28 năm cho 87 phút trên phim

Chủ nhật, 14/10/2012, 10:15
Thai nghén từ năm 1984, phải tới năm 2012, "Frankenweenie" mới ra mắt công chúng. Hơn 200 con rối và bối cảnh đã được tạo ra cho bộ phim và mỗi tuần 1 chuyên viên hoạt họa chỉ có thể sản xuất ra 5 giây.
 

Một cảnh trong phim.
 
"Frankenweenie" (Chó ma Frankenweenie) là bộ phim hoạt hình 3D đen trắng mới nhất của đạo diễn lừng danh Tim Burton, người đứng sau những Dark Shadows,  Sweeney Todd và Alice in Wonderland, bộ phim có doanh thu cao thứ 2 năm 2010 với hơn 1 tỉ USD.

"Frankenweenie" có kinh phí sản xuất không cao so với các bộ phim hoạt hình bom tấn của Hollywood (39 triệu USD) nhưng có thể được xếp đầu bảng về sự kỳ công. Quá trình thực hiện "Frankenweenie" xuất phát từ niềm đam mê, với sự tham gia của một số lượng lớn các thợ thủ công, chuyên viên hoạt họa, phục trang dàn cảnh, thợ làm rối, nhà thiết kế cùng nhiều nghệ sĩ khác trong khoảng thời gian 2 năm.
 

Nhiều hình mẫu lấy cảm hứng từ bề ngoài và tính cách của những nhân vật trong các bộ phim kinh dị kinh điển từ thập niên 1930. Một số khác thì có tên thể hiện sự kính trọng của Tim Burton với những bộ phim đó như Victor Frankenstein, Elsa Van Helsing, Edgar "E" Gore và Mr. Burgemeister.
 
"Frankenweenie" là bộ phim tiếp bước những tác phẩm hoạt hình thuộc thể loại stop-motion khác của Tim Burton như Corpse Bride, The Nightmare Before Christmas (tất cả đều từng được đề cử Oscar). Khi ý tưởng thực hiện "Frankenweenie" lần đầu đến với Tim Burton, ông hình dung nó là một tác phẩm hoạt hình stop-motion với thời lượng phim nhựa.
 
Do những hạn chế về kinh phí, ông đã biến nó thành một bộ phim chuyển thể ngắn, do Disney phát hành năm 1984. Tại thời điểm đó, Burton đã phác họa các nhân vật của mình trên giấy.
 
Với bộ phim hoạt hình này, ông sử dụng chính những phác thảo đó, đồng thời tự minh họa tất cả các nhân vật mới cho phim. Tim Burton luôn muốn làm phiên bản phim nhựa cho "Frankenweenie".
 
Từ khi còn nhỏ, ông đã đặc biệt yêu thích những bộ phim kinh dị, đặc biệt là Frankenstein. Nhưng ông cũng đặc biệt bị hấp dẫn bởi ý tưởng về câu chuyện của những cậu bé cùng chú chó của mình.
 
 
 
 

ĐD Tim Burton với mô hình chú chó Sparky.

Có thể có nhiều cách dễ dàng hơn để thực hiện bộ phim, nhưng Tim Burton tin rằng stop-motion là sự lựa chọn hoàn hảo cho "Frankenweenie" bởi "Stop-motion sở hữu một vẻ đẹp riêng" như ông quan niệm.

"Lý do ban đầu tôi muốn thực hiện "Frankenweenie" là bởi từ bé tôi đã rất yêu thích thể loại phim kinh dị. Nhưng một nguyên nhân khác là bởi mối quan hệ giữa tôi hồi nhỏ với chú chó mà mình từng nuôi. Đó là một mối liên kết đặc biệt mà bạn có trong đời, thực sự rất sâu sắc.

Tuổi đời của chó ngắn hơn con người rất nhiều. Bởi vậy bạn sẽ phải trải nghiệm điểm kết thúc của mối quan hệ ấy. Vậy là, kết hợp với câu chuyện về Frankenstein, bộ phim có sức tác động mạnh mẽ đối với tôi như thể một cách để tưởng nhớ rất riêng", vị đạo diễn 54 tuổi nói.
 
 
 

Mỗi tuần 1 chuyên viên hoạt họa chỉ có thể sản xuất ra 5 giây trên tổng số thời lượng phim.
 
Stop-motion là một trong những kỹ thuật làm phim hoạt hình cổ nhất và là một quá trình cực kỳ thủ công. "Frankenweenie" được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn 24 hình/giây. Điều này có nghĩa là các chuyên viên hoạt họa sẽ phải ngừng lại và điều chỉnh con rối 24 lần để có được 1 giây cử động trên phim.
 
Nhiều con rối của cùng một nhân vật cho phép các chuyên viên cùng một lúc thực hiện nhiều hơn một cảnh. Luôn có khoảng 18 chuyên viên hoạt họa làm việc độc lập với nhau.
 
Hơn 200 con rối và bối cảnh đã được tạo ra cho bộ phim (trong đó có 17 Victor và 12 Sparky), bởi mỗi chuyên viên hoạt họa đều phải làm việc độc lập cho nhiều phân cảnh khác nhau. Ngoài ra, họ cũng cần dự trữ để sẵn sàng thay thế nếu con rối bị hư hỏng.

Con rối đầu tiên được thiết kế cho phim là Sparky. Tỷ lệ được thiết lập cho chú chó đã trở thành tiêu chuẩn để thực hiện mọi nhân vật khác trong phim. Tim Burton muốn nhân vật của Sparky phải cư xử và chuyển động như một chú chó thực thụ.
 
Phần khung xương của nó vì vậy mà vô cùng phức tạp, và 10cm là số đo nhỏ nhất họ có thể làm ra trong khi vẫn đáp ứng được mọi biểu hiện và tính cách yêu cầu. Khi đã thống nhất về kích cỡ của chú chó, thợ làm rối sẽ lên được tỷ lệ cho các nhân vật còn lại, cũng như là kích thước bối cảnh.


Bối cảnh phim được dựng trên những mặt bàn. Phần lớn những đồ dùng tí hon được thực hiện, sơn màu và nhấn nhá chi tiết tỉ mỉ một cách đáng kinh ngạc bằng tay.
 
Những nghệ sĩ tài năng nhất dựa trên các phác thảo gốc của Tim Burton để tạo ra những con rối. Sau đó, chúng được phủ lên một hợp chất của silicone và nhựa mủ. Trang phục được khâu bằng những mũi khâu li ti để giữ đúng tỉ lệ.

Mái tóc của chúng được làm từ tóc thật và nối từng sợi một, sao cho có đường chân tóc y như thật. Bên trong mỗi con rối là một lớp lõi bằng kim loại, có vai trò như khung xương giúp các chuyên viên hoạt họa di chuyển chúng để diễn xuất trong từng phân cảnh.

"Bệnh Viện Rối" thuộc dự án "Frankenweenie" luôn quá tải vì các 'bệnh nhân". Những thợ làm rối lành nghề dành ra nhiều tháng để sửa lại các khớp, giải quyết những vấn đề về da và tóc, vá các trang phục bị rách hay dính bẩn. Đội ngũ này còn dành ra một khoảng thời gian để tự tay làm những con rối đóng vai trò công chúng, cũng như một vài nhân vật chính từ đống phế liệu.
 
 
 

Hơn 200 con rối và bối cảnh đã được tạo ra cho bộ phim.

"Frankenweenie" (Chó ma Frankenweenie) ra mắt khán giả Việt Nam từ 12/10.
 
Theo Vietnamnet 

Các tin cũ hơn