Siêu sao Thành Long: "Cá chép hóa rồng" như thế nào?

Thứ sáu, 15/03/2013, 08:16
Từ một diễn viên chỉ đảm nhận vai trò đóng thế, đối mặt với những thất bại ê chề nơi đất khách quê người, thành công của Thành Long được coi như một câu chuyện thần thoại.

Sự qua đời đột ngột của huyền thoại Lý Tiểu Long năm 1973 khiến cho thời đại của thể loại phim võ thuật gần như chấm dứt, đẩy những diễn viên chưa có tên tuổi như Thành Long thời bấy giờ vào cảnh khốn đốn.

Phải đến hai năm sau, năm 1975, một công ty điện ảnh mang tên Tân Thiên Đia thành lập, bản hợp đồng mới ký với công ty này khiến nam diễn viên trẻ Thành Long như “chết đuối vớ được cọc”.

Thành Long trong bộ phim Xà hình điêu thủ.
 
Sau hợp đồng, Thành Long tham gia hai bộ phim Quảng Đông tiểu lão hổ và Bắc phái công phu, tuy nhiên thành công mà hai bộ phim đạt được không như mong đợi.

Sau đó không lâu, Thành Long may mắn được nam diễn viên Trần Tự Cường giới thiệu với đạo diễn La Duy, ông góp mặt vào hai bộ phim Cổ Long và Thiếu Lâm Mộc Nhân Cảng, tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chỉ là thất bại.

Vai diễn trong Túy Quyền là dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp của Thành Long.

Thành công chỉ thực sự đến với Thành Long khi hơn một năm nhau, ông trở lại với Xà Hình Điêu Thủ và Túy Quyền - bộ phim đã phá các kỷ lục phòng vé thời bấy giờ và đạt được thành công chưa từng có, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp của Thành Long.

Chứng kiến thành công của Túy Quyền, đạo diễn La Duy “đánh bài liều” khi quyết định “gác kiếm” nhường đất để Thành Long “tự biên, tự diễn” trong bộ phim Tiếu Quyền quái chiêu. Ngoại trừ vai chính, Thành Long còn đảm nhiệm cả vai trò đạo diễn, bên cạnh đạo diễn Triệu Lỗ Giang.

Thành Long trong Câu chuyện cảnh sát - bộ phim hài đầu tiên mang phong cách Mỹ của ông.

Tiếu Quyền quái chiêu đã giúp Thành Long lọt vào “mắt xanh” của nhiều công ty điện ảnh, sau nhiều lần cân nhắc, ông đồng ý nhận lời mời của công ty điện ảnh Gia Hòa. Bộ phim đầu tiên mà Thành Long hợp tác với Gia Hòa là Sư đệ xuất mãđã thu về được những thành công nhất định.

Thuận đà, Gia Hòa tạo điều kiện cho Thành Long bắt đầu tấn công thị trường quốc tế, tuy nhiên, cả bốn bộ phim tại Mỹ của ông là Sát thủ hào, Pháo đạn phi xa 1 và 2; Uy long mạnh thám đều không mấy nổi tiếng, nguyên nhân bởi Thành Long chưa quen với cung cách làm việc và chỉ đạo của các đạo diễn nước ngoài.

Sau lần tấn công Hollywood thất bại, Thành Long nhận ra rằng, đây không phải là thiên hạ của mình, chỉ có quay về quê nhà Hong Kong, ông mới có đất để “dụng võ”.

Năm 1982, ông thực hiện bộ phim Long Thiếu Gia (Dragon Lord) với vai trò đạo diễn kiêm diễn viên. với Long Thiếu Gia, Thành Long bắt đầu thử nghiệm vô số cảnh hành động mạo hiểm đa dạng khác nhau.

 Bộ phim có thể được xem như bước chuyển mình trong phong cách phim của Thành Long, từ thể loại phim võ thuật hài chuyển sang phim hành động mạo hiểm hiện đại.

Ba anh em Nguyên Lâu - Nguyên Long và Nguyên Bưu trong phim Kế hoạch A.

Chỉ một năm sau, Thành Long tiếp tục khẳng định được tài năng đạo diễn trong bộ phim Kế Hoạch A. Phim có nội dung khá phức tạp và lắt léo, song lại kết hợp hài hòa được tính lịch sử, tính hài hước và những pha hành động võ thuật.

Đặc biệt, đây là lần hợp tác đầu tiên của ba anh em trong nhóm Thất Tiểu Phúc xưa bao gồm – Thành Long (Nguyên Lâu), Hồng Kim Bảo (Nguyên Long) và Nguyên Bưu.

Kế Hoạch A đã giành được giải Chỉ đạo hành động xuất sắc nhất, đồng thời đưa Thành Long vào danh mục đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 3.

Trong liên tiếp hai năm 1985 và 1986, Thành Long liên tiếp tung ra hai bộ phim được ví như những “món ăn lạ” khiến khán giả nồng nhiệt đón nhận. Đó là Câu chuyện cảnh sát (1985) và Kế hoạch Phi Ưng (1986).

Nếu Câu chuyện cảnh sát là bộ phim hài đầu tiên mang ảnh hưởng phong cách Mỹ thì Kế hoạch phi ưng lại khiến khán giả “mãn nhãn” với vô số những pha hành động mạo hiểm. Cả hai bộ phim đều góp phần nâng tầm tên tuổi cho đạo diễn kiêm diễn viên Thành Long.

Thành công tại quê nhà khiến Thành Long tự tin tiến công thị trường Mỹ một lần nữa, bắt đầu từ năm 1995, vận đỏ của Thành Long bắt đầu, nam diễn viên võ thuật Hong Kong công phá mạnh mẽ thị trường Bắc Mỹ bằng một loạt phimRumble in the Bronx (1995), Câu chuyện cảnh sát 3 (1996), Rush Hour (1998)…

Riêng bộ phim Rush Hour đã lập được kỉ lục phòng vé, thu về 244 triệu USD cùng vô số giải thưởng và đề cử, riêng đối với Thành Long, bộ phim đã mang đến cho ông một vị thế nhất định trong làng điện ảnh thế giới.

Kể từ đó, Thành Long liên tục gặt hái thành công tại kinh đô điện ảnh với các bộ phim như Shanghai Noon (2000), The Accidental Spy (2001), Rush Hour 2 và 3 (2001 và 2007), Shanghai Knights (2002), The Spy Next Door (2010).

Năm 2012, khi tham dự Liên hoan phim Quốc tế Cannes lần thứ 65, ngôi sao người Hong Kong đã gây bất ngờ tuyên bố sẽ chấm dứt sự nghiệp diễn xuất sau khi cho ra mắt bom tấn hành động hài 12 Con Giáp (Chinese Zodiac) - đây cũng là bộ phim cán mốc 100 tác phẩm trong sự nghiệp của ông.

Thành Long chụp ảnh cùng ngôi sao mang tên mình tại đại lộ danh vọng.

Ấp ủ dự án 12 Con giáp trong suốt bảy năm, kiêm cả bốn vai trò đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất và vừa là diễn viên chính trong phim, Thành Long đã dồn hết tâm huyết cho “đứa con tinh thần” cuối cùng với mong muốn gửi gắm thông điệp về ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa của quốc gia.

Bộ phim được khán giả chờ đón và ủng hộ như một lời từ biệt với một trong những ngôi sao võ thuật hàng đầu thế giới.

Như bao ngôi sao nổi danh khác, song song với thành công trong sự nghiệp, tất nhiên Thành Long không thể tránh khỏi việc phải đối diện với vô số những tai tiếng, scandal và lời đồn đoán ác ý trong cả công việc lẫn đời tư.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • Bst đồng hồ orient cao cấp xem ngay