Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kích động dân mạng như xã hội đen

Thứ ba, 22/10/2019, 16:34
"Là người của công chúng mà lời nói ra toàn kích động bạo lực theo kiểu xã hội đen. Đề nghị công an xử lý nghiêm, không để tình trạng này xảy ra lần sau", bạn đọc Bảo Trần bức xúc.

Những ngày qua, dư luận xôn xao việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt anh Đoàn Văn Tí - người đàn ông ở An Giang bạo hành con trai trong lúc say rượu 2 năm trước.

Nhiều độc giả cho rằng việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng lợi dụng mạng xã hội để kêu gọi đánh người là hành động bất chấp pháp luật, tạo tiền lệ rất nguy hiểm cho một xã hội đề cao thượng tôn pháp quyền.

"Chúng ta không thể dùng một hành động trái pháp luật để đáp trả một hành vi sai trái khác, mọi thứ phải nằm trong khuôn khổ luật pháp. Chúng ta có quyền chia sẻ, phản ứng lại cái xấu để xã hội lành mạnh hơn, nhưng cần phản ứng đúng mực", ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM, nói với PV.

"Không thể có tiền là làm gì cũng được"

Ngày 22/10, sau 5 ngày Facebooker Đàm Vĩnh Hưng đăng trạng thái chia sẻ bức xúc và treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt anh Đoàn Văn Tí (người đàn ông ở An Giang bạo hành con trai trong lúc say rượu 2 năm trước), hàng trăm lượt độc giả gửi ý kiến đến PV bày tỏ thái độ sau việc làm của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng.

Dòng chia sẻ trên trang cá nhân của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hiện đã bị xóa. (Ảnh chụp màn hình).

Bình luận của bạn đọc Gam nhận được hàng trăm lượt thích, độc giả này cho rằng công an cần phải triệu tập người kích động dân mạng.

"Giờ anh ta chỉ mới kích động đánh người khác thì phải triệu tập và răn đe để phòng ngừa về sau. Những người lợi dụng mạng xã hội, tạo ảnh hưởng lên những người thiếu hiểu biết để làm những việc trái pháp luật là rất nguy hiểm", độc giả Gam bình luận.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Minh cho rằng không thể để những người có tiền muốn làm gì cũng được, phải sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật. "Cứ nghĩ có tiền là thích làm gì thì làm sao?", độc giả này bình luận.

Bạn đọc Hoàng cho rằng những người nghe theo lời kích động, hành xử côn đồ, phá cửa vào nhà người khác và đánh gia chủ nhưng bản thân họ nghĩ đang hành hiệp trượng nghĩa mà không nhận ra hành vi trái pháp luật.

Chung Nguyen cho rằng việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng phản đối người cha đánh con là đúng, tuy nhiên khi anh ta treo thưởng cho dân mạng đánh người là hoàn toàn sai.

"Đàm Vĩnh Hưng phản đối thì đúng nhưng việc treo giải thưởng là sai. Những người đánh người cha để trừng phạt là sai về pháp luật, họ đánh để lãnh thưởng thì thành dân đánh mướn mất rồi", độc giả Chung Nguyen viết.

"Như xã hội đen"

Nhiều độc giả sau khi đọc những bài viết của PV về việc 100 người tự nhận với mục đích "bảo vệ trẻ em" đã tìm đến nhà trọ của anh Tí, phá cửa và đánh tới tấp người đàn ông này là không thể chấp nhận. Công an cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Bạn đọc Bảo Trần mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc và xử lý những lời kích động theo kiểu xã hội đen của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng.

"Là người của công chúng mà lời nói ra toàn bạo lực kích động theo kiểu xã hội đen. Đề nghị công an xử lý nghiêm, không để tình trạng này xảy ra lần sau", Bảo Trần nêu ý kiến.

Anh Tí bị cộng đồng mạng tìm đến nhà đánh. (Ảnh: Cắt từ clip).

Cùng quan điểm, bạn đọc tên Thanh cho rằng những người xông vào phá cửa, đánh người là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

“Phá cửa tức là hủy hoại tài sản. Xông vào nhà bắt người và lôi ra ngoài đánh đập là sai và phạm pháp. Hành vi này có thể bị phạt tù", độc giả Thanh bình luận.

Bạn đọc Lê Minh mong muốn công an làm rõ tất cả hành vi của những người liên quan, từ Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kích động bạo lực cho đến những người hưởng ứng, đi tìm và đánh đập anh Tí. "Họ tưởng mình đang thay trời hành đạo sao?", Lê Minh viết.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, nói về Facebooker Đàm Vĩnh Hưng: "Anh lấy tư cách gì để được quyền xử người khác. Việc anh xúi người ta đi xử người khác là sai".

"Về mặt luật pháp, nếu truy tiếp thì có thể xử lý chủ tài khoản Facebook đó về mặt hình sự dựa vào Bộ luật Hình sự. Còn góc độ hành chính thì Sở Thông tin và Truyền thông có thể xử phạt 20-30 triệu đồng theo Nghị định 174", ông Cường phân tích.

"Việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng gỡ dòng trạng thái không khiến chủ nhân của nó xóa đi hành vi sai trước đó", thầy Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí của Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, nói về hành động xóa status kích động bạo động của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích