3 ngày trước, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đăng tải đoạn video lên trang Facebook cá nhân, cho biết bản thân vừa xin ra khỏi CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Bình Dương. Anh cho rằng quy chế hoạt động của CLB phường gây cản trở cho việc giúp đỡ người dân.
Dù hiệp sĩ này xin ra khỏi CLB nhưng hiều người vẫn gọi đến số điện thoại của anh để báo trộm, cướp. Có người từng được anh giúp lấy lại xe bị mất, nghe tin cũng tìm đến gặp anh để chia sẻ.
Năm 1997, CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa ra đời đầu tiên ở Bình Dương, anh Nguyễn Thanh Hải được xem như "lá cờ đầu", tình nguyện tham gia, góp phần đào tạo những hiệp sĩ sau này.
Đến năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quy chế 34, trong đó quy định hiệp sĩ ở phường nào sẽ về sinh hoạt ở phường đó nên một vài anh em cùng làm với anh Hải cũng tách về hoạt động tại phường.
Trong vòng hơn 20 năm làm hiệp sĩ, anh Hải kể đã giúp bắt được 3.600 đối tượng từ trộm, cắp, lừa đảo đến chạy án, không chỉ ở phường Phú Hòa mà còn ở các phường khác của Bình Dương và cả những tỉnh thành khác.
Theo lời anh, chi phí hoạt động được lấy từ tiền kinh doanh vật liệu xây dựng và cho thuê mặt bằng của bản thân để trang trải.
Bà Võ Thị Huệ - người từng được anh Hải giúp lấy lại xe máy bị mất, nghe tin anh Hải ra khỏi CLB đến chia sẻ. Anh Hải không kìm được xúc động. |
Tuy vậy, ngày 29/4 vừa qua, người hiệp sĩ này quyết định viết đơn xin ra khỏi CLB. Anh cho rằng quy chế hoạt động ban hành từ năm 2013 không còn phù hợp với bối cảnh năm 2019.
"Tôi cùng Phó công an phường Phú Hòa và Chủ tịch UBND phường họp, họ nói tôi đi sai địa bàn. Theo quy chế, tôi chỉ hoạt động ở địa bàn phường Phú Hòa, còn khi gặp tội phạm thì tôi phải kịp thời báo cho địa phương để phối hợp chứ không được tự mình truy đuổi. Nhưng thử hỏi tội phạm đang chạy tốc độ cao, mình đang đuổi theo thì làm sao mà kịp điện báo cáo?", anh Hải phân trần.
Theo hiệp sĩ này, anh luôn ưu tiên tuần tra khu vực phường Phú Hòa nhưng có khi đang đi thì có người dân gọi báo mất xe, định vị cho thấy tội phạm đang qua địa bàn tỉnh khác nên anh chỉ biết cùng anh em truy đuổi vì chậm một chút sẽ mất dấu. Sau khi bắt được nghi phạm thì mới gọi công an địa phương đó để bàn giao. Điều này theo quy chế hoạt động của CLB là vi phạm.
"Người dân cần đến mình, họ nghèo khổ mua chiếc xe trả góp thì bị trộm lấy mất, gọi khóc lóc nhờ mình đi kiếm. Mình giúp dân có nghĩ gì đâu, không ăn lương bổng gì. Giúp dân mà nói phải làm ở địa bàn Phú Hòa thôi. Tôi uất ức nên xin nghỉ", anh Hải nói.
Trước khi đưa ra quyết định, anh kể có nói chuyện với bên phường Phú Hòa là quy chế không còn phù hợp với tình hình tội phạm ngày càng manh động, cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, theo anh, đại diện bên phường "không nói gì".
"Tôi buồn lắm, nhưng thôi thì ra ngoài làm tự do hơn. Mình bắt quả tang thì có gì mà sợ. Chỉ lo khi làm riêng rồi thì không biết lúc bắt được rồi thì chính quyền có phối hợp nhận tội phạm hay không", anh Hải nói về cảm giác khi sắp tới không còn làm trong CLB đã gắn bó chục năm qua.
