Hollywood đang phải trả giá

Thứ tư, 25/07/2012, 11:06
Lịch sử điện ảnh Hollywood không thể nào xóa được thảm họa kinh hoàng này, như một chứng tích buộc tội chính Hollywood - nơi đã bình thản xem bạo lực như một trò giải trí, khai thác cật lực để mua vui cho khán giả toàn cầu.


>>Hollywood sốc trước vụ xả súng ở buổi chiếu ‘Batman 3’ 
>>Những anh chàng họ Lee đứt gánh đường tình
>>Yoon Eun Hye bị tố cướp người yêu 
>>Khi sao Hollywood làm phù dâu


Vụ xả súng thương tâm làm 14 người tử vong và 58 người bị thương tại rạp chiếu phim Century 16 trong buổi ra mắt phần 3 của loạt phim Người dơi tại TP Denver (bang Colorado, Mỹ) vừa qua một lần nữa đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng quá nhiều phim bạo lực được trình chiếu trong những năm qua mà “nguồn cung” chính là Hollywood.

Reuters vừa đưa tin sau vụ thảm sát làm rúng động nước Mỹ, hãng Warner Bros đã phải xem xét lại mức độ bạo lực trong bộ phim Gangster Squad (dự kiến được ra mắt vào ngày 7-9 tới).

Đây cũng là bộ phim có nhiều cảnh bắn giết, bạo lực, có cả đoạn nhân vật là một người đàn ông xả súng vào khán giả trong rạp chiếu phim. Với một đất nước mà nền điện ảnh hàng thập kỷ qua đầy rẫy hình ảnh bạo lực thì chuyện xả súng giết người trên phim xem ra chỉ là chuyện thường tình, cho đến khi những hình ảnh đó xuất hiện trong đời sống thật, trở thành nỗi kinh hoàng, tang thương cho hàng triệu người.
 

Nhân vật máu lạnh Joker trong loạt phim Người dơi đã góp phần gây nên thảm họa, khi kẻ sát nhân James Holmes nghĩ mình là nhân vật trên phim, lạnh lùng xả súng vào hàng trăm người. 

Phim về các nhân vật siêu anh hùng, hành động, tội phạm gần như đã trở thành cái kho vô tận để các nhà làm phim Hollywood khai thác. Câu chuyện chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng được thêm gia vị của bạo lực.

Những kẻ sát nhân máu lạnh, những cuộc tàn sát không cần lý do. Khi nội dung phim không gì khác hơn ngoài chuyện một nhân vật anh hùng trỗi dậy chống lại thế lực đen tối, những cuộc truy đuổi tội phạm hay những cuộc tàn sát đẫm máu chỉ vì trí tưởng tượng bệnh hoạn của các nhân vật trong phim thì mức độ bạo lực, bắn giết cũng được khai thác tối đa, làm “nền tảng” để bán sự gay cấn, hồi hộp cho khán giả.

Nhưng điều đọng lại của những bộ phim có quá nhiều yếu tố bạo lực này là gì?

Gần như không gì ngoài những pha rượt đuổi kịch tính đến thót tim, nếu có thì đó là những nỗ lực hóa thân trọn vẹn của các diễn viên. Công chúng càng lúc càng quen dần với những hình ảnh bạo lực, xem đó chỉ là trò giải trí trên màn ảnh rộng nhưng quên mất rằng cái gì lâu ngày cũng có thể tích tụ thành một khối ẩn tàng.

Người đọc sách nhiều sẽ dần dần thẩm thấu được giá trị của con chữ, tương tự như vậy, người say mê phim ảnh sẽ ít nhiều bị tác động bởi những câu chuyện, tư duy hình ảnh trên phim. Nghệ thuật là một cánh cửa để mỗi người tự tìm cách khơi gợi, mở lối cho tâm hồn nhưng một khi lấn sâu vào những giá trị không tương thích thì sẽ không ai lường trước được nó có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống.

14 mạng người nằm xuống tại buổi ra mắt phim The Dark Knight Rises (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy) tại Colorado không giản đơn như chuyện nhân vật trên phim xả súng giết người rồi bình thản bước qua những xác chết; công chúng cũng không thể bình thản như khi rời khỏi rạp sau một bộ phim bạo lực.

Nỗi ám ảnh, bàng hoàng, những giọt nước mắt đau đớn của nạn nhân trong thảm họa kinh hoàng này sẽ mãi mãi hằn lại trong trái tim của hàng triệu người. Lịch sử điện ảnh Hollywood không thể nào xóa được thảm họa kinh hoàng này, như một chứng tích buộc tội chính Hollywood - nơi đã bình thản xem bạo lực như một trò giải trí, khai thác cật lực để mua vui cho khán giả toàn cầu.

Chia sẻ nỗi đau buồn, thương tiếc về vụ thảm sát, nhiều ý kiến của các sao Hollywood cho rằng cũng đừng nên xới tìm nguyên nhân. Nhưng vẫn có thể thấy rõ ràng đó chính là hậu quả nhãn tiền của một nền điện ảnh dung chứa yếu tố bạo lực.




Theo Nguoilaodong 

Các tin cũ hơn