Nên nhìn bằng con mắt thông cảm
Trước nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình với hình ảnh Hoa hậu Việt Nam 2020 ngồi ngang hàng với thầy Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng dưới cái nhìn của một người nghiên cứu văn hóa, TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, danh hiệu hoa hậu là một danh hiệu xứng đáng được tôn vinh trong xã hội hiện nay khi vương miện hoa hậu không chỉ là tôn vinh vẻ đẹp hình thức và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam mà còn là sự khẳng định những giá trị văn hoá của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Chính vì vậy, xã hội tôn vinh, kỳ vọng rất nhiều đối với các hoa hậu và cùng với đó cũng là soi xét nhiều hơn.
Trong bối cảnh như thế, trở thành hoa hậu đã rất khó khăn, giữ thương hiệu hoa hậu lại càng khó khăn hơn và nhiều khi trở thành trách nhiệm, thậm chí là gánh nặng đối với các hoa hậu.
Bức ảnh đăng tạo "sóng" dư luận nhiều giờ qua.
“Sau khi trở thành hoa hậu, họ không còn có một cuộc sống bình thường được nữa!”, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Ông Sơn cho rằng, để sống cuộc sống của một hoa hậu, nhiều khi các hoa hậu phải chấp nhận những phản ứng, đôi lúc thái quá của dư luận và phải tập làm quen với vị trí mới, áp lực mới.
“Tôi nghĩ, trường hợp của hoa hậu Đỗ Thị Hà phải được xét trong bối cảnh chung đó. Có những yếu tố khách quan khi các tổ chức, đoàn thể, địa phương muốn sử dụng thương hiệu hoa hậu để làm thương hiệu cho chính mình.
Các hoa hậu nhiều khi bị áp lực xã hội, khó từ chối những cuộc gặp, tiếp đãi mà đôi khi họ cũng không thích và cũng không có nghĩa vụ phải tham gia. Trong khi đó, theo tôi hiểu, các hoa hậu cũng chưa hoàn toàn chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt cho vị trí mới.
Những xung đột về tâm lý hay cú sốc về văn hoá khi chuyển đổi vị trí khiến họ có thể có những ứng xử chưa phù hợp và từ đó chịu những phán xét từ phía dư luận. Vì thế chúng ta nên nhìn bằng con mắt thông cảm”, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Về cách đón rước một nhân vật nổi tiếng nào đó hiện nay, TS Bùi Hoài Sơn nêu ý kiến: "Trong xã hội của chúng ta, việc tôn vinh một danh hiệu nào đó là nên làm, vì việc này có thể truyền cảm hứng, trở thành tấm gương cho những người khác, từ đó có tác dụng giáo dục đạo đức, nhân cách cho con người.
Tuy nhiên, cách tôn vinh cũng cần phải thể hiện sao cho thực chất, tránh việc hào nhoáng, hình thức thái quá. Hãy để hoa hậu được trực tiếp tâm sự về những nỗ lực, trải nghiệm mà họ đạt được để có danh hiệu đến với bạn bè, những người mà họ có thể trở thành tấm gương tốt.
Các tổ chức, đoàn thể, địa phương chỉ nên là những người đứng ra tổ chức sự kiện thật tốt, để những thông điệp của hoa hậu có thể đến một cách hiệu quả nhất với những người tham dự. Theo tôi, đó mới là cách làm hiệu quả và tránh được những hệ luỵ khác ăn theo danh hiệu hoa hậu”.
Đón rước rình rang gây khó xử cho hoa hậu
Chung quan điểm trên, TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) không phản đối việc các địa phương, đơn vị tổ chức đón hoa hậu. Tuy nhiên, một số nơi bày đặt rình rang, lãng phí, có thể gây khó xử cho chính người được đón rước.
“Việc bố trí bàn ghế, chỗ ngồi cũng cần được chú ý để không gây bất tiện cho người tham dự và không gây phản cảm cho người quan sát”, TS Khuất Thu Hồng nói.
Vị chuyên gia có nhiều đóng góp thúc đẩy sự bình đẳng cho phụ nữ cho hay, từ lâu bà "không ủng hộ thi hoa hậu nên có thể sẽ không khách quan” nhưng bà giữ quan điểm rằng xinh đẹp có thể là một tài sản nhưng không nhất thiết là một đóng góp cho cộng đồng.
Do vậy các đơn vị cũng nên cân nhắc việc đón rước.
Hoa hậu cũng nên kiểm tra trước việc mình được đón rước thế nào để tránh làm tổn hại hình ảnh của mình.
Sau tình huống hoa hậu trở về trường ngồi ngang hàng với thầy hiệu trường bị dư luận ném đá, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng sẽ có những bài học cụ thể.
Bởi lẽ, ứng xử trong xã hội nói chung, ở hoa hậu nói riêng rất cần có những nguyên tắc nhất định. Ai đó đã từng nói rằng, cuộc đời chính là một sân khấu lớn, ở đó, chúng ta cần ở đúng vai của mình. Điều đó có nghĩa là, với những vị trí, vai trò nhất định, chúng ta cần có những ứng xử phù hợp.
Tất cả điều này cần phải được học, được trang bị theo một cách thức nào đó. Không ai là hoàn hảo, tất cả chúng ta cần được học để trở thành những người phù hợp với vị trí của mình.
Xét ở cách tiếp cận ấy, các hoa hậu, đặc biệt là những người mới đăng quang sẽ phải tập làm quen với môi trường mới, nhiệm vụ mới và những trông đợi mới đối với vị trí mới của họ.
Bản thân hoa hậu phải thay đổi và những người thân, bạn bè xung quanh cũng cần phải hiểu và giúp đỡ hoa hậu trong việc làm quen với những cái mới này.
Cuộc sống con người luôn song hành được mất. Ở vị trí mới, cuộc sống hoa hậu sẽ có nhiều thứ được nhưng cũng có những thứ sẽ mất. Điều chắc chắn là họ sẽ không thể quay lại cuộc sống trước kia được nữa. Và chúng ta thì cần thông cảm, chia sẻ với hoa hậu để họ thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng rất nặng nề của mình: tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, đất nước và con người Việt Nam, truyền cảm hứng yêu thương và chia sẻ trong xã hội.
Theo Infonet