Năm 2010, sau hai mùa lên sóng HTV, Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam) chuyển sang VTV và có mùa giải được đánh giá là thành công rực rỡ.
Đêm chung kết là cuộc đấu “ngang tài ngang sức” của Uyên Linh và Văn Mai Hương. Chung cuộc, Uyên Linh là người được xướng tên ở ngôi vị quán quân. Báo giới khen ngợi cô là “tiểu diva” của nhạc Việt.
Danh xưng “tiểu diva” khi đó nhận phản ứng từ một bộ phận giới làm nghề, trong đó có giám khảo của Vietnam Idol: Siu Black. “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên” cho rằng Uyên Linh chỉ vừa đạt quán quân của một cuộc thi, mới bước chân vào thị trường âm nhạc, không nên được ca ngợi quá mỹ miều.
Nhưng không chỉ Uyên Linh, hai năm sau, khi Hương Tràm là người được xướng tên ở vị trí cao nhất của The Voice of Vietnam (Giọng hát Việt), nhiều người cũng gọi cô là “tiểu diva” của nhạc Việt.
Thực tế, những danh vị cho giọng ca trẻ vốn khó tránh những tranh cãi nhưng cũng góp phần phản ánh về sức nặng và hiệu ứng của ngôi vị quán quân một thời.
|
Hoài Lâm từng là hiện tượng của thị trường nhờ thành công ở Gương mặt thân quen 2014. |
“Thời hoàng kim” của các quán quân âm nhạc
Trước khi đến với Giọng hát Việt 2012, Hương Tràm chỉ là cô gái 17 tuổi ở Nghệ An, rất ít người biết đến. Nhưng khi biểu diễn I Will Always Love You, chọn vào đội Thu Minh và trở thành quán quân cuộc thi vào 6 tháng sau đó, cô trở thành một hiện tượng.
Hương Tràm bước chân rất nhanh vào thị trường, được trao Nghệ sĩ trẻ triển vọng tại giải Âm nhạc Cống hiến 2013 và liên tiếp có sản phẩm âm nhạc mới.
Trước khi tạm dừng ca hát và sang Mỹ vào giữa năm 2019, Hương Tràm vẫn được đánh giá là gương mặt nổi bật, có nhiều hit trên thị trường. Trong bối cảnh phần lớn ca sĩ chỉ làm MV và chạy show, cô cũng là giọng ca nữ 9X hiếm hoi đã tổ chức live show cá nhân tại không gian nhà hát.
Nhưng, Hương Tràm không phải quán quân duy nhất thành công. Trong thời kỳ hoàng kim của game show âm nhạc, loại hình này là bệ phóng của không ít tài năng trẻ. Ngoài Uyên Linh (quán quân Vietnam Idol 2010) hay Hương Tràm (quán quân Giọng hát Việt 2012), Hoài Lâm (quán quân Gương mặt thân quen 2014) cũng là những cái tên nổi bật.
|
Uyên Linh từng chia sẻ với Zing rằng cô thích được gọi là "tiểu diva". Ảnh: Bá Ngọc. |
Không chỉ hiệu quả cho các quán quân, game show âm nhạc một thời còn là bệ phóng cho cả những người không chiến thắng. Những vị trí như á quân, thậm chí top 3, top 4, top 6 của các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế cũng từng được cho là đắt giá.
Văn Mai Hương (á quân Vietnam Idol 2010), Phương Mỹ Chi (á quân Giọng hát Việt nhí 2013), Vũ Cát Tường (á quân Giọng hát Việt 2013), Bùi Anh Tuấn, Trúc Nhân (top 8 Giọng hát Việt 2012), Bích Phương (top 7 Vietnam Idol 2010)… đều gặt hái được thành công riêng.
Game show âm nhạc từng góp phần thay đổi cục diện trên sóng giờ vàng cuối tuần. Đó cũng là nơi phát hiện và bồi dưỡng những gương mặt tài năng và đa dạng cho thị trường nhạc Việt. Nhiều ca sĩ nổi bật hiện nay có xuất thân từ các game show, chương trình truyền hình thực tế.
Tuy nhiên, sau thời gian bùng nổ, game show âm nhạc chuyển sang giai đoạn bão hòa, giảm rating và giá quảng cáo. Ngôi vị quán quân, do vậy, cũng không còn là bệ phóng đắt giá như trước.
Ngôi vị quán quân ngày càng mất giá
Game show âm nhạc bùng nổ trên sóng giờ vàng trong giai đoạn 2010-2016 với hàng loạt chương trình như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Vietnam Idol, Vietnam Idol Kids, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Nhân tố bí ẩn, Hòa âm ánh sáng.
Sau Sing My Song (2016), game show, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc bước vào giai đoạn thoái trào. Dàn giám khảo quen mặt, format thiếu đổi mới và đặc biệt là thí sinh tài năng ngày càng khan hiếm. Nói như ngôn ngữ của giới trong nghề là “hết nạc vạc đến xương”, các cuộc thi ít dần những hiện tượng, trong khi quán quân đôi khi là “so bó đũa chọn cột cờ”.
Những quán quân mùa giải gần đây của Giọng hát Việt như Ali Hoàng Dương (2017), Trần Ngọc Ánh (2018) hay Đức Thịnh (2019) đều không còn là hiện tượng âm nhạc. Dù được đánh giá là nổi bật nhất trong lứa cùng thi, tất cả đều loay hoay khi bước chân vào thị trường.
Gương mặt thân quen cũng rơi vào trường hợp tương tự. Những quán quân như Bạch Công Khanh (2016), Jun Phạm (2017), Duy Khánh (2018) hay Nhật Thủy (2019) đều không nổi bật như Khởi My (2013) hay Hoài Lâm (2014).
Nhật Thủy thậm chí từng đạt quán quân Vietnam Idol mùa thứ 5, giải ba Gương mặt thân quen mùa thứ 3 và tiếp tục là quán quân Gương mặt thân quen mùa thứ 7 (2019) nhưng vẫn không thể trở thành ca sĩ top đầu của thị trường. Cô, đến nay, chưa có bất cứ bản hit hay album nào.
Song, không chỉ những cuộc thi thiên về nhạc pop, các quán quân game show bolero cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong thời kỳ bùng nổ (2016-2019), game show nhạc bolero đưa không ít giọng ca lên ngôi vị quán quân. Nhưng trong số đó, không dễ để tìm được một gương mặt vượt trội, ghi dấu ấn ở làng nhạc.
Trần Ngọc Ánh, trong một bài phỏng vấn với Zing, công nhận rằng sức nóng của game show, truyền hình thực tế về âm nhạc không còn được như thời kỳ đầu.
“So với những năm trước, đúng là những năm gần đây game show âm nhạc không được phủ sóng và 'hot' như ngày xưa, bây giờ có quá nhiều thứ để mọi người quan tâm. Có một lượng khán giả xem tivi sẽ nhận ra tôi, còn cũng có người: Ồ nhìn em giống nghệ sĩ nhỉ? Em tên là gì đấy? Trần Ngọc Ánh à? Search tên em thì có ra hay không?”, nữ ca sĩ chia sẻ.
|
Trần Ngọc Ánh thừa nhận ngôi vị quán quân không còn đắt giá như xưa. Ảnh: Anh Khoa. |
Câu chuyện của Trần Ngọc Ánh cũng là vấn đề mà nhiều quán quân âm nhạc hiện nay phải đối mặt, đó là ngôi vị mà họ có được đã không còn thực sự đắt giá. Những quán quân có dấu ấn, cá tính và phong cách riêng ngày càng khan hiếm.
Giới quan sát âm nhạc đang chờ đợi Rap Việt và King of Rap - hai game show âm nhạc về rap đang lên sóng - sẽ làm được điều đó. Bởi lẽ, trái với pop vốn đã bị khai thác quá nhiều, rap lần đầu tiên lên sóng truyền hình ắt hẳn có nhiều tài năng chưa được phát lộ.
Theo Zing