Livestream "câu views", bám theo nghệ sĩ chụp hình
16h chiều 9/4, lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ diễn ra tại một ngôi chùa ở quận 10, TP.HCM. Không khí tang thương bao trùm khi người thân của cố nghệ sĩ Anh Vũ thất thần nhìn linh cữu, bạn bè nghệ sĩ rưng rưng nước mắt đến chào tạm biệt người đồng nghiệp, người anh em thân thiết.
Lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ diễn ra vào chiều 9/4. |
Thế nhưng, giữa khói nhang nghi ngút cùng dòng người thật tâm vào viếng, vẫn còn đó những nụ cười từ bên ngoài cổng chùa, những cánh tay cầm điện thoại livestream, liên tục kêu gọi bình luận...
Những người này đều chuẩn bị thiết bị phát 3G, máy quay, sạc dự phòng... để quay hình lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ. Phản cảm hơn, có người còn vô tư livestream trực tiếp và kêu gọi bình luận, thả tim trên mạng xã hội.
Trong khi đó, số khác thì xem lễ tang của nghệ sĩ Anh Vũ như một sự kiện giải trí để đến ...check-in. Thậm chí, họ vô tư giơ tay tạo dáng hệt như đang đứng ở một danh lam thắng cảnh hay một địa điểm vui chơi.
Biết khán giả yêu thương nghệ sĩ Anh Vũ, gia đình đã mở cửa để ai cũng có thể vào viếng anh. Tuy nhiên, bên cạnh những người thật lòng yêu mến Anh Vũ, muốn thắp cho anh một nén nhang thì lại xuất hiện những người trà trộn vào trong để chụp ảnh. Có người còn vô tư đến mức đứng trước linh cữu, tranh thủ giơ điện thoại chụp vội tấm hình rồi mới thắp nhang.
Đó là chưa kể đến những đám đông vô tư cười đùa, chạy theo nghệ sĩ đến viếng để đòi chụp hình chung... Ngay đến cả NSND Hồng Vân – người chị thân thiết của cố nghệ sĩ Anh Vũ khi ra về sau một ngày túc trực ở chùa cũng bị đám đông vây kín, chật vật một lúc mới có thể lên xe.
Những điều này tạo nên một khung cảnh hỗn loạn và thậm chí tối 9/4 đã có xô xát xảy ra khi dòng người đổ về chùa ngày càng đông, lực lượng bảo vệ phải làm việc cực kỳ vất vả.
Hành động phản cảm trong lễ viếng nghệ sĩ Anh Vũ. |
Không riêng gì lễ tang nghệ sĩ Anh Vũ mà trước đây, lễ tang của các nghệ sĩ khác như Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Minh Thuận... cũng xảy ra tình trạng tương tự. NSƯT Hoài Linh đến viếng Minh Thuận đã bị người dân xung quanh bao vây và ngay cả khi anh từ chối không chụp hình, họ vẫn bám theo khiến gia đình Minh Thuận chỉ biết thở dài.
Hay như Đông Nhi khi đến viếng Wanbi Tuấn Anh, cô khóc nhiều đến mức không thể đi nổi nhưng đám đông mặc kệ, họ tiếp tục chen lấn để được chụp hình với người nổi tiếng. Nghệ sĩ Thành Lộc trong đám tang cố nghệ sĩ Thanh Tòng cũng phải bức xúc lên tiếng khi đám đông chen lấn, gây mất trật tự lúc thực hiện nghi thức an táng.
Đã có nhiều lời chỉ trích đến các hành động phản cảm đó nhưng đâu lại vào đấy, vẫn có những kẻ xem nỗi buồn của người khác là niềm vui của mình.
Nhìn vào khung cảnh hỗn loạn trong đám tang nghệ sĩ, nhiều khán giả ngán ngẩm lẫn bức xúc. Từ lúc nào, con người ta có thể vô tư như thế, có thể nhẫn tâm với nỗi đau của người khác? Và đáng nói ở chỗ, những hành động phản cảm như thế ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Nghĩa tử là nghĩa tận, đừng bắt nghệ sĩ mua vui đến phút cuối
Trước đây, khi được hỏi về thái độ cười cợt trong đám tang Minh Thuận, một người hàng xóm của cố nghệ sĩ cho biết họ quanh năm buôn bán, chưa bao giờ được gặp nghệ sĩ nhiều nên rất tò mò muốn nhìn thấy. Từ tò mò dẫn đến vô tư, không để ý đến cảm xúc của tang gia mà chỉ muốn thỏa nhu cầu của mình lại trở thành phản cảm.
Quay lại với đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, sau khi những hình ảnh đám đông chụp hình, livestream... được chia sẻ : "Người ta mất rồi nhưng vẫn không quên câu like, đúng là ý thức tồi", "thời đại 4.0 chết cũng không được yên", "những kẻ vô ý thức ăn theo nỗi đau của người khác"…
Dùng mọi cách để quay phim bất chấp không khí của một đám tang. |
Có thể thấy, không riêng gì các nghệ sĩ mà nhiều khán giả cũng cảm thấy bức xúc. Mặc dù biết ai cũng muốn được nhìn ngắm, chụp ảnh cùng các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng điều đó hoàn toàn không phù hợp với không khí của một đám tang vốn cần sự trang nghiêm, tôn trọng người đã khuất.
Và liệu có nên chăng khi đứng giữa một đám tang lại kêu gọi bình luận, thả tim như ở một sự kiện giải trí? Chắc chắn là không. Những nụ cười trong đám tang chưa bao giờ được chấp nhận, nhất là những nụ cười vì thấy nghệ sĩ, cười để chụp hình với người nổi tiếng và cười để livestream "câu views"! Vì thế, đừng cố tìm cách ngụy biện cho những hành động phản cảm như vậy.
Lễ tang là chuyện đau buồn, gia đình mong muốn có được sự tôn nghiêm để tôn trọng người đã khuất, hà cớ gì phải bất chấp tất cả để nhẫn tâm chà đạp lên lòng người ở lại vốn đang chịu nỗi đau mất mát quá lớn?
Có người nói, vì đó là đám tang nghệ sĩ nên mới đông như vậy còn người bình thường chả ai quan tâm. Nhưng, phải nhấn mạnh một cách rõ ràng, nghệ sĩ cũng là người bình thường. Cả một đời họ đã cống hiến hết mình trên sân khấu, mang lại niềm vui cho khán giả thì đến khi họ nhắm mắt xuôi tay về với Tổ nghiệp, xin đừng bắt họ phải mua vui đến phút cuối cùng!
Theo VTC