"Đường lưỡi bò" và sự nguy hiểm của vũ khí tuyên truyền Trung Quốc

Thứ ba, 15/10/2019, 10:01
Bốn giây xuất hiện của "đường lưỡi bò" trong bộ phim hoạt hình dài hơn tiếng rưỡi có thể không dài, nhưng đó lại là cách thức tuyên truyền rất tinh vi của Trung Quốc.

Dư luận đang dậy sóng về chuyện bộ phim hoạt hình Abominable (tên phát hành tại Việt Nam: Everest: Người tuyết bé nhỏ) bị dừng chiếu sau khi khán giả phát hiện cảnh phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông.

"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Vụ việc một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của chính sách tuyên truyền mà Bắc Kinh đang thực hiện về một thứ mà thậm chí ngay cả bản thân họ cũng mơ hồ về nguồn gốc.

Hình ảnh "đường lưỡi bò" trong bộ phim Abominable. (Ảnh: Twitter).

Ăn sâu vào suy nghĩ

"Nhận thức, chứ không phải bất cứ điều gì khác, là thứ nguy hiểm nhất trên Biển Đông", giáo sư Zheng Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Đại học Seton Hall (Mỹ), một chuyên gia về Trung Quốc, viết cho The Diplomat năm 2014.

Trong bài viết về việc "đường lưỡi bò" đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Trung Quốc như thế nào, ông Wang cho biết từ những năm 1940, các thế hệ người Trung Quốc đã được các sách giáo khoa địa lý tuyên truyền rằng "cực Nam đất nước là Zengmu Ansha".

Zengmu Ansha là cách Trung Quốc gọi bãi ngầm James (James Shoal) ở phía Nam Biển Đông, rất gần bờ biển Malaysia. Từ bài học này, những đứa trẻ Trung Quốc bắt đầu hình thành nhận thức về cái gọi là "đường chín đoạn". Một bài tập phổ biến với chúng là tính khoảng cách từ cực Bắc đến cực Nam Trung Quốc qua bản đồ và kết quả là 5.500km, theo giáo sư Wang.

"Trong nhiều tranh chấp lãnh thổ, bản đồ đã được các bên yêu sách sử dụng như một công cụ quan trọng để biện minh cho việc bảo vệ hoặc giành lại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp", ông Wang nói. "Bản đồ cũng được sử dụng trong hệ thống giáo dục để hình thành quan niệm của thế hệ trẻ về biên giới và chủ quyền quốc gia".

Đá Subi, một thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: New York Times).

Tận dụng mọi cơ hội lồng ghép thông điệp

Trung Quốc từ lâu đã ý thức được điều đó. Họ tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về "đường lưỡi bò", từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.

Tháng 5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc bị phát hiện mặc áo thun in hình "đường lưỡi bò" ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.

Tháng 9 cùng năm, bộ sách Wow! - Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh của tác giả Trung Quốc, dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi, bị phát hiện có hình ảnh minh họa "đường lưỡi bò". Vụ việc khiến nhà xuất bản cấp phép phải yêu cầu đơn vị phát hành thu hồi sách và chỉnh sửa nội dung.

Đáng lưu ý, từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình "đường lưỡi bò". Thế nhưng, Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền đối với người dân nước này. Họ đã tiến xa hơn.

Du khách Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" ở sân bay Cam Ranh. (Ảnh: Twitter).

"Xảo quyệt và tinh vi"

Mới đây, kênh truyền hình thể thao ESPN đã hứng chịu chỉ trích khi để hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong khi đưa tin. Trong chương trình phát sóng hôm 9/10, nói về tranh cãi giữa Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) và Trung Quốc, nhà đài đã sử dụng một tấm bản đồ Trung Quốc với phần "lưỡi bò" 10 đoạn trên Biển Đông.

Một chương trình phát sóng hồi đầu tuần của ESPN cũng sử dụng bản đồ Trung Quốc nhưng không có "đường lưỡi bò" này, theo Reuters.

Việc sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò" diễn ra sau khi có thông tin rằng Chuck Salituro, Giám đốc tin tức cấp cao của ESPN, đã "yêu cầu mọi cuộc thảo luận về câu chuyện Daryl Morey đều phải tránh đề cập các vấn đề chính trị liên quan đến Trung Quốc và Hong Kong, và thay vào đó, hãy tập trung vào các vấn đề liên quan đến bóng rổ".

