Tiễn một người vừa nằm xuống đã lại sắp lên đường...

Thứ bảy, 02/02/2013, 08:50
"Với tôi, nét tiêu biểu nhất của người Hà Nội mà tôi thấy ở Phạm Duy là tính khí nhẹ nhàng, lịch thiệp trong giao tiếp: có lời thưa gửi ngay cả với kẻ bề dưới về tuổi tác hay quan hệ"...

Độ tuổi tôi, khi mới lớn thì những bài hát của Phạm Duy đã được liệt hạng “nhạc vàng”, cho dù ngay từ thuở đó, những người đàn anh hay thế hệ cha chú tôi vẫn hát những bài mà sau này nhạc sĩ liệt vào “dòng nhạc kháng chiến”.

Đương nhiên, vẫn chỉ là hát “chui”, bởi lẽ cho đến ngày hôm nay, sau 7 năm về định cư trong nước (từ 2005) trong cái di sản đồ sộ cả ngàn sáng tác của mình, số lượng ca khúc của Phạm Duy được phép trình diễn vẫn là một con số quá nhỏ (chừng 10%).
 
Riêng bài hát có câu mở đầu: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...” lại có câu “Lý-Lê-Trần và còn ai nữa...” (Tình Ca) thì tôi nhập tâm lúc nào không hay và đến bây giờ vẫn là bài hát của Phạm Duy tôi yêu thích nhất.
 
 
Nhạc sĩ Phạm Duy tại buổi nói chuyện Kiều Ca tổ chức tại Hà Nội 3/1/2009
 
Nhưng phải 4 năm sau khi Phạm Duy đã về định cư trong nước, sáng tác của ông đã được trình diễn, làm băng đĩa và đã có những chương trình dành riêng trên sân khấu ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới có cơ hội gặp ông.
 
Một người bạn luôn coi Phạm Duy là một thần tượng đến gặp tôi, báo tin vị nhạc sĩ cao niên này sắp ra Hà Nội và có mong ước giới thiệu một liên khúc-trường ca (dài tới 4 tiếng đồng hồ) được đặt tên là “Kiều Ca”. Tôi bàn với mấy anh chị bên Hiệp hội UNESCO Hà Nội mà tôi mới được tham gia với tư cách chủ tịch, thì nghệ sĩ Trần Đức và các anh chị khác đều “ok” ngay.
 
Thế là lần đầu tiên tôi được ngồi với Phạm Duy tại một khách sạn bên Hồ Tây gần con đường ông từ sân bay về nhà trọ ghé lại dùng bữa trưa để trao đổi về việc này.
 
Ấn tượng đầu tiên với tôi, Phạm Duy là con người của công việc, cho dù ai cũng biết ông là một nghệ sĩ vẫn tự nhận mình là người thích “rong chơi”, “phiêu lãng”... Rất từ tốn, nhưng cũng rất chi li cụ thể khi bàn về công việc mà với ông không có chuyện gì khác ngoài âm nhạc của mình.
 
Chính vì ông rất chủ động trong việc đưa ra những yêu cầu rất khắt khe cho việc trình diễn nhưng cũng lại rất dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh nên chúng tôi kết thúc công việc rất nhanh.
 
Và lúc không bàn việc nữa, tôi mới nhận biết ở con người Phạm Duy một cái gì “rất Hà Nội” cho dù ông xa Hà Nội ngót nửa thế kỷ trước khi trở về. Cái chất Hà Nội không chỉ ở giọng nói thanh ấm, những ký ức rất sâu đậm về cảnh và người Hà Nội, nơi mà ông đã sống từ tấm bé cho đến lúc thành niên.
 
Với tôi, nét tiêu biểu nhất của người Hà Nội mà tôi thấy ở Phạm Duy là tính khí nhẹ nhàng, lịch thiệp trong giao tiếp: có lời thưa gửi ngay cả với kẻ bề dưới về tuổi tác hay quan hệ, sự chu đáo bao giờ cũng hỏi thăm bậc sinh thành của người đối thoại nếu như người ấy tuổi tác thuộc thế hệ con cháu mình, như tôi chẳng hạn. Sự khiêm nhường đầy kiêu kỳ hay sự kiêu kỳ một cách rất khiêm nhường là tính cách của Phạm Duy.
 
 
Nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà Sử học Dương Trung Quốc tại show "Phạm Duy - Người Phiêu Lãng" tại Nhà Hát Lớn 7/2011.
 
Vì thế, từ ý định ban đầu chỉ là chọn một chỗ tiện cho việc mời một cử toạ nho nhỏ đến nghe ông giới thiệu những ca khúc viết theo kiệt tác của Nguyễn Du; nhưng rồi chúng tôi không thể không làm hết sức mình để có một buổi trình diễn đàng hoàng theo khả năng cao nhất.
 
Và hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngay kề Nhà Hát Lớn được chọn làm nơi tổ chức sự kiện. Phạm Duy vừa đặt chân tới đây ông đã lục từ ký ức nói với tôi rằng “Ngày xưa đây là Toà nhà của Sở Quan thuế thời Tây, ta vẫn quen gọi là Nhà Đoan”.
 
Hội trường không lớn nhưng cũng đủ chỗ cho đôi ba trăm người đến dự chủ yếu là được mời qua điện thoại hay nhắn miệng. Ngoài Hiệp hội UNESCO Hà Nội, buổi trình diễn cũng gắn với dịp kỷ niệm 15 năm Tạp chí “Xưa & Nay” mà tôi phụ trách (1994-2009).
 
Về buổi trình diễn vào chiều ngày 3/1/2009, tôi không am hiểu âm nhạc nên không bình phẩm về nghệ thuật mà chỉ cảm nhận được sự hấp dẫn từ một nhạc sĩ già, bồng bềnh mái tóc trắng, hoá thân vào chính những tác phẩm, độc diễn bằng điều bộ và lời kể truyền cảm về Truyện Kiều cùng mối liên hệ với những ca khúc của mình.
 
Đôi khi ông cất tiếng hát những đoạn khúc tiêu biểu rồi nhường lại cho thanh âm của nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày những ca khúc mà người con trai yêu quý của Phạm Duy là Duy Cường tự ngồi bên dàn điều khiển âm thanh của hội trường để chăm chút cho chương trình của bố.
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du cứ như thế được kể qua những ca khúc của Phạm Duy được nối kết bởi lời thuyết minh sử dụng ngôn từ được chau chuốt không khác ca từ và bằng một giọng điệu trầm bổng theo cung bậc của một áng văn xuôi, góp phần tạo nên ấn tượng của buổi trình diễn.
 
Cử tọa đến dự, đương nhiên có nhiều người cao tuổi, người Hà Nội chính gốc... Điều làm Phạm Duy cảm kích là có nhiều bạn trẻ cũng đến dự và báo chí là đội hình không thể thiếu dầu những người tổ chức không ồn ào quảng bá.
 
Tối hôm ấy, Phạm Duy cùng chúng tôi ngồi bên bàn ăn nhấm nháp những món Bắc cùng dư âm của buổi chiều. Với một chương trình đặc sắc đáng để trình diễn một cách hoành tráng, thì buổi diễn ban chiều chỉ đáng gọi là “mini”, nhưng Phạm Duy xúc động.
 
Cái mảnh đất có một ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Dầu, nơi ông lớn lên đầy ắp ký ức của tuổi thơ mà Phạm Duy chia tay từ giữa thế kỷ trước đến năm đầu của thế kỷ mới này ông mới có cơ hội được trở về, được gặp lại cảnh cũ người xưa.
 
Nhưng phải đến cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, lần đầu tiên ông mới được giới thiệu những tác phẩm của mình cho những “đồng hương” Hà Nội, lại là những bài hát hình như chưa được cấp phép (?!).
 
Kể từ đó, có thêm mấy lần ông lại về Hà Nội trình diễn trong những “sô mi ni” như thế: một lần ở sân khấu của Đoàn Ca Múa Nhạc Nhẹ của Trần Bình bên Hồ Gươm về chủ đề “Thơ phổ nhạc của Phạm Duy” (30/5/2011). Lần này lại có người bạn đồng niên thân thiết là Giáo sư Trần Văn Khê ra “phụ họa”.
 
