Shadow (phát hành ở Việt Nam với tên Vô ảnh) xoay quanh cuộc chiến giành vùng đất Cảnh Châu của hai nước giả tưởng Bái quốc và Viêm quốc. Cảnh Châu vốn là vùng cương thổ của Bái quốc bị tướng quân Dương Thương (Hồ Quân đóng) của Viêm quốc chiếm giữ suốt 20 năm. Tuy vậy, Bái Vương (Trịnh Khải) một lòng cầu hòa, không dám đòi lại Cảnh Châu. Ông thậm chí định gả em gái là công chúa Thanh Bình (Quan Hiểu Đồng đóng) cho con trai của Dương Thương nhằm thiết lập liên minh.
Chứng kiến sự nhu nhược của Bái Vương, đại đô đốc của Bái quốc là Tử Ngu (Đặng Siêu) một mình đến giao đấu Dương Thương và bị thương nặng. Anh phải sống ẩn dật trong hang tối, sử dụng một ảnh tử (kẻ thế thân) tên Cảnh Châu (cũng do Đặng Siêu đóng) để tiếp tục luyện chiêu thức, thay ông đánh bại Dương Thương.
Shadow là tác phẩm đánh dấu cột mốc 30 năm làm phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu - kể từ tác phẩm Red Sorghum (Cao lương đỏ, 1988). Trên Straits Times, Trương Nghệ Mưu nói lấy cảm hứng từ bộ phim Kagemusha của đạo diễn huyền thoại Akira Kurosawa, cũng nói về kẻ thế thân. Ông mất nhiều năm nghiên cứu tư liệu lịch sử, đồng thời tìm kiếm những kịch bản phim cổ trang phù hợp.
Phim mở đầu bằng những dòng giới thiệu về ảnh tử (cái bóng). Giữa thời chiến và những cuộc tranh ngôi đoạt vị, các bậc đế vương và quý tộc hay phải đối mặt các mưu mô ám sát. Họ phải bí mật sử dụng những người có nhân dạng giống hệt, tuyệt đối trung thành, vào sinh ra tử thực hiện các nhiệm vụ thay chủ. Những kẻ thế thân không được biết đến danh tính, không được sử sách ghi lại, giống như chưa hề tồn tại.
Nửa đầu của Shadow được chia thành hai tuyến. Một mặt, Cảnh Châu phải thay cho Tử Ngu, cùng phu nhân của ông ta là Tiểu Ngải (Tôn Lệ đóng) đối chất trước Bái Vương nhằm che giấu thân phận thật sự. Mặt khác, anh cùng vợ chồng Tử Ngu ngày đêm luyện tập chiêu thức hóa giải đao pháp của Dương Thương. Hai tuyến được đan xen vào nhau tạo ra các tình tiết khó đoán. Từng nhân vật đều có nỗi niềm, toan tính riêng, xoay quanh nhân dạng thật giả của ảnh tử.
Cảnh chơi đàn của Tôn Lệ, Đặng Siêu. |
Shadow mang nhịp điệu chậm rãi, có những phân cảnh tập trung vào thoại, làm nổi bật màn đấu trí giữa các nhân vật. Phim cũng khai thác nhiều khung hình tĩnh, trong đó các chủ thể di chuyển từ từ. Các cảnh hành động trong phim thường có hiệu ứng làm chậm (slow-motion) chừng mực nhằm giữ nhịp cho phim, tạo không khí đồng điệu xuyên suốt tác phẩm.
Chủ đề của phim xoay quanh triết lý ngũ hành, âm dương được thể hiện thông qua câu chuyện lẫn hình ảnh. Biểu tượng âm - dương (thái cực) lặp lại nhiều trong quẻ bói, trong hang tối nhân vật luyện võ, cho đến võ đài trong trận chiến với Dương Thương. Triết lý âm - dương được gợi lên từ những hình ảnh ẩn dụ. Đao pháp của Dương Thương tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dữ dội của nam nhân. Để khắc chế, Cảnh Châu phải sử dụng chiêu thức có sự mềm mại, linh hoạt của nữ nhân. Nhiều cảnh luyện tập, chiến đấu diễn ra dưới những cơn mưa với hàm ý thủy khắc hỏa. Ngay cả quan hệ giữa Tử Ngu và Cảnh Châu cũng mang hàm ý vừa đối chọi, vừa bổ sung cho nhau, giống hai mặt âm dương.
