Trong thư điện tử gửi đến các phóng viên, đạo diễn Lê Hùng Phương (tên thật là Huỳnh Hùng Phương), ngoài việc tố cáo Châu Mộng Như nợ số tiền 230 triệu đồng còn lên án cách ứng xử của cô với “chủ nợ” như: thay đổi địa chỉ công ty hai lần mà không thông báo, gọi điện mà cô không bắt máy, không có mặt tại các phiên hòa giải… và tiếc là ông đã không đưa vụ việc này lên báo chí sớm hơn!
Việc ngỡ như gửi sai địa chỉ của đạo diễn Lê Hùng Phương thật ra lại là chuyện quá bình thường trong mối quan hệ truyền thông và showbiz Việt. “Con nợ” càng nổi tiếng, chủ nợ càng xem truyền thông như một quan tòa. Đáng tiếc, truyền thông cũng chứng tỏ mình là một quan tòa đầy uy quyền và sốt sắng.
Trước đó, truyền thông đã có không ít lần “đòi nợ thuê” thành công. Cụ thể như chuyện Chung Minh tố cáo đạo diễn Phước Sang nợ tiền tỷ; chuyện ông Bùi Thanh Lâm và người mẫu Dương Yến Ngọc với số tiền mượn vài trăm triệu đồng…
Thậm chí, Ngân hàng Sacombank ngoài việc gửi đơn cho tòa cũng song song tận dụng truyền thông để đòi số tiền 100 triệu đồng từ người mẫu - diễn viên Hứa Vĩ Văn.
Những “chủ nợ” vốn là những người lâu năm trong kinh doanh kia không phải không hiểu mình cần gửi đơn thưa ở đâu, nhưng khi có thể tận dụng thêm một “kênh” giúp sức, mà không cần phải tốn chi phí, cũng không cần phải chứng minh bằng chứng theo các nguyên tắc của pháp luật, thì chẳng ai dại gì mà không tận dụng.
Một cách nào đó, việc truyền thông quá sốt sắng trong những vấn đề không liên quan đến nghệ thuật, đến hoạt động nghề của những nghệ sĩ “bị đơn” kia, là đã tự biến mình thành công cụ cho những mục đích cá nhân. Mặt khác, còn tạo ra một phương cách nổi tiếng của những gương mặt ngấp nghé, hoặc muốn nổi tiếng hơn.
Chính vì thế, câu hỏi về việc báo chí có ngây thơ hay không, có chức năng “đòi nợ thuê” hay không chỉ là thừa, bởi những người trong cuộc thừa hiểu mình đang làm gì và nhằm mục đích gì.
Theo PhunuOnline