NSND Lê Ngọc Cường: Truyền hình "dung túng" ăn mặc phản cảm?

Thứ hai, 24/12/2012, 10:09
"Hiện nay, tôi thấy tất cả các văn bản quy chế ra đời là như thế nhưng cách triển khai và thực hiện để nghiêm túc thì không có. Cứ như vừa làm vừa sợ, làm mạnh quá mang tiếng là cấm đoán", NSND Lê Ngọc Cường - nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.

Vừa làm vừa sợ?

Có thâm niên cao trong nghề quản lý nghệ thuật biểu diễn của Bộ, ông nhận xét gì về chuyện ăn mặc hở hang mà báo chí gọi là ‘phản cảm’ của giới showbiz trẻ hiện nay?

Những chương trình chính thống, hay của các đơn vị nghệ thuật thì không bao giờ xảy ra việc này. Chỉ có một số ca sĩ, một số show diễn kết hợp cùng với các vũ đoàn mới hay diễn ra các chuyện như thế. Đó cũng một phần là thuộc về nhận thức của giới trẻ bây giờ.

Lâu nay, có những hiện tượng khi báo chí phản ánh, cứ lắng một thời gian sau đó lại bùng phát lên.

Ở đây có hai vấn đề. Một mặt, các nhà quản lý đều dựa vào báo chí phát hiện. Trên thực tế, hành vi này xuất hiện thường xuyên. Tôi chưa thấy các cơ quan quản lý tự phát hiện và chủ động phát hiện và xử lý mà đều dựa vào thông tin trên báo chí, sau đó mới bắt đầu xử lý vấn đề.

Thứ hai, tôi thấy báo viết làm rất tốt, gần như là có những phát hiện, đưa tin... Còn truyền hình lại gần như phá đi. Truyền hình lâu nay mở cửa tới mức chạy theo, tràn ngập các show diễn, các chương trình của nước ngoài.

Không có ai quản lý và đồng thời nặng về quảng cáo, quảng bá, đài truyền hình mất đi tính định hướng. Bộ Văn hóa không có kênh sóng riêng, làm cho định hướng về mặt hoạt động nghệ thuật trên truyền hình là không có.

Ngoài ra, hiện nay, tôi thấy tất cả các văn bản quy chế ra đời là như thế nhưng cách triển khai và thực hiện để nghiêm túc thì không có. Cứ như vừa làm vừa sợ, làm mạnh quá mang tiếng là cấm đoán.

Cách xử phạt cũng có nhiều vấn đề... Phải có chế tài nghiêm khắc trong việc này thì mới có thể hiệu quả được.

Hiện tượng làn sóng Hàn Quốc tràn sang rất đáng lo ngại. Nhà nước tuyên truyền cho văn hóa nước ngoài, trong khi đó văn hóa Việt Nam không tôn vinh được.

Một sản phẩm của đời sống bình thường, nhà nước cũng giúp người dân chọn được món ăn nào là món ăn độc hại. Vậy nên một sản phẩm văn hóa tinh thần, nhà nước cũng phải có trách nhiệm định hướng, hướng dẫn cho công chúng biết, cho người dân biết món ăn tinh thần nào hữu ích nhất.

Công chúng mỗi người một trình độ khác nhau cho nên mình không có những định hướng, làm mạnh hay một số nghệ sĩ không nhận thức được hành vi của mình sẽ rất ảnh hưởng.

Giới nghệ sĩ là người của công chúng. Mỗi người như là một tấm gương để giới trẻ noi theo. Nếu nhận thức của nghệ sĩ kém thì có ảnh hưởng giới trẻ.

NSND Lê Ngọc Cường, an mac phan cam
NSND Lê Ngọc Cường

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của hiện tượng phục trang trên sàn diễn ngày càng ‘mát mẻ’ như thế: Do nới lỏng quản lý, do nhu cầu của công chúng bỏ tiền mua vé vào xem, do ảnh hưởng của văn hóa giải trí ngoại lai….hay do nền tảng văn hóa yếu kém?

Ở đây, nó kết hợp nhiều thứ. Ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và nhận thức không tới của giới nghệ sĩ.

Theo tôi, đòi hỏi trình độ ở công chúng khó lắm, đặc biệt giới trẻ. Cái chính mình định hướng cho công chúng. Chính cái nhận thức của các ca sĩ, thấy giới trẻ hâm mộ nên tưởng rằng thế là tốt và vô hình dung dấn sâu vào việc đó là rất nguy hiểm.

