Choáng ngợp vì “bom tấn” Hollywood
Thông thường hàng năm khi mùa phim hè khai mào, các phim bom tấn lại nô nức ra rạp và cạnh tranh doanh thu phòng vé. Câu chuyện cũng không quá ngạc nhiên vì cùng với mùa phim Noel (ở nước ngoài) và phim Tết (ở 1 số thị trường trong đó có Việt Nam) mùa phim hè là thời điểm hốt bạc của các nhà sản xuất và phát hành.
Ba bộ phim vượt doanh thu 1 tỉ đô la trong năm 2011 là bằng chứng dư sức thuyết phục. Vậy nên, mùa phim 2012 các nhà sản xuất và phát hành mặc sức tung hô cho các “bom tấn” cũng không phải điều viễn tưởng.
The Anvengers xứng danh bom tấn xịn
Khởi đầu cho mùa bom tấn 2012 là bộ phim “xứng tầm” – The Avengers. Nếu như Iron Man 2 được coi là sự mở màn hoàn hảo cho mùa phim năm 2011 thì với The Anvengers sự thành công của nó đã vượt xa sự mong đợi.
Đầu tư hơn 220 triệu đô kinh phí sản xuất, tính đến thời điểm này phim sắp chạm ngưỡng 1,4 tỉ đô la và đứng thứ 3 danh sách các phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Cái mác bom tấn xịn của The Avengers có lẽ không cần bàn thêm hay có điểm gì để phải nghi ngờ.
Hậu The Avengers cuộc cạnh tranh của các bom tấn trong mùa phim hè 2012 bắt đầu vào cuộc. Đều có mức đầu tư >100 triệu đô la, thậm chí lên đến 225 triệu đô la như Men In Black 3 nên các phim không tiếc tiền đầu tư mạnh cho các chiến dịch PR.
Và thực sự nếu nhìn vào danh sách các phim, khán giả toàn cầu không khỏi choáng váng. Có thể kể đến những cái tên như: Battleship (kinh phí 209 triệu đô), Snow White and the Huntsman (170 triệu đô), Madagascar 3: Europe's Most Wanted (145 triệu đô), Dark Shadows (150 triệu đô)…
Tuy nhiên, ngốn một số vốn khổng lồ nhưng không phải bộ phim nào cũng thu về được kết quả như mong đợi. Điển hình như trường hơp của Battleship sau 3 tuần ra rạp ở Bắc Mỹ hiện mới thu về con số khiêm tốn hơn 55 triệu đô (doanh thu toàn cầu khoảng 240 triệu đô la).
Mùa phim bom tấn 2012 ở Hollywood bùng nổ các phim lớn
Mùa phim bom tấn năm 2012 này sắp tới còn chứng kiến sự trỗi dậy của các siêu phẩm như: The dark knight rises, The Hobbit: An unexpected journey, The amazing spider-man… Không nghi ngờ gì khi các bộ phim này dư sức thu về những thành tích lẫy lừng phòng vé. Kết quả cuối cùng về sự thành công mĩ mãn như thế nào chắc chắn khi ra rạp con số doanh thu thực tế sẽ là bằng chứng thiết thực nhất.
“Bom xịt” đua cùng “bom tấn”
Thực tế cho thấy, không phải bất cứ bộ phim nào được gắn mác bom tấn cũng là bom tấn xịn. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả tại Hollywood, khái niệm này đôi khi cũng bị “lập lờ đánh lận con đen”. Điển hình rõ rệt nhất cho trường hợp này phải kể đến Hunger Games.
Mặc dù chỉ bỏ ra 78 triệu đô la kinh phí sản xuất nhưng doanh thu bộ phim thu về quá ấn tượng (hiện gần đạt mức 400 triệu đô tại Bắc Mỹ) nghiễm nhiên được xếp vào hàng bom tấn. Nếu xét ở góc độ thành công về mặt doanh thu, bộ phim dư sức đạt chuẩn.
Tuy nhiên, nếu theo định nghĩa bom tấn thì có lẽ bộ phim còn phải chạy dài. Dẫu vậy, cho đến giờ người ta vẫn quen miệng gọi Hunger Games là bom tấn ở Hollywood. Trường hợp của The Bourne Legacy với kinh phí đầu tư 90 triệu đô la hay Intouchables với kinh phí đầu tư chỉ khoảng 12 triệu đô cũng được xếp hàng bom tấn.
