Video độc hại, YouTuber “dỏm”

Thứ bảy, 19/09/2020, 10:15
Khi YouTube trở thành “mỏ vàng”, cuộc đua Vlog bắt đầu rầm rộ, nhất là những người trẻ ngày càng nhanh nhạy với việc kiếm tiền từ mạng xã hội. Chính việc kiếm tiền khá dễ dàng từ đây đã khiến không ít người bất chấp thực hiện những video phản cảm, độc hại.

YouTuber truyền cảm hứng qua những câu chuyện du lịch và ẩm thực địa phương - một trong số những kênh Vlog có nội dung tốt

Ai cũng có thể làm YouTuber

Có một chiếc điện thoại tầm trung có thể quay phim chụp hình và kết nối Internet được thì bất kỳ ai cũng có thể tạo tài khoản và trở thành YouTuber. Chính việc tạo kênh Vlog dễ dàng cùng khoản lợi nhuận hấp dẫn khi video đạt mốc triệu view hay kênh đạt “nút vàng”, “nút bạc” khiến nhiều người nhanh chóng gia nhập vào đội ngũ YouTuber và sản xuất video liên tục.

Và cũng chính sự dễ dãi này, YouTuber chuyên nghiệp xây dựng vlog có giá trị thì ít mà YouTuber “dỏm” nhan nhản như nấm mọc sau mưa. Một thực tế hiện nay, không thể phủ nhận các video có nội dung xấu đa phần được tạo nên từ những tài khoản YouTuber “dỏm”. “Thử thách 24h làm chó”, “đốt nhà ông ngoại”, “tắm mắm tôm”, “đập nát son của chị chủ”… mang nội dung độc hại, thiếu giáo dục này nhưng lại thu hút người xem đáng kể với hơn 48.000 lượt xem trở lên. Và chủ nhân của những video này là các thanh niên trẻ, nghề nghiệp không ổn định và chưa hề qua trường lớp đào tạo về việc xây dựng video hay nội dung mạng xã hội.

Nhanh chóng khẳng định mình, tìm mọi cách tạo sức hút để lượt xem tăng lên và lượt xem càng cao thì tiền kiếm được càng nhiều… Những lý do này khiến các YouTuber bất chấp chiêu trò để câu view trong mỗi video, thậm chí là lệch lạc những chuẩn mực đạo đức, xã hội. Và nếu bên dưới các video, khán giả bình luận chỉ trích, lập tức chủ nhân các vlog này đáp trả ngay. Nhiều YouTuber cho rằng, vlog là kênh cá nhân tự do của riêng họ và họ có quyền “khác biệt” để video luôn nằm trong “tốp đầu”, dễ thu hút người xem.

Không ít lần những người làm nghề báo chí, truyền thông phiền toái trong lúc tác nghiệp khi các YouTuber chen ngang, cố giành lấy vị trí tốt nhất để quay video, còn lại mặc kệ ai làm gì. Hay các đám tang người nổi tiếng, đội quân này cũng túc trực vây kín bên ngoài để quay video, bất chấp phản ứng từ gia đình người quá cố và cộng đồng mạng. Trong những tình huống này, đôi khi bật lại thì cuộc cự cãi sẽ bắt đầu, thậm chí là đánh nhau.

Quay phim của một kênh truyền hình ngao ngán: “Thôi lùi lại cho lành, chứ lên tiếng là um sùm. Tôi nói mình quay phim để làm bản tin thời sự cho đài thì họ nghiễm nhiên nói kênh của họ còn nhanh hơn báo đài”.

Siết nhưng chưa chặt

Vừa qua, sự việc Hưng Vlog bị Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì video nấu cháo gà còn nguyên lông, một lần nữa cho thấy việc sáng tạo nội dung video trên mạng xã hội không đồng nghĩa với việc bất chấp những chiêu trò phản cảm. Số tiền mà các YouTuber trẻ hiện nay kiếm được từ việc sản xuất các video triệu view có lẽ vượt xa con số 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt được đưa ra để thấy rằng, pháp luật về quản lý nội dung mạng xã hội đang dần được siết lại.

Thời gian gần đây, YouTube bắt đầu siết chặt hơn những chính sách về quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của nội dung video được đăng tải. Hàng loạt kênh và video có nội dung xấu như: bạo lực, kích động, thiếu giáo dục, phản cảm… đã bị gỡ bỏ hàng loạt. Tuy nhiên, việc tạo lập tài khoản dễ dàng khiến kênh này không còn “câu view” được, các YouTuber liền lập kênh khác để tung hoành. Kênh T.M là một ví dụ, sau khi bị phản ứng vì video giết thịt động vật nghi có trong sách đỏ và mang tính bạo lực, chủ nhân kênh này tạm ngưng hoạt động một thời gian. Sau đó, T.M lập thêm 5 kênh khác để đăng tải video và các kênh này đều mang lại lợi nhuận bởi các video với nội dung nấu ăn để “troll” nhau đều cán mốc vài triệu view.

Bên cạnh các video nội dung, video đọc sách, đọc truyện cũng được đông đảo YouTuber trẻ xây dựng, nổi bật và thu hút nhất là thể loại đọc truyện ngôn tình. Người đọc thường là các bạn nữ có gương mặt dễ thương và nội dung là những truyện ngôn tình nước ngoài, có video dài hơn 2 giờ nhưng chỉ toàn miêu tả chuyện nam nữ hoặc những mối quan hệ gây tranh cãi…

Một cái chạm trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… bất kỳ ai cũng có thể xem video trên YouTube, một số video có cảnh báo “nội dung 18+”, “nội dung 16+”… nhưng hoàn toàn không có bất kỳ xác minh nào với người xem, chỉ cần click vào là xem ngay bất kể người dùng đang ở lứa tuổi nào. “Tôi cũng thường hay lấy điện thoại để dỗ con, cho tụi nhỏ xem video này kia trên mạng để đỡ chán. Có lần thấy con mải mê xem, khi nhìn lại tôi mới giật mình video này đang đọc truyện ngôn tình cho người lớn”, chị Lê Dương Thu Hằng (34 tuổi, ngụ quận 7) kể.

Không ít ý kiến cho rằng, trong nền tảng Internet, kiếm tiền từ việc sáng tạo video, các YouTuber xây dựng nội dung khác biệt so với chuẩn mực chung của xã hội hay làm lố cũng không sao, miễn view cao và hái ra tiền là được. Ý kiến này, không chỉ sai mà còn nguy hiểm, bởi tốc độ lan truyền của video trên mạng rất nhanh, những video độc hại được chia sẻ rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến nhận thức nhiều người, nhất là người trẻ.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn