Binh sĩ quân đội chính phủ Syria (SAA). (Ảnh: Sputnik).
Khi các đơn vị quân đội chính phủ Syria tới gần sân bay ở thị trấn biên giới Qamishli tối 13/10, các lực lượng dân quân địa phương được lệnh không đối đầu với họ, một quan chức an ninh người Kurd cho hay. Đây là lần đầu tiên quân đội Syria xuất hiện với quy mô lớn ở khu vực biên giới này kể từ khi rút đi năm 2012.
Đây là kết quả đạt được sau ba ngày đàm phán giữa chính phủ Syria và lực lượng người Kurd tại một căn cứ quân sự với vai trò trung gian của Nga. Thỏa thuận này mở đường cho lực lượng chính phủ quay lại vùng Đông Bắc Syria để đẩy lùi chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời xóa bỏ những ảnh hưởng mà Mỹ từng dày công gây dựng ở khu vực.
"Chúng tôi đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria, với trách nhiệm bảo vệ biên giới và chủ quyền của đất nước, để quân đội chính quy triển khai dọc biên giới giúp ngăn chặn đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ", theo thông báo ngày 13/10 của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd (YPG).
Khi nội chiến bùng phát vào năm 2012, các đơn vị quân đội Syria đóng tại biên giới phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ được lệnh rút về bảo vệ thủ đô Damascus, chỉ để lại một nhóm nhỏ binh sĩ chính phủ đóng tại Qamishli.
Với khoảng trống mà chính phủ Syria bỏ lại trong tình cảnh rối ren, lực lượng người Kurd nhanh chóng trỗi dậy và tiếp quản Qamishli cùng nhiều thị trấn quan trọng lân cận, lập nên một vùng kiểm soát rộng lớn ở biên giới, với tham vọng thành lập một khu tự trị.
Nhận thấy năng lực và hiệu quả tác chiến của dân quân người Kurd trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ từ năm 2014 đã tăng cường hỗ trợ về tài chính, vũ khí, cử các đội cố vấn tới huấn luyện cho YPG và thành lập SDF, lực lượng dân quân quy mô lớn, được trang bị vũ khí hiện đại và tinh thần chiến đấu tốt.
Với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, người Kurd liên tục giành chiến thắng trước IS và trở thành đồng minh đắc lực của Mỹ trong cuộc chiến trên mặt đất. SDF cuối cùng đánh bại IS tại thành trì Raqqa và kiểm soát toàn bộ khu vực phía Đông Bắc Syria, từ sông Euphrates kéo tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực hợp tác với người Kurd trong 5 năm qua giúp Mỹ duy trì hiện diện quân sự đáng kể ở Syria nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga và Iran tại khu vực. Một số đơn vị lính đánh thuê Nga và dân quân thân Iran được cho là từng tìm cách tấn công khu vực có lính Mỹ đóng quân ở Đông Bắc Syria, nhưng đều bị hỏa lực không quân, pháo binh vượt trội đẩy lùi.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột từ bỏ chính sách này khi thông báo rút quân và không can thiệp vào chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lý giải rằng khoảng 1.000 Mỹ được lệnh rút khỏi miền Bắc Syria để tránh rơi vào xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
"Trong 24 giờ qua, chúng tôi biết Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng mở rộng chiến dịch xa hơn về phía Nam, kế hoạch ban đầu là về phía Tây. Lực lượng Mỹ có thể bị kẹt giữa hai lực lượng đối lập và đó là tình huống rất khó lường", Esper nói trong chương trình "Face the Nation" hôm 13/10.
Quyết định của chính quyền Trump tạo ra một khoảng trống đáng kể ở biên giới Đông Bắc Syria, đẩy người Kurd vào tình thế vô cùng khó khăn, khi phải đối mặt với quân đội chính quy Thổ Nhĩ Kỳ vượt trội về hỏa lực không quân, pháo binh.
Người Kurd sống tại Đông Bắc Syria nói họ choáng váng bởi tốc độ sụp đổ của lực lượng SDF có nhiệm vụ phòng thủ biên giới trước đòn tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Quan chức cao cấp người Kurd Badran Jia Kurd nói họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang xin chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad hỗ trợ, sau khi bị "người Mỹ phản bội".
Nhận thấy ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ ở Đông Bắc Syria, các quan chức Nga được cho là đã tích cực kết nối những cuộc đàm phán cấp thấp giữa Damacus và người Kurd. Thỏa thuận cuối cùng được hai bên nhất trí đã mở toang cánh cửa cho quân đội Syria cũng như đồng minh Nga và Iran thiết lập ảnh hưởng lâu dài tại khu vực.
Đây được coi là thay đổi lớn trong cuộc chiến kéo dài tại Syria, giúp củng cố vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad. Các lực lượng Nga và Iran ngày càng có vai trò quan trọng tại Syria trong khi Mỹ không còn hiện diện tại đây.
Việc chính phủ Syria thông báo đưa quân tới khu vực do người Kurd kiểm soát để ngăn chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên hy vọng chấm dứt tình trạng hỗn loạn. Một phụ nữ người Kurd tên là Nowruz cho biết gia đình cô phải chạy khỏi nơi giao tranh ba ngày trước và tới lánh nạn tại Qamishli.
"Việc quân đội chính phủ triển khai lực lượng tới biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là điều an ủi. Nếu thỏa thuận với chính phủ nhằm ngăn cuộc thảm sát này, hãy để nó như vậy. Rốt cục tất cả chúng tôi là người Syria và chính phủ Syria là của người Syria. Người Mỹ đã phản bội, chúng tôi không tin họ nữa", Nowruz nói.
Không rõ quân đội Syria sẽ triển khai ở đâu và khi nào, cũng như liệu Mỹ đã rút quân hoàn toàn khỏi các căn cứ hay chưa. Đại diện chính quyền người Kurd xác nhận đồng ý cho quân đội Syria triển khai tại Manbij và Kobani, song các quan chức Mỹ từ chối xác nhận binh sĩ nước này đã rút khỏi các thị trấn trên.
Vành đai an toàn Thổ Nhĩ Kỳ muốn lập tại Syria. (Đồ họa: WP).
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia như Pháp, Anh và Đức. Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bác bỏ những chỉ trích và lời kêu gọi ngừng chiến dịch quân sự để đàm phán với lực lượng người Kurd.
"Tại sao lại đưa ra lời khuyên nên ngồi xuống đàm phán với những kẻ khủng bố? Chúng tôi không nhằm vào công dân người Kurd mà không muốn một quốc gia khủng bố được thành lập ở Đông Bắc Syria. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi nào lực lượng người Kurd lùi cách biên giới 30km", Erdogan nói ngày 13/10.