Nhiều vũ khí dị biệt được sử dụng, tạo ra nét thẩm mỹ đặc trưng cho tác phẩm. |
Phần hình ảnh là điểm nhấn trong Shadow. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu chọn tông màu trầm, gần như chỉ có đen trắng cho những khung hình mang chất tranh thủy mặc. Các tạp chí điện ảnh uy tín của thế giới như Variety, The Film Stage dùng từ "choáng ngợp" khi nói về vẻ đẹp hình ảnh trong phim.
Để đạt kết quả này, các nhà làm phim phải dành ra gần một năm để thực hiện khâu thiết kế bối cảnh và trang phục. Toàn bộ chi tiết lớn nhỏ như cột nhà, màn treo, binh khí đều được thiết kế và phối màu tuân theo triết lý chung của tác phẩm. Những không gian lớn và giàu chi tiết như đại điện của Bái quốc hay thạch thất của Tử Ngu gây ấn tượng. Ánh sáng trong phim cũng được khai thác ấn tượng, tăng cường độ tương phản và nét đẹp cho tác phẩm, tiêu biểu ở những cảnh ánh sáng chiếu vào khuôn mặt nhân vật.
Từ khâu thiết kế sản xuất đến ghi hình, Trương Nghệ Mưu thể hiện sự khắt khe và đặt yêu cầu cao cho từng công đoạn nhỏ. Ông hạn chế sử dụng kỹ xảo máy tính, ưu tiên sử dụng hiệu ứng thật ở trường quay (practical effect) nhằm đề cao giá trị nguyên bản của điện ảnh. Tại phim trường, ê-kíp ghép nối hệ thống phun nước quy mô nhằm tái hiện cảnh quay dưới mưa chân thật, tạo chuyển động tinh tế trong các cảnh quay chậm, tiêu biểu như cảnh hạt mưa rơi xuống lưỡi đao.
Trương Nghệ Mưu đoạt giải Kim Mã năm 2018. |
Đặng Siêu gây ấn tượng khi đóng hai vai. Trong vai Cảnh Châu, nam diễn viên thể hiện nét bộc trực xen lẫn chút trầm mặc của người ôm những nỗi niềm riêng về thân phận. Trong vai Tử Ngu, anh biến đổi sang vẻ mưu mô, quyết tâm. Đặng Siêu cũng được khen ngợi bởi quá trình luyện tập và thay đổi cân nặng cho vai diễn. Trong bộ phim hậu trường của Shadow, anh tiết lộ ban đầu phải tăng hơn 10kg để có hình thể cường tráng và quay toàn bộ các cảnh của Cảnh Châu. Sau đó, anh giảm 20kg trong khoảng một tháng để đóng Tử Ngu.
Kỹ xảo giúp tạo những cảnh xuất hiện khuôn mặt của cả Tử Ngu và Cảnh Châu. Các nhà làm phim dùng hệ thống máy ảnh chụp toàn bộ chuyển động cơ mặt của Đặng Siêu và tái tạo trên máy tính. Khi ghi hình, một diễn viên đóng thế diễn cùng Đặng Siêu. Khuôn mặt người đó sau đó được thay thế bằng mặt tài tử. Tôn Lệ phối hợp ăn ý với Đặng Siêu - chồng cô ngoài đời. Lối diễn của sao nữ lột tả được chuyển biến tình cảm của Tiểu Ngãi. Còn Hồ Quân không gặp khó trong mẫu nhân vật mạnh mẽ sở trường.
Shadow ra mắt tại Liên hoan phim Venice (Italy) năm 2018, nhận được sự khen ngợi của khán giả và giới phê bình. Sau The Great Wall bị chê bai nặng nề, Trương Nghệ Mưu được khen tìm lại phong độ với phong cách quen thuộc, từng được thể hiện trong Hero (Anh hùng), House of Flying Daggers (Thập diện mai phục). Ở giải Kim Mã 2018, ông được trao "Đạo diễn xuất sắc".
Phim dài 121 phút, chiếu ở Việt Nam với nhãn C18 (không dành cho người dưới 18 tuổi).
Theo VNE