Daryl Morey, quản lý đội Houston Rockets thuộc NBA, trước đó đã viết trên Twitter với nội dung ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, gây ra phản ứng giận dữ từ Trung Quốc đại lục. Một buổi gặp fan đã bị hủy bỏ, trong khi các đối tác Trung Quốc chấm dứt quan hệ với NBA.

Hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò" trong chương trình của ESPN gây phẫn nộ. (Ảnh chụp màn hình).

Không rõ ESPN vô tình hay cố ý sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò", nhưng sự việc đã khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ của nhà đài, cũng như của công ty mẹ - Disney.

Disney có hàng loạt cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc và trên tất cả, đất nước đông dân nhất thế giới là thị trường tối quan trọng cho các bộ phim của Disney. Do đó, một số người cho rằng Disney và ESPN đã "cúi đầu" trước Bắc Kinh.

"ESPN đã mở đầu chương trình SportsCenter 7h sáng của họ hôm nay bằng cách trưng lên một đồ họa về Trung Quốc, trong đó có đường 9 đoạn phi pháp ở Biển Đông. Chúng ta có thể cúi đầu thấp hơn được nữa sao?", một người dùng Twitter tại Mỹ nêu ý kiến.

"ESPN đã làm hết mình để giúp Trung Quốc tuyên truyền. 'Đường 9 đoạn' là nỗ lực phi pháp của Trung Quốc để chiếm gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm trắng trợn luật quốc tế", một người khác viết.

Những quan điểm này làm nổi bật một nhận định: Bắc Kinh muốn các công ty nước ngoài không chỉ thúc đẩy lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích chính trị của Trung Quốc, bao gồm vấn đề lãnh thổ. Tác giả Isaac Stone Fish giải thích về nhận định này trong bài viết đăng trên Washington Post có tựa đề Làm thế nào Trung Quốc biến các công ty Mỹ thành con vẹt tuyên truyền của họ.

"Bằng những cách tinh vi và xảo quyệt, Bắc Kinh thuyết phục, vỗ về cũng như ép buộc các công ty Mỹ thúc đẩy các giá trị của đảng cầm quyền Trung Quốc, 'nói như vẹt' các quan điểm của đảng, và đưa việc tự kiểm duyệt về Trung Quốc vào văn hóa công ty", tác giả viết.

"Khi họ thành công, chẳng hạn như với ESPN, công ty này đã thúc đẩy việc tuyên truyền của Trung Quốc".

Chính phủ Trung Quốc năm ngoái từng buộc thương hiệu thời trang Gap của Mỹ phải xin lỗi vì in sai bản đồ Trung Quốc lên áo. Coach, Givenchy và Versace cũng đã phải đưa ra những lời xin lỗi tương tự.

Người dùng mạng xã hội tại Mỹ chỉ trích ESPN. (Ảnh chụp màn hình).

Đối phó thế nào?

Với phim Abominable, có thể nhận định việc lồng ghép đường lưỡi bò vào phim chịu tác động từ chính sách tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc vì một trong hai nhà sản xuất là hãng Pearl Studio của nước này. Cách đây một năm rưỡi, sự việc tương tự từng xảy ra khi phim Operation Red Sea (tựa Việt: Điệp vụ Biển Đỏ) cũng bị ngưng chiếu tại Việt Nam.

Trong bộ phim do hãng Bona Film Group của Trung Quốc sản xuất, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc trên Biển Đông, phát loa xua đuổi các tàu khác. Khi đó, các nhà phân tích đánh giá đoạn kết của phim nằm trong âm mưu của Trung Quốc cũng như chiến lược tuyên truyền tổng thể của nước này về tranh chấp Biển Đông.

"Họ tuyên truyền như vậy, để sau này nếu không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, thì sẽ dựa vào cái cớ đó để mà nói rằng thế giới đã chấp nhận điều đó rồi", ông Hoàng Việt, chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trả lời PV trong một cuộc phỏng vấn khi đó.

Ông Việt nói rằng dù Trung Quốc không thực hiện quyền lịch sử cũng như không có sự công nhận của cộng đồng quốc tế về quyền lịch sử trong "đường lưỡi bò", họ vẫn luôn tìm mọi cách để biện minh cho yêu sách của mình.

Vị chuyên gia cũng cho rằng cách đối phó với những chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc là "phải có chiến lược tuyên truyền ngược trở lại ho thế giới nói chung và người Trung Quốc nói riêng để hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là công lý".

"Trung Quốc có những chiến lược rất nguy hiểm mà bên ngoài tưởng chừng như vô hại. Nếu không hiểu sâu về họ thì rất khó nhận biết", ông cảnh báo.

Theo Zing

Các tin cũ hơn