Chủ đề anh hùng và các câu chuyện liên quan trở thành "miếng mồi béo bở" ở thị trường phim ảnh Trung Quốc.
Mặc dù lấy đề tài vì nghĩa làm tư tưởng xuyên suốt bộ phim, nhưng ẩn sâu trong lớp vỏ bọc đó, các nhà sản xuất vẫn cài cắm một số thông tin liên quan đến chính trị như vấn đề chủ quyền, quan điểm ngoại giao, tiềm lực quân sự hùng mạnh... như một cách để PR.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, điện ảnh Trung Quốc đã liên tục cho ra lò những dự án gây chú ý về quân sự. Trong đó, Chiến lang 2 và Điệp vụ Biển Đỏ là hai bộ phim đã tạo nên tiếng vang lớn ở thị trường trong nước.
Hai tác phẩm này đều khắc họa hình ảnh người anh hùng Trung Quốc có trí lực song toàn đứng ra chống lại "cả thế giới".
Trung Quốc thông qua phim ảnh để phô diễn tiềm lực quân sự quốc gia. |
Nếu như Chiến lang 2 là câu chuyện về Lãnh Phong - một người lính đánh thuê đến từ Trung Quốc, luôn sẵn sàng dấn thân vào mọi hiểm nguy để giải cứu những đứa trẻ châu Phi và mang lại cuộc sống bình yên cho người dân ở lục địa đen, thì Điệp vụ Biển Đỏ khoe tầm vóc phi thường của hải quân đất nước tỷ dân.
Và hai tác phẩm trên đều đạt được thành công ngoài mong đợi. Chỉ tính riêng ở thị trường nội địa, Chiến lang 2 đã thu về gần 875 triệu USD, còn Điệp vụ Biển Đỏ cũng dễ dàng bỏ túi 579 triệu USD.
Các loại vũ khí tối tân, tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc như xe tăng, tàu ngầm, tàu sân bay, súng ống... đều được phô diễn trong hai bộ phim này.
Trong Điệp vụ Biển Đỏ các trường đoạn đấu súng, cháy nổ ngập trời, đạn bay như mưa cũng như các loại vũ khí chiến đấu hiện đại nhất xuất hiện với thời lượng dài và tần suất dày đặc xuyên suốt bộ phim.
Theo Sina, các tác phẩm này đều nhận được hậu thuẫn của chính phủ để tái hiện một cách chính xác tư tưởng, vũ khí quân dụng trên màn ảnh.
Ngô Kinh từng chia sẻ khi quay Chiến lang 2, anh được Bộ Quốc phòng hỗ trợ về thông tin. Trong khi đó, Điệp vụ Biển Đỏ cũng được Bộ Truyền thông Hải quân Trung Quốc phối hợp tham vấn trong thời gian ghi hình.
Người lính trên màn ảnh Trung Quốc có sức mạnh bất khả chiến bại và được trang bị nhiều vũ khí quân sự tối tân nhất bên mình. |
Không những vậy, các quan điểm chính trị, ngoại giao cùng những thông điệp khẳng định sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và mang tính cảnh báo với các nước khác cũng được lồng ghép vào các tác phẩm bom tấn.
Chiến lang 2 của Ngô Kinh ra rạp vào đúng thời điểm tranh chấp đường biên giới của Trung Quốc - Ấn Độ đang bước vào giai đoạn căng thẳng. Và tác phẩm cũng là một lời tuyên bố ẩn ý với thế giới từ Bắc Kinh về tiềm lực quân sự hùng mạnh của căn cứ hải quân Trung Quốc ở Djibouti.
"Nếu như các bom tấn Hollywood thường hướng đến giá trị phổ quát phê phán chiến tranh, thì các bộ phim quân sự Trung Quốc lại dựa trên khái niệm dân tộc. Đề cao sự hy sinh của bản thân vì lợi ích quốc gia. Việc này nhằm chứng minh cho thế giới thấy Trung Quốc là đại cường và đang trên đà trỗi dậy. Đó là tôn chỉ của quốc gia", học giả Trương Tuệ Du nhận định trên Tân Hoa Xã.
Thành công vang dội của Chiến lang 2 đã thúc đẩy dòng phim yêu nước ngày càng phát triển tại Trung Quốc. Nhất là khi năm nay lại trùng với dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.
Trong danh sách 10 bộ phim có doanh thu cao nhất Tuần lễ vàng Quốc khánh (7 ngày) 3 bộ phim đề cao lòng yêu nước và ý chí anh dũng của người Trung Quốc là Tôi và Tổ quốc của tôi, Cơ trưởng Trung Quốc, Người leo núi đã lần lượt xếp ở các vị trí đầu tiên
Các bộ phim điện ảnh mang đề tài chủ nghĩa dân tộc liên tục ra rạp tại Trung Quốc. |
Trong đó, bộ phim Tôi và Tổ quốc của tôi đã vượt mốc doanh thu một tỷ NDT sau 7 ngày công chiếu. Tác phẩm kể về mối quan hệ không thể tách rời giữa đất nước và nhân dân thể hiện qua bảy sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của Trung Quốc như thử thành công bom nguyên tử (1964), cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 70 thắng lợi trong chiến tranh Trung - Nhật (2015), phóng thành công tàu Thần Châu 11 lên vũ trụ (2016).
