Ngày 20/10, AFP đưa tin Malaysia không cho phép chiếu phim Abominable sau khi hãng phát hành từ chối cắt cảnh phim có "đường lưỡi bò" (tức "đường chín đoạn" do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế).
Ở Việt Nam, Abominable lại lọt qua kiểm duyệt, ra rạp mười ngày trước khi bị ngưng chiếu do khán giả nhận ra cảnh nhạy cảm. Cùng thời điểm, Ròm - một bộ phim khác của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - gây chú ý với khán giả vì không được cấp phép trong nước nhưng thắng giải cao nhất ở LHP Busan (Hàn Quốc). Tác phẩm hiện vẫn phải chỉnh sửa nếu muốn phát hành sau khi bị phạt 40 triệu đồng vì thi quốc tế trái luật.
Cảnh phim có hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" được chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: DreamWorks). |
Các sai sót do kiểm duyệt phim làm dấy lên câu hỏi về năng lực chuyên môn và hoạt động của hội đồng thẩm định quốc gia.
Nhiều năm qua, hội đồng duyệt bị nhận định lúc nghiêm khắc lúc nhẹ tay quá mức. Giới làm phim Việt cho rằng những tác phẩm nội bị "soi" kỹ hơn phim nước ngoài. Anh Nguyễn Cao Tùng - nhà sản xuất phim Thất sơn tâm linh - nói: "Có nhiều cảnh phim ngoại sẽ bị cắt nếu là trong phim nội. Chúng tôi muốn được đối xử công bằng hơn". Thất sơn tâm linh (tên cũ là Thiên linh cái, kể về vụ án giết người hàng loạt) phải chỉnh sửa nhiều tháng để được duyệt. Bản chiếu rạp trở nên rời rạc, gây khó hiểu về câu chuyện. Tác phẩm được dán nhãn 18+ nhưng khá nhẹ nhàng so với những phim kinh dị, ly kỳ của Hollywood gần đây như Annabelle Comes Home hay It: Chapter Two.
Trước đó, việc Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu năm 2013 cũng gây so sánh giữa phân loại phim nội - ngoại. Phim của Charlie Nguyễn không được cấp phép do vi phạm điều cấm tuyên truyền, kích động bạo lực, phản ánh không đúng hiện thực xã hội. Nhưng khán giả cho rằng Bụi đời Chợ Lớn không khốc liệt bằng nhiều phim nước ngoài được duyệt. "Phim bạo lực của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ vẫn tràn đầy ngoài rạp và thậm chí cả trên các kênh phim quốc tế tại Việt Nam vậy mà phim của ta bị cấm", độc giả hpdiep chia sẻ trên VnExpress, được nhiều người đồng tình.
"Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vĩnh viễn. (Ảnh: hãng Chánh Phương). |
Sự thiếu chi tiết trong tiêu chuẩn phân loại và ít công bố thông tin là hai vấn đề tồn đọng của hội đồng duyệt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết nhiều tác phẩm bị kết luận vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc có chi tiết nhạy cảm. "Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về cảm tính, nhìn nhận của cá nhân. Dù làm phim nhiều năm, tôi vẫn hoang mang về những điều này", anh nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng ý kiến hội đồng mang tính áp đặt và dùng câu từ nhận xét mơ hồ. Theo anh, đánh giá của hội đồng không nhất quán giữa các phim, đồng thời không nêu cụ thể về chi tiết nên gây khó cho người làm nghề. "Chúng tôi hay phải đoán ý hội đồng duyệt ở từng dự án nên ảnh hưởng khả năng sáng tạo. Đã có nhiều trường hợp, tác phẩm bị bắt ở những chỗ nhà làm phim không thể ngờ tới, chưa có tiền lệ hoặc quy định bằng văn bản", anh nói.
Phan Đăng Di dẫn chứng việc Ròm bị nói phản ánh mặt trái quá đen tối, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Nhưng Cục Điện ảnh không nêu cụ thể những cảnh nào dẫn đến góc nhìn tiêu cực về xã hội. Tương tự, với Thất sơn tâm linh, Cục không công bố tại sao tác phẩm phải chỉnh sửa nhiều dù kịch bản được duyệt trước khi ghi hình.
Ở phía hội đồng, khó khăn của họ là từ cơ chế "độc quyền" duyệt khiến quá tải công việc. Theo luật Điện ảnh, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, do Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện phụ trách. Hiện họ có 11 thành viên, gồm người của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật, Vụ Văn hóa - Văn nghệ (thuộc Ban Tuyên giáo), Hội Điện ảnh, một số cá nhân quản lý điện ảnh. Tất cả phim điện ảnh ra rạp mỗi năm (khoảng 200 phim ngoại, 40 phim nội) đều phải qua hội đồng này.
Bà Hồng Ngát - thành viên hội đồng - nhận định khối lượng công việc duyệt phim lớn. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người từng có 5 năm ở hội đồng - đánh giá việc thẩm định hiện tại nhiều áp lực hơn trước, có lúc phải xem đến hai phim mỗi ngày. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói cơ chế kiểm duyệt hiện nay làm khó hội đồng bởi họ chịu nhiều áp lực từ nhiều phía: cấp trên, bộ ngành, báo chí, dư luận.
Cảnh phim "Ròm". (Ảnh: HK). |
Anh Nguyễn Phong Việt - chuyên gia phát hành phim - cho rằng nên có thêm hội đồng duyệt phía Nam, giúp giảm tải công việc cũng như tiết kiệm chi phí, công sức di chuyển ra Hà Nội của người các hãng phim (đa phần ở TP.HCM).
Đạo diễn Phan Đăng Di tán đồng ý này, đồng thời cho rằng có thể giao một phần trách nhiệm cho nhà phát hành phim. "Cơ chế tập trung phim về một mối để phân loại không còn phù hợp. Nếu vẫn giữ cách này, chuyện giống phim Abominable vẫn tái diễn do hội đồng nhiều khả năng lại sai sót. Tôi nghĩ Cục Điện ảnh có thể gửi một số tiêu chuẩn kiểm duyệt cho nhà phát hành để họ tự kiểm tra phim mình nhập. Họ là những người tiếp xúc đầu tiên, nhiều lần và kỹ nhất với bản phim", anh nói.
Trong các trường hợp nhạy cảm, Phan Đăng Di nhận định cần cơ chế đối thoại giữa hội đồng duyệt và giới làm phim. "Cách làm hiện tại nặng tính một chiều và khép kín, nghĩa là hãng phim nộp sản phẩm lên, nhận phản hồi rồi tự tìm cách sửa. Theo tôi, ở các tác phẩm có vấn đề, hội đồng nên mở rộng bàn luận bằng cách trưng cầu ý kiến từ các nhà chuyên môn khác, đồng thời cho nhà làm phim cơ hội để họ bảo vệ tác phẩm", anh nói. Đồng ý kiến, Lương Đình Dũng (đạo diễn Cha cõng con) nói cần gia tăng trao đổi giữa nhà sản xuất và hội đồng duyệt, đồng thời luật nên quy định rõ ràng hơn về những yếu tố kiểm duyệt.
Theo VNE