Hàng trăm binh sĩ thuộc chính phủ Syria, bao gồm cả lính đánh thuê Nga, từng mở đợt tấn công dân quân người Kurd (YPG) tại một tiền đồn phía Đông Syria hồi năm ngoái. Các chỉ huy Mỹ khi đó quyết định triển khai vũ khí hỗ trợ YPG, trong đó có oanh tạc cơ B-52, giúp ngăn chặn cuộc tấn công.
Hành động này cho thấy quân đội Mỹ sẵn sàng bảo vệ người Kurd, đồng minh chính của họ tại khu vực. Tuy nhiên, với việc Nhà Trắng tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria, quyết định được coi là "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là YPG, một số đặc nhiệm Mỹ sát cánh cùng người Kurd bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc vì phải rời bỏ đồng minh.
Lính Mỹ tại một căn cứ của dân quân người Kurd ở thành phố Malikiya, Syria hồi tháng 4/2017. (Ảnh: Reuters). |
"Tôi cảm thấy xấu hổ", một binh sĩ Mỹ giấu tên từng phục vụ ở miền Bắc Syria chia sẻ. Lực lượng dân quân người Kurd cũng sững sờ trước động thái của Washington. "Điều tồi tệ nhất trong quân sự và với các đồng minh trên chiến trường là sự phản bội", Shervan Darwish, quan chức Hội đồng quân sự Manbij thuộc ban chỉ huy SDF, cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 11/10 khẳng định Washington "không bỏ rơi người Kurd và không bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Hai ngày sau, ông thông báo Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho khoảng 1.000 binh sĩ rút quân một cách "nhanh chóng và an toàn nhất có thể" khỏi miền Bắc Syria trong thời gian tới.
Các đặc nhiệm Mỹ, hầu hết là thành viên Nhóm Đặc nhiệm thứ ba, tuần trước đã bắt đầu di chuyển tới những tiền đồn cách xa biên giới Syria. Trong lúc người Mỹ lùi lại, người Kurd phải dồn quân lên phía Bắc để củng cố lực lượng trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Lính Mỹ giờ đây chỉ có thể đứng quan sát từ trong công sự, bởi mệnh lệnh từ chính phủ của họ đồng nghĩa với việc để người Kurd tự chiến đấu.
Quyết định của Mỹ dường như mâu thuẫn với chiến lược quân sự của họ tại Syria trong 4 năm qua, đặc biệt là quan hệ với YPG, những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình đẩy lùi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi vùng Đông Bắc Syria. Người Kurd đã chiến đấu tại các thành phố Manbij, Raqqa và sâu bên trong Thung lũng sông Euphrates, săn đuổi tận cùng những phiến quân IS còn sót lại.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ và những đơn vị khác đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với người Kurd. Họ cùng sống trên khoảng đất bụi bặm, chia sẻ những bữa ăn, cùng đề phòng nhiều mối nguy hiểm chung, chiến đấu bên nhau, hỗ trợ nhau sơ tán những người Kurd thiệt mạng và bị thương khỏi chiến trường.
"Khi họ làm lễ tang, chúng tôi đau buồn cùng họ", Tướng Joseph Votel, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cho biết.
Trận chiến bùng nổ hồi năm 2014 tại Kobani đã "mai mối" cho quan hệ giữa Mỹ và người Kurdở phía Đông Bắc Syria. Các phiến quân IS trang bị pháo hạng nặng thu được từ Mỹ đã bao vây Kobani, thị trấn của người Kurd, và tiến vào một phần lãnh thổ. Bất chấp sự lưỡng lự của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc trợ giúp, quân đội Mỹ đã không kích IS, cung cấp đạn dược, vũ khí hạng nhẹ và vật tư y tế cho dân quân người Kurd.
Sự hỗ trợ này đã xoay chuyển tình thế, giúp người Kurd đánh bại IS. Các chỉ huy Mỹ cũng phát hiện ra một đồng minh đầy tiềm năng trong cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân khủng bố.
Mỹ đã huấn luyện cho hàng nghìn lính SDF về chiến thuật, trinh sát và sơ cứu. Những nhóm trinh sát được đào tạo cách xác định vị trí của IS rồi truyền thông tin tới trung tâm chỉ huy của liên quân do Mỹ dẫn đầu, từ đó lên kế hoạch không kích.