"Mong muốn chính quyền địa phương thay đổi quy chế cho phù hợp việc phòng chống tội phạm của anh em hiệp sĩ Bình Dương, để có thể kịp thời giúp nhiều người dân hơn", hiệp sĩ nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Chủ tịch UBND phường, Chủ nhiệm CLB Phòng chống tội phạm) cho biết chưa có quyết định chính thức với đơn xin rời CLB của anh Hải. Trong đơn, anh Hải trình bày: "Tôi muốn giúp người dân, giúp xã hội nhưng các quy chế hoạt động không phù hợp với tôi”.
Bà Thúy nói "không biết động cơ nào tự nhiên anh Hải nộp đơn". Theo vị chủ nhiệm CLB, anh Hải là người hoạt động hiệu quả, thành tích đạt được nhiều và đều được ghi nhận. Tuy nhiên, hiệp sĩ này thường xuyên hoạt động ngoài địa bàn mà không báo cáo địa phương.
"Đây là tổ chức tự nguyện, bất kỳ người dân nào cũng có quyền tham gia. Nhưng khi đã tham gia, trở thành thành viên thì bắt buộc phải thực hiện theo quy chế. Thời gian sau này anh Hải hoạt động ra ngoài địa bàn nhiều, theo dõi đối tượng thì không kịp thời báo cho Ban chủ nhiệm. Nhưng ở đây cũng không bắt phải báo cáo liền, bắt xong báo cáo sau cũng được nhưng anh Hải cũng không báo cáo nữa. Khi xem Youtube ảnh đăng tôi mới biết", bà Thúy nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về cách phổ biến và hiểu quy chế giữa hai bên đang có sự mâu thuẫn, vì anh Hải cho rằng phường bắt phải báo cáo khi phát hiện tội phạm, còn phường lại cho rằng có thể báo cáo sau khi bắt giữ được đối tượng, bà Thúy bác bỏ, khẳng định anh Hải hiểu điều này.
"Không phải anh ấy không hiểu đâu vì mỗi lần họp tôi đều nêu ra hết để nhắc nhở. Sau khi bắt xong thì phải báo về, báo công an cũng được. Không bắt buộc phải báo ngay. Anh Hải hiểu", bà Thúy chắc chắn.
Tính đến nay, anh Hải đã góp phần bắt được tội phạm của 3.600 vụ. |
Theo bà, mỗi tháng CLB đều có họp định kỳ, những vấn đề này luôn được bà nêu ra để nhắc nhở anh Hải và cả CLB rút kinh nghiệm. Dù quy chế quy định là phải "báo ngay" nhưng ở địa phương phường Phú Hòa đều có hướng mở, ở đây không bắt buộc phải báo trong khi truy đuổi.
"Có thể vì tôi nhắc nhiều, anh ấy thấy gò bó quá không phù hợp nên xin nghỉ", bà Thúy nói.
Bà cho biết thêm, sau khi nhận được đơn của anh Hải, bà đã mời anh cùng CLB đến họp để trao đổi, động viên tinh thần nhưng anh Hải không đến. Do đó, bà cũng không biết tâm tư nguyện vọng của anh Hải thế nào.
"Anh em thống nhất nếu anh Hải không còn tha thiết với CLB nên chấp nhận theo nguyện vọng. Tôi chỉ mới họp nội bộ để xin ý kiến anh em, sẽ còn phải họp lại xin ý kiến cấp trên thì mới biết ra quyết định thế nào, chưa ký quyết định gì", Chủ tịch UBND phường Phú Hòa cho biết.
Bà nói anh Hải có ra khỏi CLB thì vẫn thực hiện quyền công dân, có thể bắt cướp giúp dân. Địa phương sẽ tạo điều kiện, hiệp sĩ như anh Hải cần gì hỗ trợ thì phường vẫn sẽ giúp.
Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Liêm (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) nói: "Hải là thành viên trực thuộc CLB ở phường Phú Hòa, không phải trong hệ thống tổ chức. Tinh thần thì tốt, chính quyền ủng hộ nhưng hoạt động nhiều khi không đúng theo quy chế hoạt động CLB được ban hành. Bây giờ anh ấy thấy không làm được thì xin nghỉ thôi. Tổ chức là do UBND phường thành lập, nên việc đồng ý cho anh Hải ra khỏi câu lạc bộ hay không là do phường quyết định". |
Theo Zing