Độ ta không độ nàng là sáng tác của Cô Độc Thi Nhân, phiên bản thành công nhất do Tô Đàm Đàm và Giai Bằng thể hiện. Ca khúc được nhiều khán giả Trung Quốc yêu thích trước khi “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt Nam.
Bản dịch tiếng Việt được một số chuyên gia ngôn ngữ đánh giá là gần về ý tứ nhưng chưa thực sát nghĩa. Tuy vậy, cốt tủy của nội dung ngôn tình, bi ai trong ca khúc vẫn được giữ nguyên ở bản Việt.
Những ngày gần đây, Độ ta không độ nàng gây bão mạng xã hội. Ca khúc không chỉ là cuộc đua tài của nhiều giọng ca mạng mà còn được nhiều ca sĩ có tiếng cover như Phương Thanh, Khánh Phương, Hamlet Trương. Nhan đề bài hát cũng trở thành một “trend” (xu hướng) trên mạng xã hội với nhiều ví von, so sánh khác nhau.
Độ ta không độ nàng đang làm mưa làm gió trên mạng. |
Dù được nhiều người yêu thích, ca khúc cũng gây tranh cãi về nội dung. Đây cũng là một trong những lý do để ca sĩ Phương Thanh đăng tải ca khúc với phần nhạc được giữ nguyên nhưng lại viết phần lời mới. Ca khúc của Phương Thanh hiện được nhiều người chia sẻ.
Thực tế, nếu bỏ qua câu chuyện đúng sai về nội dung ca khúc, việc Độ ta không độ nàng gây bão cũng vẫn là một chủ đề đáng bàn luận, đặc biệt trong âm nhạc. Ví như câu cảm thán của một khán giả trên trang cá nhân: “Thời buổi nào rồi mà nhạc Hoa lời Việt vẫn có thể gây bão?”.
“Nhạc Hoa lời Việt” không phải là một định nghĩa mới trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn coi đây là một dòng nhạc từng tồn tại và rất phát triển tại thị trường trong nước.
Những năm 2000, nhạc Việt thậm chí từng có một thế hệ hát nhạc Hoa lời Việt. Dòng nhạc này cũng mang lại vinh quang cho không ít ca sĩ hạng A hiện nay. Nhiều ca khúc trong số đó trở thành thanh xuân của cả một thế hệ người yêu nhạc.
Biệt khúc chờ nhau, lời Việt của ca khúc nhạc phim Tân dòng sông ly biệt có thể coi là một ví dụ điển hình. Thậm chí màn song ca của Đan Trường và Triệu Vy sau nhiều năm hiện vẫn được nhiều người xem lại đủ thấy sức sống của dòng nhạc này.
Đan Trường thành công với nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt. |
Sau Biệt khúc chờ nhau là 999 đóa hồng của Lam Trường, Mưa trên cuộc tình của Đan Trường, Phai dấu cuộc tình của Quang Vinh và vô số ca khúc khác, gần 20 năm đã trôi qua, những phiên bản lời Việt này vẫn đang được nhiều khán giả yêu thích.
Trong live show năm 2018 của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn ở Hà Nội, anh hát không ít bài nhạc Hoa lời Việt và định nghĩa đó là “nhạc thanh xuân”.
Tùng Dương từng nhận định về một thời nhạc Hoa lời Việt chiếm lĩnh thị trường. Nam ca sĩ cho biết đó là thời gian anh còn là sinh viên nhạc viện. “Đi hát ở bất cứ quán cà phê nào khán giả cũng yêu cầu hát dòng nhạc này. Tuy nhiên tôi từ chối”, anh nói.
Từng có một giai đoạn nhạc Hoa lời Việt không được ưa chuộng, nhưng rồi dòng nhạc này lại phát triển trở lại. Một số ca sĩ nổi tiếng làm lại hit nhạc Hoa lời Việt năm xưa. Trong khi một vài ca sĩ trẻ cũng chọn các ca khúc nhạc Hoa lời Việt để ra album, single, MV. Lân Nhã có thể được coi là một ví dụ. Anh được cho là thành công hơn nhờ hát nhạc Hoa lời Việt sau thời gian ra sản phẩm mới, cover nhạc xưa.
Hay như mới đây, Độ ta không độ nàng cũng đã giúp một vài gương mặt trẻ vốn không được ai biết đến bỗng trở nên nổi tiếng, được báo chí quan tâm và người yêu nhạc để ý.
Không ít người thắc mắc về sức sống mãnh liệt của nhạc Hoa lời Việt. Tại sao sau nhiều năm những ca khúc như vậy vẫn có thể gây bão, dù bản chất thể loại âm nhạc không thay đổi?
Lân Nhã cũng gắn bó với nhạc Hoa lời Việt. |
Không khó để nhận ra nhạc Hoa lời Việt gây bão ở Việt Nam đều là những bản pop ballad nhẹ nhàng, tình cảm, da diết, thiết tha. Phần lớn ca khúc là những câu chuyện ngôn tình có phần ủy mị, sướt mướt.
Tuy nhiên, những nội dung này được đánh giá là phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt. Bởi lẽ nhiều chuyên gia âm nhạc đã nhận định khán giả trong nước có niềm yêu thích mãnh liệt với thể loại nhạc buồn, tình cảm và dễ nghe. Và Độ ta không độ nàng đáp ứng được thị hiếu ấy.
Tất nhiên, những ca khúc nhạc Hoa lời Việt buồn bã như Độ ta không độ nàng hay nhiều ca khúc khác vẫn sẽ là những kỷ niệm đẹp của nhiều người yêu nhạc.
Nhưng đối với những người sáng tác và quan tâm thị trường nhạc Việt, cảm xúc xót xa là khó tránh khi sau nhiều năm nhạc Việt vẫn đang quanh quẩn và như thể “giậm chân tại chỗ”.
Theo Zing