. Sau khi nghe chuyện của ông và nghe thử bài nhạc, họ đã đồng ý phát giúp ông trên sóng phát thanh vào tuần sau đó.
“Nào ngờ đâu bài hát phát lên cái là nổi ầm ầm, ông ngày xưa từ chối bài nhạc tôi gửi cùng tìm tới hỏi mua bản quyền nhưng tôi không bán nữa nên ổng chuyển qua phát hành. Sau 1 tháng vậy, bán hết mấy chục ngàn bản, tiền chảy vào túi tôi nhiều không đếm được. Tôi còn mua thêm nhạc của các nhạc sĩ khác để phát hành kiếm thêm tiền. Tiền nhiều thì biết làm gì cho hết, tôi mua một chiếc xe hơi chạy lấy le, trả tiền nhà cho ba, còn lại đốt hết vào vũ trường”, Vinh Sử nhớ lại.
Theo lời ông kể, trong những ngày huy hoàng đó, tối nào ông cũng đi vũ trường ở khu Chợ Lớn. Để chơi nổi, 1 tuần sẽ có 1 - 2 lần ông mang 5 cây vàng đến vũ trường vào buổi sáng đặt cọc để tối đến được làm “nhất dạ đế vương”, hóa thân thành Tần Thủy Hoàng.
Ông cho hay: “Ngày nào làm vua là cứ 8 giờ tối tôi có mặt, lúc đó ở vũ trường đã bày biện sẵn như một cung điện, tôi đến chỉ việc khoác long bào rồi ngồi lên ngai vàng. Hai bên có hai người đẹp cầm quạt phe phẩy dù ở đó có mở máy lạnh, xung quanh cũng có thêm năm, bảy người đẹp nữa hầu rượu. Tối đến thích ngủ với ai thì ngủ, mình là vua nên mình có quyền mà. Xong một đêm thì tôi trả thêm 7 cây còn lại, tức là một đêm chơi hết luôn 12 cây vàng. Khi đó tôi mới hơn 20, mà được cung phụng như vậy thấy hãnh diện và sung sướng lắm chứ”.

Ngày nào làm vua là cứ 8 giờ tối tôi có mặt, lúc đó ở vũ trường đã bày biện sẵn như một cung điện, tôi đến chỉ việc khoác long bào rồi ngồi lên ngai vàng. Hai bên có hai người đẹp cầm quạt phe phẩy dù ở đó có mở máy lạnh, xung quanh cũng có thêm năm, bảy người đẹp nữa hầu rượu. Tối đến thích ngủ với ai thì ngủ, mình là vua nên mình có quyền mà. Xong một đêm thì tôi trả thêm 7 cây còn lại, tức là một đêm chơi hết luôn 12 cây vàng. Khi đó tôi mới hơn 20, mà được cung phụng như vậy thấy hãnh diện và sung sướng lắm chứ.