Nhạc Phạm Duy, lời của nhiều thi sĩ nổi danh từ Nguyễn Bính, Thế Lữ đến Huy Cận, Xuân Diệu, Bích Khê, Hoàng Cầm...một lần nữa lại cất lên bên Bờ Hồ Gươm khi thời thơ trẻ Phạm Duy thường ra vầy nước. Chương trình này sau đó được đem trình với  công chúng Huế (cũng là lần đầu).
 
Và chương trình cuối cùng mới diễn ra năm ngoái (28/5/2012) nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mặc Tử tài hoa và đoản mệnh. Phạm Duy lại độc diễn với sự trợ giúp kỹ thuật của con trai mình và những đĩa thu tiếng hát của nhiều ca sĩ đều là con cháu của ông.
 
Cử tọa đến với Phạm Duy đông dần và không chỉ thấy những gương mặt quen biết như ông bà Vũ Khoan, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thuỷ, Chu Hảo, Lê Văn Lan v.v... mà đến với chương trình cuối cùng ấy còn có cả Bộ trưởng Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du lịch người cũng bày tỏ hâm mộ Phạm Duy như nhạc phụ của mình là nhạc sĩ Dương Viết Á.
 
Sau cuộc trình diễn này, vị Bộ trưởng đã chỉ đạo cơ quan chức năng của mình vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi và thúc đẩy việc xem xét cấp phép tiếp những tác phẩm của Phạm Duy. Những lần gặp tôi gần đây, ông cởi mở nói rằng sẽ xem xét việc cấp phép một cách khẩn trương hơn kể cả với những tác phẩm lớn của Phạm Duy mà tôi cùng một vài vị nhân sĩ khác cũng như đích thân Phạm Duy đã đề nghị. Nhưng ông cũng chia sẻ thật lòng với tôi về cái khó của những nhà quản lý trong cơ chế hiện tại trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng đang diễn ra quá phức tạp.
 
Cùng với ba buổi trình diễn mini kể trên, trong thời gian này, hai cuộc trình diễn thật sự chuyên nghiệp và đặc sắc với chủ đề “Ngày Trở Về” (27/3/2009) và “Người Phiêu Lãng” (22/7/2011) đã được tổ chức trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội mà có lần Phạm Duy đã kể lại rằng khi còn nhỏ ông đã từng lẻn vào nơi sang trọng này để lén xem người lớn diễn.
 
Dịp Giáng Sinh vừa qua, tôi đã mong tổ chức được một đêm nữa để trình diễn một số bài hát trong hơn ba trăm ca khúc kinh điển và nổi tiếng của nước ngoài mà Phạm Duy là tác giả lời Việt. Không chỉ là việc “thông ngôn” mà với nghệ thuật ngôn ngữ tài tình, Phạm Duy đã chuyển tải cái hồn bài hát của thiên hạ vào tâm hồn của người Việt. Rất nhiều bài mà từ lâu tôi đã ngêu ngao đến lúc này mới biết lời Việt là của Phạm Duy chuyển ngữ...
 
Biết rằng đến lúc ấy nếu tổ chức ở Hà Nội thì Phạm Duy chắc cũng không ra dự được vì thể xác của ông đã rệu rã dưới gánh nặng tuổi tác và những nỗi đau riêng tư, nên những người tổ chức đâm ra lưỡng lự.
 
Nhưng đến hôm nay, khi thể xác ông sắp được chôn xuống lòng Đất Mẹ, thì chắc chắn hồn vía của ông cũng đang sửa soạn... lên đường tiếp tục cuộc “phiêu lãng”, “rong chơi” mà lần này thì... mút mùa bất tận. Một cuộc trình diễn như tôi mong ước, nay mai nếu được tổ chức, hẳn Phạm Duy sẽ có mặt.
 
Ông không đứng trên sân khấu, cũng không ngồi trên dẫy ghế hàng đầu. Bởi vì khi nhắc đến cái chết, người nhạc sĩ ham sống này chẳng từng đoán chắc rằng Phạm Duy sẽ không bao giờ chết mà sẽ sống mãi... trên đôi môi của những người yêu tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy!
 
Viết trước ngày tiễn đưa Phạm Duy đến nơi an nghỉ cuối cùng
 
Dương Trung Quốc
Theo BaodatViet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích