‘Đại chiến hành tinh khỉ’: Cái kết mỹ mãn cho cuộc chiến người - khỉ

Thứ hai, 17/07/2017, 08:21
Phần cuối cùng của bộ ba phim tái khởi động thương hiệu “Planet of the Apes” (Hành tinh khỉ) là câu chuyện xúc động về Caesar với những kẻ phía bên kia chiến tuyến.

Bối cảnh War for the Planet of the Apes diễn ra hai năm sau những sự kiện ở Dawn of the Planet of the Apes (2014). Lúc này, loài khỉ thông minh phải trốn trong rừng sâu để tránh khỏi các cuộc đột kích của con người.

Bất chấp mong muốn hòa bình của Caesar (Andy Serkis), Đại tá McCullough (Woody Harrelson) quyết tâm tiêu diệt kẻ thù đến cùng. Nhờ một con khỉ phản bội, đích thân gã đột kích hang ổ của Caesar, cướp đi sinh mạng vợ và con trai thủ lĩnh loài khỉ.

War for the Planet of the Apes là tác phẩm khép lại câu chuyện của Caesar và bộ ba phim tái khởi động thương hiệu Hành tinh khỉ.

Trong lúc toàn bộ bầy khỉ lên đường tìm kiếm vùng đất mới để bảo toàn tính mạng, Caesar quyết định ở lại với mong muốn trả thù McCullough. Nhưng càng chìm trong hận thù, vị thủ lĩnh tối cao nhận ra mình càng trở nên giống Koba (Toby Kebbell) - gã đồng loại khát máu mà chính bản thân đã tiêu diệt trước đây.

Tác phẩm tràn đầy cảm xúc và ý nghĩa

Loạt phim Planet of the Apes - Hành tinh khỉ không chỉ mang đến một thế giới giả tưởng đầy cuốn hút, mà còn thành công trong cách xây dựng xung đột giữa hai giống loài. Trải qua ba tập phim, con người cứ thế dần bộc lộ rõ sự tàn bạo và mặt tối trong tâm hồn.

Từ những thí nghiệm vô nhân tính và hành động tàn phá môi trường, chính nhân loại đã tự gây ra sự tuyệt diệt cho bản thân. Song, họ tiếp tục đổ lỗi cho loài khỉ và gây ra cuộc chiến tàn khốc. Ngay cả ở khoảnh khắc đứng trước bờ vực diệt vong, con người vẫn tự cho mình là kẻ thống lĩnh hành tinh xanh, và lo sợ đánh mất vị trí ấy.

Đối nghịch với sự tàn bạo của con người, loài khỉ ngày một văn minh hơn. Dưới sự dẫn dắt của Caesar, chúng trở nên đoàn kết, không chỉ muốn hòa bình với nhân loại, mà còn không bao giờ giết hại đồng loại.

Người vả khỉ ngày một trở nên đối nghịch, và sự đối nghịch ấy đã lên tới đỉnh điểm trong War for the Planet of the Apes.

Với Caesar, ngay cả khi đối diện với nỗi đau xé ruột, thủ lĩnh loài khỉ cũng chọn con đường báo thù một mình chứ không lôi kéo đồng loại vào cuộc chiến đẫm máu. Từ những nghịch lý ấy, War for the Planet of the Apes đặt ra câu hỏi liệu ai mới xứng đáng làm chủ nhân của Trái đất theo một cách đầy tự nhiên.

Giữ vững phong độ từ Dawn of the Planet of the Apes, đạo diễn Matt Reeves tiếp tục mang đến cho khán giả một bộ phim cuốn hút. Tuy có thời lượng khá dài, nhưng tác phẩm không bị nhàm chán bởi liên tiếp các tình tiết dẫn dắt lớp lang. Nhịp phim ổn định, cùng các nút thắt đan xen, giúp khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.

Có một thực tế rằng tuy mang tựa đề War for the Planet of the Apes, nhưng bộ phim không mang đến nhiều trường đoạn chiến đấu hoành tráng giữa hai phe. Từ War ở đây có lẽ để ám chỉ cuộc chiến bên trong tâm lý của Caesar và McCullough.