Nhạc sĩ Vinh Sử

Bao nhiêu người tình không nhớ hết
Vinh Sử luôn nghĩ rằng là nghệ sĩ thì phải ăn chơi, ăn chơi để tâm hồn thư thái thì mới cho ra đời những tác phẩm tiếp theo, rồi lại có tiền ăn chơi tiếp. Có lẽ vậy mà cũng khoảng thời gian huy hoàng cho đến tận bây giờ, ông không thể nhớ hết được mình đã có bao nhiêu người tình.
Ông nói, khoảng năm 1966, ông có tên tuổi lại có xe hơi và trẻ khỏe nên người đẹp đi theo rất nhiều, lúc nào cũng có năm, bảy cô, nhưng đêm nào thích ai thì ông chỉ chở một người. Ông chẹp miệng, kể ngày đó còn có mấy nàng mê ca hát đi theo ông để được lăng xê, nhiều nàng không có tiền nên trao thân cho ông để đánh đổi. Vài người ông còn đầu tư để ra đĩa riêng. Đến khi nàng thành ca sĩ, nổi tiếng rồi thì quay lưng lại với ông.
Chiếc ghế sô pha cũng là nơi làm việc, là chiếc giường của "ông vua" nhạc sến
“Đó, mấy bài nhạc của tôi là một chuyện tình và cho một người khác nhau. Kể cũng đúng, nàng không có tiền nên trao thân cho tôi, tôi bỏ tiền ra làm đĩa thì có sá gì. Sau khi nàng nổi tiếng rồi, nàng đạt được mục đích rồi, tôi cũng vậy thì đường ai nấy đi là sòng phẳng. Còn lúc nàng chưa nổi tiếng, nàng theo tôi đến mỏi cả lưng, theo mà tôi thấy mệt luôn”, Vinh Sử tâm sự.
Chúng tôi hỏi “vậy chú đã có bao nhiêu người tình?”, ông thật thà: “Vợ thì tôi có 4 bà, còn bao nhiêu người tình thì không nhớ hết được. Đến bây giờ cũng vậy, lúc nào tôi cũng yêu hết, gặp người đẹp là tôi yêu. Yêu có gì sai đâu, yêu có phải đóng thuế đâu mà sợ. Rồi những lúc đêm thanh vắng ngồi nhớ lại những người tình của mình thì tôi viết nhạc”.
Hai bàn tay trắng
Sau giải phóng, nhạc của Vinh Sử bị cấm, tiền dành dụm thì không có vì làm đến đâu ông “vung” hết vào vũ trường và người đẹp đến đó nên ông lại như người phất phơ. Ba lần vượt biên thì cả ba lần ông đều bị bắt và phải ngồi tù, tài sản trong nhà bị tịch thu hết, ông trở về thời hai bàn tay trắng.
Tự nhủ không thể sống như thế này được, bằng mọi cách phải có tiền, ông đã lấy cát-sét thu âm nhạc giải phóng phát trên sóng phát thanh để đi in lậu rồi mang ra đường Lê Lợi bán. Ông nhanh chóng trở lại thời huy hoàng của mình. Có tiền trong tay, Vinh Sử trở lại cuộc sống ăn chơi. Ông là khách quen của khu bia ôm ở đường Hùng Vương và Ba Tháng Hai.
Ông bộc bạch: “Thiệt tình mà nói tiền bia không bao nhiêu nhưng tiền boa cho người đẹp thì tốn nhiều. Mà đêm nào cũng phải đi thì tôi mới chịu được. Tâm hồn nghệ sĩ mà, ăn chơi phóng khoáng thì tôi mới viết nhạc được. Sau này ra mấy cuốn băng Mưa bụi tôi cũng hốt bạc thêm được một mớ nữa”.
Dù có gia đình nhưng Vinh Sử vẫn thích ở một mình để được tự do
Khi có gia đình, Vinh Sử vẫn lén lút đi ra ngoài, bởi vậy nên dù có 4 người vợ nhưng hiện ông không ở với ai vì không chịu được sự gò bó. Chục năm trở lại đây, ông bị bệnh và kiệt quệ kinh tế nhưng may mắn được các nghệ sĩ hải ngoại và trong nước như Phương Hồng Quế, Giao Linh, Trang Thanh Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê giúp đỡ nên cũng bù trước đắp sau được. Còn mới đây, khi bolero thịnh trở lại, mỗi quý ông nhận tiền bản quyền vài chục triệu nên lại sống khỏe.
Ông chia sẻ: “Đến giờ ngày nào tôi cũng đi, nhưng không có quăng tiền qua cửa sổ như thời đó nữa. Hồi lúc tôi uống dữ lắm còn giờ thì uống 1 - 2 lon, ngày 3 gói thuốc là xong. Giờ lấy thêm một người vợ nữa tôi cũng vẫn lo khỏe”.
Cô đơn lúc tuổi già
Một thời huy hoàng là thế nhưng hiện nay, Vinh Sử chỉ ở trong căn nhà nhỏ xíu, bề ngang hơn 1 mét chất đầy đồ đạc. Chiếc ghế sô-pha ở gầm cầu thang cũng là chiếc giường để ông nằm ngủ, tất cả đèn, quạt trong nhà đều đấu với công tắc ở ngay ghế để ông tiện điều khiển.
Bằng khen được ông treo ở gần cửa ra vào
Ông tâm sự: “Kê vầy tiện lắm, tôi thích thì tôi nằm, không thích thì ngồi dậy quay người sang bên là cái bàn sáng tác rồi. Ăn uống gì gọi điện thoại có tiệm mang tới, mấy bà vợ lâu lâu cũng ghé dọn dẹp một chút, bà thứ ba thì còn treo bức ảnh bả trên tường nữa kìa, tôi nhìn phát chán”.
Ở cái tuổi hơn bảy chục, đáng lẽ được sống trong sự chăm sóc của con cháu thì Vinh Sử lại chọn cách sống một mình trong căn nhà nhỏ.
Ông bảo, trong suốt cuộc đời ông, thì đây là thời điểm ông sống thoải mái nhất. Nhà nhỏ ông mới tập trung sáng tác và quan trọng hơn hết là ông được tự do. Giờ mộ mình ông cũng đã xây, tượng mình ông cũng đã đúc và đặt sẵn ở Hoa viên Bình Dương.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn