Kích động trên mạng xã hội: Sao hạng A bị sa thải và tẩy chay

Thứ ba, 22/10/2019, 16:53
Đôi khi những chia sẻ trong lúc bốc đồng để thể hiện cái tôi cá nhân lại đem đến hậu quả khôn lường cho người nổi tiếng.

“Tôi là chúa Jesus của tính bộc trực. Jesus có tín đồ - tôi có 600.000 người theo dõi trên Twitter. Tôi chính là chúa Jesus mới đây”, MC Katie Hopkins ngạo mạn đáp trả khi bị gán mác là "người đàn bà đáng ghét nhất nước Anh".

Phản ứng quá khích của Katie Hopkins cũng giống như cách nữ MC nổi tiếng này từng hành xử trên mạng xã hội và bị công chúng quê nhà tẩy chay. Hơn 20.000 người đã gửi đơn kiến nghị lên chính phủ yêu cầu bỏ tù Katie Hopkins vào năm 2015, theo tờ Independant.

Vụ nữ MC tai tiếng bậc nhất nước Anh bị đuổi việc

Katie Hopkins sinh năm 1975. Bên cạnh công việc làm người dẫn chương trình, Hopkins còn phụ trách một chuyên mục trên báo lá cải. Cô từng tham gia chương trình tranh biện The Apprentice nhưng không thắng giải. Tuy vậy, Hopkins là thí sinh được nhắc đến nhiều nhất vì những ý kiến chẳng giống ai.

Trên mạng xã hội, Katie Hopkins nổi tiếng là người thích đưa ra ý kiến về mọi việc. Khi Kim Karshadian bế con gái mới đầy năm đi dạo ngoài phố, Hopkins lên tiếng: “Một đứa trẻ xấu thì đã đành, trẻ con xấu mà còn đeo khuyên thì còn kinh khủng hơn”.

Kaite Hopkins nổi tiếng với bài đăng kích động trên mạng xã hội.

Với sự thô lỗ là công cụ và lượng theo dõi là động cơ, Katie Hopkins tìm thấy niềm vui bất tận trong việc đăng đàn lên tiếng về các vấn đề xã hội ở Anh. Năm 2015, khi đại dịch Ebola trở thành một nỗi kinh hoàng ở châu Âu thì Katie Hopkins lại nhìn ra đây là cơ hội để kích động phân biệt vùng miền.

Sau khi một nữ y tá người Scotland được đưa đi cấp cứu vì nhiễm Ebola khi đang công tác, Hopkins lên Twitter viết: “Dân Glasglow nhiễm Ebola được đưa vào chữa ở bệnh viện Hoàng gia miễn phí London. Ơ thế không đòi độc lập nữa à?”.

Động thái này của Hopkins khiến hàng nghìn người dân Anh Quốc cảm thấy phẫn nộ và khinh bỉ tột độ. Theo Independant, một lá đơn kiến nghị với sự ủng hộ của hơn 20.000 chữ ký yêu cầu cảnh sát hãy bỏ tù người đàn bà này vì tội phân biệt vùng miền. May cho Hopkins là hành vi này vẫn chưa được quy định trong luật hình sự Anh nên cảnh sát không thể truy tố cô.

''Không thấy quan tài không đổ lệ'', Katie Hopkins vẫn “ngựa quen đường cũ” sử dụng mạng xã hội để “kéo fame”.

Năm 2017, sau một sự vụ chính trị diễn ra ở châu Âu, “người phụ nữ bị ghét nhất nước Anh” lên Twitter kêu gọi có “biện pháp cuối cùng” với những người theo đạo Hồi. Bài đăng mang tính kích động hận thù này tạo nên một làn sóng chỉ trích dữ dội. Cư dân mạng nói đây là hành vi “mang tính phát xít” và “kỳ thị tôn giáo”.

Đợt phản ứng khủng khiếp lần thứ hai đã khiến Hopkins phải chùn bước. Cô thay “biện pháp cuối cùng” thành “biện pháp đúng đắn” trong một bài đăng khác và giải thích đó là do... lỗi đánh máy.

Kpop là nơi có nhiều quy định nghiêm ngặt về sử dụng mạng xã hội.