The Bourne Legacy với kinh phí sản xuất khoảng 12 triệu đô cũng được xếp hàng là bom tấn
Có một thực tế cho thấy, cách gọi bom tấn xem như một chiêu PR vì bản thân khán giả khi nghe tên gọi đó đều nghĩ đó sẽ là bộ phim đình đám. Vì lí do đó cho nên, tại Việt Nam khái niệm bom tấn trở nên quá dễ dãi và bất cứ bộ phim nào cũng có thể được gắn mác này một cách dễ dàng.
Trường hợp gần đây nhất của Bẫy cấp 3 mặc dù bị cấm chiếu nhưng trên rất nhiều phương tiện truyền thông cũng gắn mác “Bom tấn Việt". Trước đó, các bộ phim như: Hotboy nổi loạn, Thiên mệnh anh hùng, Cưới ngay kẻo lỡ, Để mai tính, Long Ruồi… cũng được PR rình rang là các phim bom tấn Việt.
Nếu xét về kinh phí đầu tư, cao nhất như trường hợp của Thiên mệnh anh hùng (khoảng 25 tỉ) thì cũng phải chạy dài mới có thể được gọi bom tấn. Có chăng, cách gọi này để “vui cả làng” hoặc giả phim Việt đang tự đặt ra cho mình một chỉ tiêu bom tấn made in Việt Nam không giống ai.
Ngay cả bộ phim có kinh phí 25 tỉ của Việt Nam cũng được gọi là "bom tấn"
Bom tấn: Hiểu thế nào cho đúng
Thực tế cho thấy ngay cả ở kinh đô điện ảnh Hollywood khái niệm bom tấn cũng thường xuyên thay đổi và các chuẩn mực để các phim xếp vào danh sách này cũng nhiều tiêu chí.
Khái niệm bom tấn, tên tiếng Anh gốc là blockbuster bắt đầu xuất hiện từ trước những năm 1975 sau thành công của hàng loạt các bộ phim đình đám như: Jaws, Quo Vadis, The Ten Commandments, Gone With the Wind và Ben-Hur...
Khái niệm bom tấn bắt đầu được gọi dựa trên số tiền mà các bộ phim này kiếm được tại các phòng vé. Trong đó, Jaws được coi là bộ phim mở màn “kỉ nguyên bom tấn” ở Hollywood khi đã thu về doanh số 100 triệu đô ở thời điểm đó.
Sau cột mốc này, các công ty sản xuất phim ở Hollywood bắt đầu vào cuộc đua đầu tư kinh phí sản xuất cho phim ảnh. Spielberg và nhà sản xuất sau đó George Lucas (chủ sở hữu của series Star Wars) là hai trong số những cái tên nhạy bén góp phần đưa kỉ nguyên bom tấn phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tiêu chí để xếp hạng một bộ phim vào danh sách bom tấn dựa trên rất nhiều căn cứ khác nhau. Tuy nhiên các tiêu chí như: kinh phí đầu tư, số tiền thu về, danh sách tham gia của các sao lớn… là những tiêu chí được đề cập đầu tiên.
Những bom tấn đáng nể ở Hollywood cả về kinh phí đầu tư cũng như doanh thu
Riêng về kinh phí đầu tư, một thời gian các nhà làm phim đặt ra mục tiêu các phim có mức đầu tư tối thiểu 200 triệu đô mới được xếp là phim bom tấn. Trong khi đó, thời gian gần đây tiêu chí cho một bộ phim bom tấn xem chừng dễ thở hơn: kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu đô, thu về doanh số đầu tư trong một thời gian ngắn, nội dung đặc sắc, đứng top bảng xếp hạng, kỹ xảo hoành tráng, diễn viên “xịn”…
Thậm chí, một số nhà làm phim còn đưa ra tiêu chí: phim có sức ảnh hưởng lâu dài thậm chí sau khi không công chiếu tại các rạp phim. Điều này tức là phim sẽ được sản xuất thành DVD bán trên thị trường hoặc tính phí khi tải về từ internet. Theo thời gian, rất nhiều bộ phim đã đáp ứng đầy đủ tất cả các nhu cầu nói trên mà điển hình nhất là TITANIC khi nó vừa được phát hành lại dưới định dạng 3D.
Bom tấn hay không bom tấn đó là một cách gọi. Tuy nhiên, việc sử dụng một cách tràn lan như hiện nay ở cả Tây và ta khiến khán giả trở nên chán ngán. Tất nhiên, với những bom tấn thật sự vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Và ngược lại, rất nhiều bộ phim kinh phí thấp vẫn dư sức đứng vững trên thị trường và gặt hái thành công vang dội.
Theo 24h