Tôi và Tổ quốc của tôi được sản xuất với mục đích đánh thức ký ức của tất cả công dân Trung Quốc trên toàn cầu. Trên Douban, bộ phim được chấm 8.0 điểm.
Tuy nhiên, việc các nhà làm phim liên tục quay những dự án có đề tài yêu nước cũng vấp phải chỉ trích từ khán giả, tiêu biểu là Ngô Kinh. Sau thành công của Chiến lang 2 và Lưu lạc địa cầu, sao võ thuật tiếp tục đầu tư sản xuất bộ phim Nhà leo núi. Trái ngược với hai dự án trước, Nhà leo núi bị công chúng tẩy chay từ khi còn chưa ra rạp.
Khi đó, phần lớn khán giả đều cho rằng Ngô Kinh đang "dựa hơi" đề tài yêu nước để kiếm tiền. Sau khi công chiếu, tác phẩm cũng chỉ nhận được 6.5 điểm/10 điểm trên Douban và có hơn 70% khán giả chấm phim ở mức 3,4 sao.
"Tôi nghĩ Ngô Kinh nên xếp phim của mình vào thể loại phiêu lưu tình cảm thay vì là chủ đề lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Vì toàn bộ diễn biến của tác phẩm đều xoay quanh việc leo núi và tình yêu đôi lứa. Đây tác phẩm đáng thất vọng của Ngô Kinh khi cứ cố ép mình vào chủ nghĩa yêu nước", một khán giả bình luận trên Douban.
Tờ HK01 cũng có cùng nhận định: "Tình yêu chiếm quá nhiều thời lượng trong phân đoạn kịch tính của tác phẩm. Rốt cuộc chủ nghĩa yêu nước mà Nhà leo núi đề cập là việc leo núi vì đất nước. Nội dung quá mơ hồ".
Nhà leo núi bị đánh giá đang cố ép mình vào khuôn khổ tinh thần yêu nước. |
Trước đó, nhà phê bình Gia Du trong một cuộc phỏng vấn đã bày tỏ sự lo ngại về việc giới điện ảnh Trung Quốc đang khai thác lệch lạc chủ đề ái quốc và quân sự .
“Nếu các nhà làm phim không thực tế hơn, không bớt khoa trương quá mức thì sớm muộn dòng phim này cũng sẽ thất bại. Chúng ta hãy thử nhìn lại giai đoạn phim kháng Nhật thành công rồi lụi tàn như thế nào”, ông nhận định.
Nhà phê bình điện ảnh Lý Hoa cũng e ngại lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đang bị các bộ phim lạm dụng thái quá. Lấy chủ đề anh hùng nhưng các phim Trung Quốc đang ngày càng trở nên khát máu. Điệp vụ Biển Đỏ lấy chiến tranh để chống lại chiến tranh. Chủ đề yêu nước bị xóa mờ bởi bạo lực”, China Post dẫn lời ông Lý Hoa.
Chiến lang 2 bị đánh giá thấp ở thị trường nước ngoài, dù làm mưa làm gió tại Trung Quốc. |
Hình ảnh tấm bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” trong Everest - Người tuyết bé nhỏ. |
Chiến lang 2, Điệp vụ Biển Đỏ được xem là bom tấn ở thị trường nội địa Trung Quốc, nhưng hoàn toàn thất bại khi xuất khẩu nước ngoài. Đơn cử là Chiến lang 2 khi công chiếu tại Bắc Mỹ chỉ thu về được hơn 1 triệu USD và được xếp trong nhóm những bộ phim “độc lập”.
Không những vậy, bộ phim còn bị khán giả quốc tế đánh giá thấp vì khuếch trương thanh thế và phô diễn tinh thần Đại Hán quá mức. Cây bút Simon Abrams trên trang RogerEbert.com chấm điểm Chiến lang 2 chỉ vỏn vẹn một sao trên thang điểm 4.
Đồng thời, ông gọi đây là bộ phim hành động rẻ tiền cổ vũ cho “tinh thần sô vanh hiếu chiến, một bộ phim chiến tranh bạo lực đầy máu me, bất chấp logic và sặc mùi tuyên truyền”.
Ngoài ra, việc Chiến lang 2 trở thành bộ phim châu Á đầu tiên lọt vào top 100 những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại và nằm chễm chệ ở vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng những phim có doanh thu cao nhất năm 2017 trên toàn cầu, cũng khiến tác phẩm này bị mỉa mai.
Với không ít người, thành công của Chiến lang 2 chỉ là sự ăn may vì được dân Trung Quốc đón nhận. Nhiều khán giả quốc tế thậm chí còn gay gắt cho hay chỉ riêng doanh thu kiếm được ở thị trường Trung Quốc, phim đã ăn đứt nhiều dự án khác.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các tác phẩm điện ảnh Trung Quốc hay có nguồn vốn đầu tư từ quốc gia tỷ dân để lại ấn tượng xấu trong mắt khán giả quốc tế vì chứa đựng các hình ảnh, thông tin sai lệch liên quan tới chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các quốc gia trên thế giới.
Tại thị trường Việt Nam, mới đây tác phẩm phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ đã rút toàn bộ khỏi hệ thống rạp sau khi vụ "đường lưỡi bò" bị phát hiện lồng ghép vào phim. Trước đó là Điệp vụ Biển Đỏ.
Theo Zing