Tuy nhiên, lời phân trần của nữ MC không được chấp nhận. Đám đông cho rằng chính Hopkins mới là người phải nhận “biện pháp cuối cùng” chứ không phải người đạo Hồi. Nhiều người nổi tiếng trong ngành tuyên bố thề không lên đài nếu như Hopkins không bị sa thải.

Với chừng đó áp lực dư luận, đài LBC đã cho thôi việc Katie Hopkins. Theo BBC, thậm chí các đồng nghiệp làm cùng đài của Hopkins cũng không hề ưa cô. Ngay khi thông báo Hopkins dừng công tác được gửi đến bằng email, các nhân viên LBC đã ăn mừng như thoát khỏi bệnh dịch hạch.

Hậu quả vẫn bám đuổi Katie Hopkins vào năm 2018. Theo tờ Mirror, cô bị tịch thu hộ chiếu và giữ lại ở Nam Phi vì bị nhà chức trách địa phương kết tội “phát tán hận thù sắc tộc”. Cũng trong quãng thời gian ở đây, Hopkins bị phát hiện khi đang “phê” ketamin ở trên phố. Cô giải thích là để giảm đau do bị chệch khớp vai.

Huỳnh Dịch từng vướng ồn ào và phải nhờ pháp luật can thiệp cũng vì mạng xã hội.

Không chỉ có sao châu Âu mắc sai lầm

Ở Hàn Quốc, nơi nổi tiếng với quy định hà khắc về ứng xử trên mạng xã hội, vẫn có những trường hợp mắc sai lầm nguy hiểm. Năm 2009, Jay Park đã buộc phải rời 2PM sau khi có những lời chỉ trích Hàn Quốc trên MySpace hồi năm 2005 bị cư dân mạng "khai quật".

Do sinh trưởng tại Mỹ nên khi đến Hàn đầu quân cho JYP, Jay Park đã có quãng thời gian rất khó khăn và stress vì khác biệt văn hóa cũng như chưa thể làm quen được với lối sống của người Hàn. Thêm vào đó, lịch trình luyện tập dày đặc và khắc khổ cũng khiến anh bị “ức chế” nặng nề.

Vì vậy nên nam thần tượng đã vô tình tự đẩy mình vào “ngõ cụt” khi anh lên mạng xã hội đăng tải một dòng trạng thái bày tỏ thái độ không ưa và kỳ thị người Hàn.

Kết quả là rất đông cư dân mạng đã nổi giận và lên tiếng “tẩy chay” cũng như yêu cầu Jay Park phải rời khỏi 2PM. Mặc dù đã chính thức lên tiếng xin lỗi ngay sau đó nhưng dường như điều này vẫn không thể khiến cho công chúng nguôi giận. Kết quả là nam thần tượng đã phải rời khỏi nhóm và lên đường về Mỹ chỉ vài ngày sau đó.

Trung Quốc cũng là nơi có quy định về mạng xã hội rất nghiêm ngặt. Tài khoản Weibo của các ngôi sao không chỉ bị chịu quản lý bởi người đại diện mà còn phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền sở tại. Tuy nhiên, tháng 10/2011, hai kiều nữ ngành giải trí Hoa ngữ là Huỳnh Dịch và Hoắc Tư Yến đã khiến giới mộ điệu phải xôn xao.

Hoắc Tư Yến đã bóng gió với dòng chữ ám chỉ Huỳnh Dịch là kẻ “giả mèo khóc chuột”, lợi dụng cuộc hôn nhân ngắn ngủi trong 41 ngày để gây chú ý. Sau khi Hoắc Tư Yến “khai pháo”, Huỳnh Dịch cũng không vừa. Cô nhờ luật sư can thiệp, buộc Hoắc Tư Yến xóa nội dung đã viết và công khai xin lỗi. Vụ việc là trường hợp kinh điển của các sao khẩu chiến trên mạng dẫn đến sự phân giải của pháp luật.

Trong kỷ nguyên của mạng xã hội, mọi cập nhật, chia sẻ dù là nhỏ nhất của các sao đều bị chú ý một cách đặc biệt. Tất cả chia sẻ trên nền tảng số của người nổi tiếng đều được xem như phát ngôn chính thức của họ, thậm chí có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với xã hội.

Đôi khi, những chia sẻ trong một khoảnh khắc bốc đồng lại đem đến hậu quả khôn lường cho người đăng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích