Trấn Thành chia sẻ về sản phẩm phòng tránh đột quỵ trên YouTube
Vậy nếu khối u của nhân vật xưng là Vân Dung kia chỉ có 0,1x0,3mm thì một người bạn của NSND Hồng Vân cũng có khối u ở chỗ ấy lên tới 7cm cũng dùng thuốc ấy để “hô biến”. Clip Hồng Vân livestream quảng cáo loại viên sủi thực phẩm chức năng thần kỳ này có kịch bản an toàn hơn. Hồng Vân không lấy chính mình ra làm vật thử nghiệm, nên vẫn phát đều trên Facebook.
Báo chí gọi tên một loại diễn viên tự dưng chia sẻ có u xơ, u nang… rồi dùng cùng một loại viên sủi, rồi khối u nhỏ đi. Nào là NSND M.H, K.X, P.K.L. Diễn viên T.H thậm chí còn rớm nước mắt khi chia sẻ. Người ta tự hỏi các diễn viên đang dùng nghệ thuật diễn xuất vào việc gì? Nếu cho tất cả họ đi khám bệnh, kết quả có đúng như họ nói? |
Ông quyết định uống thuốc có nguồn gốc từ thảo dược và may mắn tìm được viên sủi hỗ trợ điều trị viêm gan G. với thành phần chính là cà gai leo. Tất nhiên sau đó các chỉ số của ông trở về bình thường, và ông vẫn tiếp tục uống duy trì.
Hồng Vân quảng cáo cho viên sủi chuyên trị u nang cho nhiều nữ diễn viên khác |
Những lời khẳng định rất thật của ông vẫn được lưu lại trên báo: “Khi tôi đến gặp bác sĩ, bác sĩ khám và thử máu cho tôi. Bác sĩ đưa cho tôi phiếu kết quả xét nghiệm này, ông nhìn tôi, mắt ông trố ra ông nói Trung Dân sao em làm được một điều phi thường, lội ngược dòng vậy… Em dùng cái gì, em có bí quyết, bí kíp gì phải không? Tôi cười nói có, tôi dùng sản phẩm kết hợp giữa khoa học hiện đại và các vị thuốc Đông y của Việt Nam là viên sủi hỗ trợ điều trị viêm gan G”…
Rất tiếc các giấy tờ ông đưa ra để chứng thực cho lời nói của mình đều bị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phủ nhận. Báo dẫn phát ngôn đanh thép của bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc bệnh viện: “Nghệ sĩ Trung Dân không chỉ vi phạm pháp luật với hành vi giả mạo hồ sơ, giả mạo bệnh nhân làm mất uy tín của bệnh viện, bác sĩ, lợi dụng danh tiếng của bệnh viện vào mục đích riêng mà còn khiến cho những bệnh nhân, người ái mộ ông tin tưởng vào sản phẩm ông giới thiệu, tự mua để sử dụng, bỏ qua khám và chỉ định điều trị chuyên khoa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng”. Kế đó, ông cho hay clip được chuyển tới cơ quan chức năng để làm rõ.
Nhưng khác với “ai đó”, nghệ sĩ Trung Dân lập tức nhận lỗi về mình. Những thông tin từ ông góp phần vén màn quy trình sản xuất clip quảng cáo trá hình lợi dụng tên tuổi người nổi tiếng. “Khi nhận lời quảng cáo, tôi xem qua những hội thảo của họ cũng có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như Quang Tèo, cũng lên sóng của truyền hình quốc gia nên tôi tin tưởng làm”, Trung Dân cho hay. “Thật sự, tôi không biết là vấn đề phải rành mạch ở chỗ giấy xét nghiệm đó phải có sự đồng ý của bệnh viện. Bên nhãn hàng và công ty quảng cáo họ lo xong phần thủ tục và đưa (kịch bản) bảo tôi nói thì tôi nói vì nghĩ các bên đã phối hợp với nhau một cách minh bạch”.
Như vậy những màn livestream giả vờ chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe của các ngôi sao chính là các clip quảng cáo với nội dung chuẩn bị sẵn. Nghệ sĩ chỉ việc diễn vai diễn của họ y như trong các vở kịch, bộ phim. Thông tin về sức khỏe của các nghệ sĩ do chính họ đưa ra trong các clip này hoàn toàn không đáng tin cậy.
Một sự việc đáng tiếc nữa, liên quan đến cố nghệ sĩ Chí Tài. Khi clip quảng cáo thực phẩm chức năng phòng tránh đột quỵ của ông vừa được đăng tải thì ít hôm sau ông ra đi vì chính căn bệnh đó (!). Trong nhiều clip, nghệ sĩ không ngại sử dụng sản phẩm mình quảng cáo để khêu gợi nhu cầu và khiến người xem tin tưởng. Nhưng đặc biệt với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe như mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng, chẳng có cơ sở nào khẳng định nghệ sĩ đã “thí nghiệm” chính trên cơ thể họ trong thời gian đủ dài. Như với Chí Tài là đủ để đẩy lùi đột quỵ (nếu “thuốc” kia thực sự có tác dụng) chẳng hạn.
Với người nổi tiếng, quảng cáo cho bất cứ sản phẩm nào cũng chỉ là công việc. Nhận tiền thù lao và làm. Ngày nay với sự phát triển rầm rộ của các nền tảng mạng xã hội cho phép người sử dụng tha hồ đưa thông tin không kiểm chứng, các ngôi sao trở thành nguồn tin hoạt động tích cực. Họ thu hút khán giả chẳng kém gì các kênh truyền thông chính thống (báo đài) trước đây. Và các nhãn hàng triệt để tận dụng điều này để đưa ra các nội dung quảng cáo giả livestream, giả chia sẻ tâm tình với người hâm mộ…
Trước thực trạng này, Luật Quảng cáo cần sớm được sửa đổi. Luật hiện chỉ mới quy trách nhiệm đối với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo, mà bỏ qua người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - tức các nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu... Dẫn đến hệ quả trong nhiều trường hợp mặc dù đã bị vạch trần sự gian dối, họ vẫn dễ dàng phủi trách nhiệm.
Gần đây rộ lên tranh luận khán giả - nghệ sĩ ai nuôi ai. Dĩ nhiên là bằng sản phẩm nghệ thuật - nghệ sĩ có những đóng góp đặc biệt, không thể thiếu cho xã hội. Nhưng khi lạm dụng chút thành công, tên tuổi mà mình có được để tham gia những sản phẩm quảng cáo trá hình này, họ đóng góp gì ngoài sự bất an và nỗi thất vọng?!
Theo TPO