"Trong vòng hai năm qua, sự phối hợp trở nên vô cùng sâu sắc. Mức độ tín nhiệm, tin tưởng vào nhau cũng rất cao, bởi sự hợp tác này đã mang lại những kết quả to lớn", Mutlu Civiroglu, nhà phân tích về vấn đề người Kurd, giải thích. "SDF và liên quân Mỹ đã bù đắp cho nhau. Lực lượng Mỹ không hiện diện trên mặt đất, còn SDF không có hỗ trợ trên không, nên họ cần nhau".
Khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara muốn kiểm soát. (Đồ họa: HAL). |
Ngay cả sau khi IS mất phần lớn lãnh thổ, Mỹ vẫn duy trì huấn luyện các đơn vị chống khủng bố của SDF nhằm tiến hành đột kích chiến thuật vào những nơi ẩn náu của IS, đồng thời cung cấp cho họ những thông tin tình báo cần thiết để lên kế hoạch. Trong những vùng cách xa chiến tuyến với IS, SDF cũng thường hộ tống đoàn xe Mỹ đi qua một số thị trấn ở Syria, hoặc bảo vệ vòng ngoài cho các địa điểm có người Mỹ bên trong.
Sự phối hợp giữa SDF với quân đội Mỹ đã mở rộng từ các cấp cao nhất tới từng người lính trong cuộc chiến chống IS. Những chỉ huy SDF làm việc với các sĩ quan quân đội Mỹ trong trung tâm chỉ huy chung đặt tại một nhà máy xi măng bỏ hoang gần thị trấn Kobani. Họ cùng nhau thảo luận chiến lược và những kế hoạch hoạt động trong tương lai.
Sợi dây gắn kết giữa người Kurd và quân đội Mỹ vẫn duy trì sau nhiều biến cố, bao gồm quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi miền Bắc Syria của Tổng thống Trump hồi tháng 12, nhưng sau đó kế hoạch này bị đình trệ. Tuy nhiên, động thái mới đây của Washington được đánh giá khó có thể đảo ngược.
"Tại thời điểm đặc biệt này, chúng tôi dường như đã khiến người Kurd vô cùng khó khăn trong việc duy trì quan hệ hợp tác với những quyết định gần đây", Tướng Votel nói.
SDF từng đồng ý lùi xa khỏi biên giới phía Bắc Syria, phá hủy các công sự và trao trả một số vũ khí hạng nặng, như một phần của biện pháp an ninh mà Mỹ đưa ra nhằm hạ nhiệt căng thẳng với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Với những bước đi này, người Kurd muốn thể hiện rằng họ không đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, dù điều đó khiến họ dễ bị tổn hại hơn khi nước láng giềng phía Bắc Syria triển khai chiến dịch tấn công.
Tuy nhiên, các binh sĩ Mỹ cho biết người Kurd vẫn vô cùng vững chãi, thể hiện trong một chiến dịch chung gần đây, khi họ cùng tìm kiếm một chỉ huy cấp thấp của IS ở phía Bắc Syria. Nhiệm vụ khá vất vả và họ dường như không có khả năng tìm thấy đối tượng.
Nicholas Heras, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tới thăm SDF hồi tháng 7 để tư vấn về IS, đã quan sát người Kurd làm việc cùng lính Mỹ trong nhiệm vụ này và nhận ra sự đồng đều gần như không thể phân biệt được. "Các đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của SDF là những chiến binh cứng rắn trong cuộc chiến chống IS. Người Mỹ hoàn toàn tin tưởng họ", Heras cho biết. Cuối cùng họ đã hoàn thành nhiệm vụ bắt chỉ huy của IS.
Sau chiến thắng nhọc nhằn tại Kobani, người Kurd tiếp tục cuộc chiến chống IS tại những thị trấn khác của họ. Tuy nhiên, Mỹ đã đề nghị đồng minh mới đưa quân tới những khu vực khác, hợp tác với dân quân địa phương để giành lại lãnh thổ từ tay IS. Vì vậy, người Kurd đã tiến tới, chiếm giữ được Raqqa và Deir al-Zour dù phải chịu thương vong nặng nề.
Peter Galbraith, cựu cố vấn cấp cao Mỹ cho người Kurd ở Syria và Iraq, nói rằng liên minh giữa Mỹ và người Kurd nhằm chống lại IS bắt đầu từ việc Washington giúp SDF."Nhưng cuối cùng họ mới là người giúp chúng tôi. Họ là những người đã khôi phục vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng", ông cho biết.
Theo VNE