Còn các cơ quan quản lý ý thức là tốt, nhưng không chặt chẽ. Các Sở Văn hóa luôn nói không được như thế, phải thế này thế nọ. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là nói thế thôi còn sự đi sâu quản lý, nắm chắc, theo dõi là chưa có.

Ông nghĩ gì khi ăn mặc hớ hênh hoặc gợi dục trên sàn diễn được biện minh, được nhân danh là nghệ thuật, hy sinh vì nghệ thuật, nếu không chấp nhận hay tán thưởng thì dễ bị coi là lạc hậu cổ hủ?

Cái đó chính là do nhận thức của người nghệ sĩ thôi.

thu minh, phan cam
Trang phục của Thu Minh khi làm giám khảo The Voice bị nhận xét là phản cảm

Cấm diễn một thời gian sẽ khác

Nhiều người nói rằng, trẻ con khi làm sai điều gì còn biết xin lỗi, mà những người của công chúng không những không có văn hóa xin lỗi mà còn lên giọng thách thức dư luận?

Tôi cho rằng những trường hợp như thế cần phải làm mạnh, xử lý mạnh. Công tác giáo dục phải đi kèm với chế tài mạnh. Cấm và không cho diễn một thời gian nó sẽ khác đi.

Văn hóa - giải trí là biểu hiện bề nổi của quốc gia, có thể quảng bá hình ảnh đất nước, nhưng những hành vi ứng xử vô văn hóa trong giới showbiz thời gian qua như vụ Đàm Vĩnh Hưng hôn nhà sư đã khiến dư luận quốc tế có cái nhìn thiếu thiện cảm với chúng ta. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, đấy là một sự rất xấu hổ. Nhiều khi giới trẻ, giới nghệ sĩ cứ nghĩ thích tạo ra scandal chạy đua với nước ngoài, nhưng khi người nước ngoài nhìn vào thì thấy rất là buồn cười.

Nếu còn làm quản lý nghệ thuật biểu diễn, ông sẽ xử lý vụ Đàm Vĩnh Hưng như thế nào?

Về hình thức xử lý là nhẹ. Tuy nhiên, với giới nghệ sĩ phải xử lý rất là khéo. Sau khi xảy ra sự việc nhiều khi thông tin nó cũng hơi quá. Đôi khi dẫn đến làm cho giới nghệ sĩ làm càn bất cần. Thế nên cần phải đưa thông tin như thế nào cho họ dần dần nhận ra và cải tạo dần.

Không thả lỏng giới trẻ

Giới trẻ có cách nhìn, cách cảm thụ của riêng họ và họ mới là người bỏ tiền ra mua vé vào xem những show diễn có các ngôi sao ăn mặc hớ hênh mà thế hệ trước đây gọi là phản cảm. Sự lệch chuẩn này phản ánh điều gì và tại sao lại thế, thưa ông?

Nước nào cũng có xu thế đó, chứ không phải riêng nước mình. Chính vì thế phải luôn cần cơ quan quản lý theo sát và quản lý chặt, chứ không nên thả lỏng. Giới trẻ bao giờ cũng thích những thứ khác người.

Không chỉ bây giờ mới có hiện tượng như thế, thời của Vũ Trọng Phụng cũng đã diễn ra y như thế: ông Tuýp phờ nờ hô hào tân thời, cổ súy cho sự mát mẻ Tây Âu nhưng về nhà lại mắng vợ và con gái không được ăn mặc lố lăng như những gì ông ta cổ súy. Người ta bỏ tiền mua vé xem các ngôi sao hớ hênh khoe những phần nhạy cảm nhưng liệu họ có cổ vũ cho con gái họ, vợ họ làm như thế không? Quan điểm riêng của ông về vấn đề này là gì, thưa ông?

Nghệ thuật bây giờ có tới 9 chức năng, không phải có 3 chức năng: giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức nữa.

Với một đất nước như mình thì coi trọng chức năng giáo dục. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, giới trẻ không quan trọng, chú trọng về chức năng này mà chỉ coi trọng chức năng giải trí. Chức năng giải trí cũng rất là cần nhưng một khi nó bị thái quá thì sẽ lệch chuẩn. Giới trẻ xem để tìm nguồn vui, giải trí là chính. Từ đó không có những sản phẩm tốt, dần dần sẽ lệch chuẩn nhận thức đi thôi.

Nếu một chương trình có những ca sĩ ăn mặc sexy, ông có xem không?

Những thứ ca nhạc kiểu đó, không bao giờ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi ở cơ quan quản lý tôi phải cố ngồi xem để nắm bắt và đánh giá, quản lý, chứ bảo để thỏa mãn thì mình không thể thỏa mãn được.

Theo PhunuToday

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích