Mùa hè lạnh là dự án được đạo diễn Ngô Quang Hải ấp ủ khoảng 5 - 6 năm trước đây. Do thiếu kinh phí nên dự án này đình lại. Không rõ ý tưởng ban đầu của Mùa hè lạnh ra sao. Nhưng phiên bản ra rạp của phim là câu chuyện hình sự giật gân đầy bí ẩn xoay quanh nhân vật chính Kiên.
Kiên (Hà Việt Dũng đóng), một thanh niên không nghề nghiệp, được vẽ lên là một thanh niên bất cần đời và có chút thiếu kìm chế trong tính cách. Kiên sống với một ông bố bệnh tật (Lê Bình). Và trước khi ông nhắm mắt về thế giới bên kia, ông muốn Kiên đi tìm mẹ anh (NSND Như Quỳnh).
Kiên (Hà Việt Dũng đóng), một thanh niên không nghề nghiệp, được vẽ lên với tính cách bất cần đời và có chút thiếu kìm chế. |
Sau những ngày lang thang khắp nơi ở Hà Nội, Kiên trở nên tay trắng như một kẻ ăn mày, phải nhận vài trăm nghìn bố thí của người khác. Anh bán tài sản cuối cùng của mình là chiếc xe máy để vào Sài Gòn tìm mẹ.
Trên mảnh đất Sài Gòn, Kiên gặp hai người đàn bà là Nhâm (Midu), cô sinh viên trường y mồ côi cả cha lẫn mẹ và Hoa (Lý Nhã Kỳ), vợ ông chủ nhà trọ (NSƯT Hồ Kiểng) nơi Kiên thuê phòng.
Với sự non nớt của mình Kiên vướng ngay vào mối tình tay ba đầy nguy hiểm với Hoa và Nhâm. Mối quan hệ của Kiên và Hoa là một sự khám phá nhục dục mà Kiên không thể cưỡng lại được. Nó ám ảnh anh suốt ngày đêm. Và mối quan hệ này cũng mở ra bi kịch cho cuộc đời Kiên.
Chuyện phim chỉ thực sự bắt đầu khi lão Quảng, ông chủ nhà trọ nơi Kiên thuê phòng bị giết. Sau khi khám nghiệm hiện trường, công an bắt đầu vào cuộc điều tra bằng những màn thẩm vấn các nghi can.
NSƯT Hồ Kiểng (vai ông Quảng) và Lý Nhã Kỳ (vai Hoa). |
Lần lượt Kiên, Om (người dọn phòng), lão Tam (người quản lý), Hoa (cô vợ trẻ) đến Nhâm (cô bạn Kiên) và những khách trọ khác… đối diện với cán bộ điều tra. Một lối kể khá phức tạp khi xen lẫn những phần hỏi đáp của từng nhân với sự hồi tưởng lại quá khứ cũng như việc cài cắm đan xen lẫn lộn giữa những phần tra hỏi khác nhau trên cùng một câu hỏi khiến người xem như trở nên bức bối.
Có cảm giác như Ngô Quang Hải đã cố tình đặt ra dụng ý khiến người xem phải “ngột ngạt” khi anh chọn bối cảnh quay lặp đi lặp lại rất nhiều lần. So với phim cùng thể loại ra rạp gần đây là Scandal của Victor Vũ người ta thấy Mùa hè lạnh có một sự chênh khá lớn trong kỹ thuật cài cắm câu chuyện khiến người xem khó vào hơn.
Ngô Quang Hải có vẻ hơi lúng túng và cả có phần tham lam khi biến chuyện phim trở nên thừa thãi rất nhiều tình tiết nhằm đánh lạc hướng, mà khi kết thúc, người xem phát hiện ra chúng chẳng có liên quan gì tới câu chuyện.
Sự thật này cho thấy cuộc giăng bẫy người xem của Ngô Quang Hải đã phần nào thất bại khi anh chưa có được một cách kể chuyện đủ sức giấu đi những bí ẩn đến phút cuối cùng. Thay vào đó là đủ những tình tiết làm màu nhằm làm rối trí khán giả.
Suốt 30 phút đầu phim hình ảnh đường ray và tàu hoả được gắn chặt với Kiên. Khung cảnh những đoàn tài chạy qua cầu Long Biên được đạo diễn này tận dụng triệt để mọi phân đoạn có Kiên xuất hiện khi còn ở Hà Nội.
Cũng không nhiều cảnh hơn là bối cảnh xảy ra câu chuyện phim tại mảnh đất Sài Gòn. Chỉ có khoảng 3 bối cảnh chính, khu nhà trọ nơi Kiên ở, trường y nơi Nhâm theo học và những khu nhà ổ chuột ven sông bẩn thỉu và tồi tàn nơi Kiên có sở thích không giống ai như đi luồn lách dưới đám rác rưởi và nhảy xuống dòng nước hôi thối đầy bùn đen.
Một yếu tố nữa cũng khiến người xem bức bối là âm thanh. Với cường độ lớn vượt ngưỡng nghe và những tiết tấu khá gai người, âm thanh chính là một trong những yếu tố nhát người xem thành công nhất của Mùa hè lạnh. Nhưng tiếc là phim đã hơi lạm dụng âm thanh để gây hiệu ứng khi trong rất nhiều phân đoạn người ta không thấy sự liên quan giữa âm thanh và tình tiết phim.
Ngoài những yếu tố gây bức bối cho người xem ở trên thì diễn xuất cả dàn diễn viên trong phim cũng chưa làm thoả mãn công chúng. Vai Kiên là vai diễn đầu tiên trên phim ảnh của Hà Việt Dũng. Anh đã làm khá tốt khi diễn ra chất lãng tử, bất cần đời và những non nớt, bế tắc khi rơi vào mối quan hệ phức tạp với Hoa. Tuy còn đôi cảnh diễn xuất của Hà Việt Dũng thiếu tự nhiên nhưng thực sự khó có thể bắt anh làm tốt hơn thế.
Vai Hoa của Lý Nhã Kỳ có lẽ là một trong những vai dễ diễn nhất. Lý Nhã Kỳ đã hy sinh rất nhiều khi mật độ cảnh nóng giữa cô và Hà Việt Dũng dày đặc. Thậm chí có thể nói Mùa hè lạnh là một trong số ít phim có liều lượng cảnh nóng vào hàng top đầu của điện ảnh Việt.
Có cảm giác Ngô Quang Hải đã khai thác triệt để sự nóng bỏng của Lý Nhã Kỳ cho nhân vật Hoa. Hàng loạt các góc máy cận cảnh vòng một gợi cảm, đôi chân trắng muốt thẳng tắp và thân hình hấp dẫn khó cưỡng lại. Những cảnh giường chiếu cũng buộc Lý Nhã Kỳ phải phơi bày một phần thân thể.
Ngoài cảnh nóng thì diễn xuất của Lý Nhã Kỳ khá gượng gạo và thiếu chiều sâu khi trong mọi phân cảnh cô đều giữ lối diễn quen thuộc kiểu thơ ngây với lối thoại hổn hển không dễ lọt tai người xem phim.
Diễn xuất của Midu trong vai Nhâm cũng khiến nhiều người chưa được hài lòng. Có thể thấy Nhâm là một nhân vật có tính cách phức tạp khi cô là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Rất nhiều phân đoạn cận cảnh cảm xúc của Nhâm như những cảnh nhớ lại cái chết oan ức của mẹ hay cảnh chứng kiến thân hình của Hoa bị lão Quảng giày vò, Midu để lộ ra lối diễn cơ mặt.
Chỉ có vài phân đoạn đầu phim khi Nhâm mới xuất hiện với hình ảnh trong sáng của một cô sinh viên thì Midu mới làm tốt được vai diễn của mình. |
Chỉ có vài phân đoạn đầu phim khi Nhâm mới xuất hiện với hình ảnh trong sáng của một cô sinh viên thì Midu mới làm tốt được vai diễn của mình. Để trưởng thành hơn và nếu muốn tiến sâu hơn trên con đường điện ảnh Midu nên học hỏi nhiều hơn nữa về kỹ năng diễn xuất.
Ngô Quang Hải chia sẻ anh làm phim này để đến gần hơn với khán giả. Nhưng rất nhiều ý kiến trong buổi ra mắt phim đã tỏ ra ngao ngán khi không đủ kiên nhẫn xem hết phim. Tuy nhiên không thể phủ nhận Mùa hè lạnh có câu chuyện phim hay, hình ảnh đẹp và đậm chất điện ảnh.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy sự nghiêm túc trong cách làm phim thương mại mà Ngô Quang Hải đang muốn hướng đến sau một thời gian dài theo đuổi dòng phim nghệ thuật. Vậy cũng đã là đáng mừng trong thực trạng điện ảnh Việt hàng năm ra rạp không biết bao nhiêu “thảm hoạ điện ảnh”.
Theo VTC