Hai vị thủ lĩnh của mỗi bên đều có những đau thương và mất mát không thể bù đắp. Ngay cả khi tính McCullough thuộc phe phản diện, người xem vẫn dễ dàng cảm nhận nỗi đau trong gã qua từng lời thoại, ánh mắt, hay những cơn thịnh nộ. Nhưng rốt cuộc, bản chất của họ được nêu lên thông qua hành động và cách đối mặt với nỗi đau.

Lối xây dựng nhân vật độc đáo

Trong phim, tên Đại tá McCullogh đã so sánh mình với Caesar như hai thái cực trái ngược, như Wellington và Napoleon, như tướng Cutler và Sitting Bull… Không chỉ tiêu diệt kẻ thù, gã còn lạnh lùng hạ sát kẻ chống đối hay những ai mang mầm bệnh. Cách McCullough đối xử với loài khỉ thông minh trong phim chính là đại diện cho mặt đen tối nhất của nhân loại.

McCullough giống như đại diện cho những gì đen tối nhất của loài người, nhất là khi họ đang đứng trước bờ vực diệt vong.

Trong khi đó, Caesar ra dáng là một nhà lãnh đạo thật sự. Chú khỉ một mực bảo vệ cho sự an nguy của đồng loại, dù bản thân có thể bỏ mạng. Ngay cả khi bị họ quay lưng, Ceasar vẫn vùng dậy, giành lại vị trí xứng đáng nhất. Chưa kể, vị thủ lĩnh còn dần mở lòng với “kẻ thù” Nova (Amiah Miller) và xem cô bé loài người như một thành viên của cả bầy.

Chính Nova và khỉ Bad Ape (Steve Zahn) là hai nhân vật đáng chú ý còn lại của War for the Planet of the Apes. Sự ngây thơ và dũng cảm của cô bé do Amiah Miller khắc họa như đại diện cho phần nhân tính nhỏ nhoi còn sót lại của con người.

Quả là oái oăm khi bé gái bị nhân loại chối bỏ lại sở hữu những đức tính mà dường như không ai còn có được, trở thành niềm hy vọng nhỏ nhoi cho sự hòa hợp giữa hai giống loài. Còn Bad Ape liên tục mang đến những tiếng cười duyên dáng, nhưng đồng thời gợi nhắc những thí nghiệm kinh khủng mà loài khỉ từng phải trải qua ở tập phim đầu tiên.

Cô bé Nova (Amiah Miller) là nét sáng tạo độc đáo của tác phẩm, đồng thời là kết nối tới bộ phim Planet of the Apes đầu tiền hồi năm 1968.

Planet of the Apes là thương hiệu đi đầu trong công nghệ “motion capture” (mô phỏng hành động), và tập phim cuối cùng tiếp tục mang đến cho khán giả phần hình ảnh xuất sắc. Hành động, biểu cảm của mỗi nhân vật khỉ đều rất mượt mà, chân thực.

Đạo diễn Matt Reeves đã sử dụng nhiều góc quay cận để của tôn vinh sức mạnh của kỹ xảo. Từng sợi lông, cử chỉ của Caesar và đồng loại đều sống động, giúp khán giả dễ dàng cảm nhận tâm tư của nhân vật.

Những phân cảnh chiến tranh trong phim hoành tráng và ác liệt không kém gì các bom tấn cháy nổ mùa hè. Nhưng khán giả có thể cảm thấy đôi chút hụt hẫng bởi thời lượng của chúng không tỷ lệ thuận với những gì mà nhà sản xuất đã hứa hẹn qua các trailer.

Ngoài ra, để có thể nắm bắt và hiểu trọn vẹn tác phẩm, khán giả chắc chắn cần theo dõi hai tập phim trước là Rise of the Planet of the Apes (2011) và Dawn of the Planet of the Apes (2014).

War for the Planet of the Apes đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc dưới tựa đề Đại chiến hành tinh khỉ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn