Game show, đặc biệt show hẹn hò, là "món ăn" chưa bao giờ hết hot trên "bàn tiệc" truyền hình. Khán giả theo dõi Người ấy là ai, Quý ông đại chiến, Tình yêu hoàn mỹ... thích thú với việc nam thanh, nữ tú tụ họp và cùng tìm ra "cực phẩm", ghép đôi cho những người đang đi tìm kiếm tình yêu.
Nhưng không món ăn nào có thể làm vừa lòng tất cả thực khách. Tương tự, cũng không game show hẹn hò/tình cảm nào khiến khán giả ưng ý trọn vẹn.
Ngày 4/8, ca sĩ Đức Tuấn đưa ra quan điểm về format show hẹn hò hiện nay: "Các anh có thể đẹp trai, thân hình tuyệt mỹ, lãng mạn, giỏi giang trong lĩnh vực nào đấy. Nhưng các anh không phải là người đàn ông bản lĩnh, chững chạc, đáng tin cậy khi nhận lời đứng đó cho 6-7 người soi mói quần áo, đồng hồ, bông tai... rồi bình phẩm, cười nói".
Sau cùng, anh viết: "Thời buổi này, là những cậu bé có rating cao vẫn tốt hơn người đàn ông chững chạc, bản lĩnh, nhỉ?".
Ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ quan điểm trái chiều về việc các thí sinh nam chấp nhận bị đánh giá, bình phẩm trong show truyền hình. Ảnh: Đông Tây Promotion. |
Chia sẻ của Đức Tuấn nhận về nhiều bình luận. Nhiều người có cùng quan điểm với anh. "Tôi đồng ý với quan điểm của ca sĩ Đức Tuấn. Đàn ông thực sự bản lĩnh, chững chạc không tham gia mấy chương trình để thiên hạ bình phẩm đồng hồ, quần áo, đầu tóc của họ rồi cười đùa. Đối với đàn ông có lòng tự trọng, đó là sự xúc phạm. Còn người đàn ông chấp nhận đánh đổi lòng tự trọng của mình lấy sự nổi tiếng thì... Mà thôi, đó là sự lựa chọn của họ", khán giả M.C đưa ra ý kiến.
"Cuối cùng cũng có người nói lên nỗi lòng của tôi. Thực lòng, tôi không thể xem được những chương trình mà đàn ông đứng lên chờ được đánh giá, bình phẩm như những món hàng", "Thì ra chẳng phải mình tôi thấy game show kiểu này không hay", "Riêng tôi cho rằng hành động bình phẩm, xét nét người chơi nam không văn minh"... là những bình luận cùng quan điểm với Đức Tuấn.
Ca sĩ Thu Minh cũng bày tỏ: "Chuyện này chị có cùng quan điểm".
Bên cạnh đó, không ít khán giả cho rằng nam ca sĩ quá xét nét, khắt khe với chương trình giải trí trên sóng truyền hình. Dân mạng có biệt danh L. viết: "Chương trình giải trí đơn giản là để giải trí, tại sao phải đánh giá bằng góc nhìn nghiêm trọng như vậy?".
"Nếu anh (Đức Tuấn - PV) có thời gian thì nên tự lo việc của mình, không nên tham gia vấn đề khác", "Nhưng đàn ông bản lĩnh cũng không nên dùng mạng xã hội để nhận xét người khác như anh chứ?", "Đức Tuấn sân si với chương trình?"... là các bình luận phản đối suy nghĩ của ca sĩ Đức Tuấn trên trang cộng đồng.
Đặc biệt, trên các trang cộng đồng, khán giả tranh luận căng thẳng về ý kiến của giọng ca 40 tuổi.
Đây không phải lần đầu khán giả lên tiếng về hình thức người chơi nam bị dàn cast nữ đánh giá như món hàng. Dân mạng từng đưa ra ý kiến trái chiều về cách dàn dựng của Quý ông đại chiến. Một số khán giả tỏ ra không hài lòng với việc dàn cast nữ gồm Ninh Dương Lan Ngọc, Hương Giang, Hari Won, Lâm Vỹ Dạ thường tương tác thân mật, tán tỉnh và bình phẩm người chơi nam một cách kém tinh tế.
Nhiều khán giả không đồng tình với việc đàn ông bị đánh giá như những món hàng trên game show. Ảnh: BTC. |
Show Người ấy là ai gọi người chơi nam là "cực phẩm", Quý ông đại chiến phong cho các chàng trai đến tham dự show là "quý ông". Những "cực phẩm", "quý ông" đến với chương trình đều có ngoại hình đẹp, chiều cao nổi trội và profile (hồ sơ cá nhân) hoành tráng. Họ mặc suit bảnh bao, dùng những lời lẽ, hành động đẹp đẽ nhất để thu hút sự chú ý của hàng trăm khách mời nữ cùng nhóm bình luận viên là nghệ sĩ nổi tiếng.
Công bằng mà nói, đây là format thú vị. Rating ổn định và lượng khán giả luôn trông đợi từng mùa cũng cho thấy sức hút của chương trình.
Có ý kiến cho rằng các show trên mua format từ chương trình ăn khách nước ngoài nên nghiễm nhiên hưởng ké sức hút từ bản gốc. Nhưng nhận định này có phần không đúng khi nói về format gốc của Quý ông đại chiến.
Chương trình gốc của Người ấy là ai tại Thái Lan có tên Roo Mai Krai Sod, xuất hiện lần đầu năm 2016. Trong khi đó, bản gốc Quý ông đại chiến đã lên sóng từ năm 1992 - thời điểm khán giả Việt Nam hầu như chưa biết game show truyền hình là gì.
Bản gốc của Quý ông đại chiến có tên Mann-o-mann, được phát trên kênh Sat.1 của Đức từ năm 1992-1995. Chương trình được bán bản quyền cho 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các nước từng mua bản quyền chương trình đều đã ngừng phát sóng từ năm 2000, riêng phiên bản Italy kéo dài đến năm 2003.
|
Format gốc do Đức sản xuất và các phiên bản quốc tế của Quý ông đại chiến đã lên sóng từ thập niên 1990. Ảnh: Chụp màn hình. |
Phiên bản Việt lên sóng lần đầu vào năm 2018, chậm hơn phiên bản gốc 26 năm và sau khi các phiên bản quốc tế dừng phát sóng tới gần 2 thập kỷ. Do khoảng cách thời gian quá dài, một số ý kiến cho rằng format hàng trăm cô gái chấm điểm, đánh giá về các chàng trai đứng trên sân khấu đã lỗi thời.
Thực tế, giới trẻ ngày càng nâng cao nhận thức về văn minh và bình quyền. Trong mắt không ít người, việc để các chàng trai bước lên sân khấu, để khách mời nữ đụng chạm, nhận xét, thậm chí tán tỉnh có phần không văn minh.
"Nhận xét cũng được, nói đùa một chút cũng được, nhưng tôi nghĩ mọi lời nói đều nên có giới hạn. Có những tập tôi và bạn bè đều thấy dàn bình luận viên hơi sỗ sàng, đụng chạm nam giới hoặc tán tỉnh theo cách kém duyên, nếu quy ra một cách rõ ràng thì có thể gọi là quấy rối nhẹ", M.H - khán giả theo dõi Quý ông đại chiến và Người ấy là ai nhận xét.
Trong phiên bản gốc và các phiên bản của Anh, Australia, Mỹ... 10 thí sinh nam so tài năng nghệ thuật, khả năng trò chuyện, vóc dáng hay thẩm mỹ thời trang trên sân khấu và kết quả loại được đưa ra sau khi tổng hợp đánh giá của khán giả nữ ở trường quay. Suốt cuộc thi, một mình MC nam dẫn dắt trên sân khấu, dàn người mẫu hoặc khách mời nữ (ở bản Anh) chỉ xuất hiện để đẩy người bị loại xuống hồ nước.
Giống như khán giả Việt, khán giả ở các phiên bản nước ngoài được sắp xếp ngồi khá xa sân khấu, không được tiếp xúc với nam thí sinh.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa bản Việt với bản quốc tế chính là ban bình luận gồm các nghệ sĩ nữ nổi tiếng. Ban bình luận xuất hiện trong bản Việt được cho khá nhiều thời lượng để trình diễn, nói chuyện, nhận xét thí sinh nam. Những hành động, lời nói được cho là kém duyên, hơi sỗ sàng cũng xuất hiện khi ban bình luận tương tác với thí sinh.
Nói về việc thêm ban bình luận gồm những nghệ sĩ vào game show Việt, K - biên kịch game show truyền hình - cho biết: "Tâm lý người Việt vốn thích xem người nổi tiếng. Tôi cho rằng nếu giữ nguyên format gốc, tức là chỉ có khán giả tương tác với những chàng trai vốn cũng là người bình thường, thì chẳng ai có hứng thú xem chương trình. Sửa format, thêm ban bình luận là việc bắt buộc phải làm, nếu không dàn dựng như vậy, game show sẽ chết".
Tiếp tục trả lời Zing, biên kịch trên cho biết đứng trên góc độ làm nghề, cô đồng tình với việc thêm thắt các tình huống tán tỉnh, nhận xét hay trêu chọc thí sinh nam trong các chương trình theo mô-típ "đi tìm cực phẩm".
Cô nói: "Chương trình nào cũng cần rating, cần yếu tố hút view. Nhưng đứng trên góc độ khán giả, tôi cũng cho rằng có nhiều lần nghệ sĩ nữ diễn hơi quá. Nếu không tinh tế, khán giả sẽ có ý kiến".
|
Theo biên kịch có tiếng trong mảng game show, dàn khách mời nghệ sĩ là nhân tố hút view chính của mỗi chương trình. Ảnh: BTC. |
Biên kịch chia sẻ thêm: "Tôi lấy ví dụ, nếu bạn nghệ sĩ nữ góp mặt trong ban bình luận thường giữ thái độ bình ổn, đánh giá công tâm, lịch sự, thì khi bạn bất chợt nhiệt tình 'thả thính' với một thí sinh, khán giả sẽ hiểu rằng bạn thực sự ấn tượng với người này. Nhưng nếu tập nào bạn cũng vồ vập như vậy, thì hành động có thể trở nên nhàm chán. Thậm chí, người xem cũng biết bạn chỉ đang diễn mà thôi".
Không phải là người chịu trách nhiệm nội dung của Người ấy là ai hay Quý ông đại chiến, K cho biết cô chỉ nhận xét trên góc độ quan sát khách quan. "Nếu tôi làm trong ê-kíp show, tôi sẽ góp ý về việc nghệ sĩ nữ quá vồ vập với thí sinh nam. Biên kịch, đạo diễn cũng nên nhắc nhở nghệ sĩ tiết chế hành động, sao cho vừa hài hước, vừa duyên dáng, đáng yêu".
Với Người ấy là ai, chương trình nhận được sự ủng hộ lớn của khán giả, thường nằm trong top các show có rating cao. Phần đông khán giả khá thích cách trò chuyện, dẫn dắt của Trấn Thành cũng như Hương Giang - hai trụ cột của chương trình. Không khó nhận ra cả hai người đều bị ảnh hưởng bởi cách nói chuyện, trêu đùa của dàn cast người Thái trong bản gốc.
Khán giả Việt Nam và Thái Lan có "gu" xem truyền hình không quá chênh lệch. Đây được cho là một phần lý do khiến các chương trình mua format từ Thái nở rộ trên truyền hình Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Nhưng mặt khác, vẫn nhiều khán giả không hợp và yêu thích cách đùa giỡn, tương tác kiểu Thái, điển hình là trong Người ấy là ai. "Tôi có thể xem phim Thái, nhưng show truyền hình của nước bạn có cách nói đùa và phản ứng hơi lố, khi đọc vietsub đôi khi thấy kém duyên", khán giả M.H tiếp tục đưa ra quan điểm.
Phần lớn thời lượng chương trình là màn tương tác giữa nghệ sĩ nữ và thí sinh nam. Ảnh: BTC. |
M.H nói thêm: "Chưa nói về việc trêu đùa không hợp 'gu', nhưng chính Người ấy là ai cũng có những phần mà khách mời, MC tương tác với thí sinh nam hơi quá đà. Đôi khi tôi quên mất chương trình có nhân vật nữ chính, bởi chiêu trò tán tỉnh, trêu đùa của khách mời đã lấn át hết sự chú ý rồi".
Nói về những chương trình "tìm cực phẩm" và loạt trò đùa tán tỉnh của ngôi sao nữ, người dùng mạng T. cũng chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân: "Game show bây giờ dàn dựng theo hướng hút view để kiếm tiền, chiêu trò giải trí. Ê-kíp sản xuất không biết nhiều người đang bị béo phì tinh thần vì những 'món ăn' thừa chất".
Theo Zing