Cát-xê ca sĩ bao nhiêu cho vừa?

Thứ năm, 11/04/2013, 14:39
Mức cát-xê 6.000 USD cho ca sĩ Mỹ Tâm nếu trình diễn tại lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng đang khiến nhiều người tự hỏi: mức giá đó là bình thường hay không bình thường?

cát xê ca sĩ

Việc Mỹ Tâm bị Đà Nẵng từ chối mời diễn vì đòi cát-xê cao khiến dư luận hai ngày qua dấy lên câu hỏi cát-xê ca sĩ bao nhiêu cho vừa?

Còn nhớ năm ngoái, cũng trong một chương trình thuộc khuôn khổ lễ hội pháo hoa tại Đà Nẵng, cát-xê cho Đàm Vĩnh Hưng mà nhiều người cho là 100 triệu đồng. Như vậy, nếu như Mỹ Tâm có ra mức catsê cho năm nay là 110 triệu đồng thì cũng... bình thường.

Thực tế từ hai năm nay, những bầu sô/nhà tổ chức đã tiết lộ mức cát-xê của những ngôi sao ca nhạc hạng A, có sức hút thị trường như Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm khoảng 5.000-6.000 USD/sô tùy sự kiện (tương đương 100 - 120 triệu đồng), chưa tính thuế thu nhập cá nhân. Dĩ nhiên, cát-xê này áp dụng cho những sô chủ yếu là sự kiện của các nhãn hàng, các sô vũ trường...

Hi hữu, như năm 2012 chẳng hạn, Đàm Vĩnh Hưng đã nhận mức cát-xê kỷ lục đối với ca sĩ trong nước là 10.000 USD để hát tại một đám cưới của con một nữ đại gia. Còn lại, với những sô phòng trà thì các ca sĩ này cũng không “hét” giá đến mức đó mà giá sẽ “mềm” hơn tùy theo quy mô lớn nhỏ của phòng trà, lượng vé bán được...

Trung bình, một sô phòng trà của Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm khoảng 3.000-4.000 USD (nhưng hát liên tục 2-3 giờ với khoảng 30 ca khúc, cực hơn nhiều so với hát tại các sự kiện khoảng 2-3 ca khúc).

Riêng với một số sô ca nhạc ở các tụ điểm hay sô ca nhạc truyền hình, cát-xê của họ sẽ “mềm” hơn nữa tùy quy mô, tính chất chương trình và còn tùy vào mối quan hệ của ca sĩ với người mời. Rất nhiều trường hợp Đàm Vĩnh Hưng hát không công khi là ca sĩ khách mời trong các live show của đồng nghiệp như Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Cẩm Ly... và ngược lại.

Với những giọng ca hải ngoại thì Bằng Kiều hiện đang làm “trùm” ở cả thị trường trong nước lẫn hải ngoại. Cát-xê của anh cho live concert đầu tiên tổ chức tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái là 10.000 USD (thu nhập sau thuế), chưa kể chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian làm sô. Xếp sau đó là Tuấn Ngọc, Quang Lê, Chế Linh, Tuấn Vũ, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh... với các mức giá từ 8.000 USD trở xuống.

Riêng những giọng ca thuộc loại “có chất”, được vinh danh là những diva đều không đạt được mức cát-xê khủng như trên, thông thường ở khoảng 3.000 USD cho các sô sự kiện. Với những giọng hát được cho là “thời trang” thì Hồ Ngọc Hà là “đỉnh” nhất với khoảng 4.000 USD/sự kiện.

Đáng chú ý là nhiều ca sĩ “hát không ra hơi” nhưng có ngoại hình bắt mắt cùng vũ đạo lôi cuốn vẫn có được những sô diễn đều đặn với mức cát-xê khoảng 20-30 triệu đồng/sô.

Tuy nhiên, “thành phần” ca sĩ làm giới bầu sô, tổ chức sự kiện “sốc” nhất vẫn là các ca sĩ trẻ, mới bước ra từ một cuộc thi ca hát quy mô nào đó. Uyên Linh là một ví dụ. Cô từng khiến dư luận ầm ĩ một thời gian dài khi ra giá 2.000 USD/sô ngay sau khi đăng quang Vietnam Idol dù trước đó chừng vài tháng thì dù xin hát lót với cát-xê không đáng kể cũng không dễ gì có người chịu mời cô.

Trường hợp Bùi Anh Tuấn cũng thế khi cát-xê anh đưa ra sau The Voice cao tương đương những ca sĩ đàn anh, đàn chị “cứng nghề” với thâm niên hơn chục năm ca hát.

cát xê ca sĩ
Các ca sĩ biểu diễn trong chương trình Đóa hoa vô thường (kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) nhận khoảng 50% thù lao so với chương trình bình thường - Ảnh: T.T.D.

Các bầu sô cho hay dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn trong hai năm qua nhưng cát-xê ca sĩ cũng không vì thế mà “tự nhiên” giảm. Ca sĩ chỉ chịu “giảm giá” khi bên tổ chức chịu khó thương lượng mà thôi.

Thế nhưng chuyện cát-xê đi hát của các ca sĩ hiện vẫn không “nóng” bằng cát-xê của những người nổi tiếng được mời vào “ghế nóng”, ban giám khảo tại các cuộc chơi truyền hình thực tế.

Cũng theo thông tin từ những người trong cuộc, hai giờ làm giám khảo của đạo diễn Lê Hoàng có giá 15 triệu đồng, cao hơn những người có chuyên môn hơn (nhạc sĩ, ca sĩ, biên đạo múa...) trong các cuộc thi hát hay nhảy với thù lao vào mức 10 triệu đồng.

Và ai cũng nghĩ rằng Đàm Vĩnh Hưng với mức cát-xê tầm 600 triệu đồng cho vai trò HLV The Voice là “khủng” nhất, nhưng sự thật là trong vai trò giám khảo anh lại về nhì, sau mức giá 1 tỉ đồng dành cho một giám khảo kiêm biên đạo múa của một chương trình truyền hình thực tế.

Cát-xê ca sĩ/nghệ sĩ dẫu thế nào cũng là chỗ thuận mua vừa bán (mặc dù con số trên hợp đồng thường thấp hơn con số thực chi để... giảm thuế thu nhập cá nhân). Rất nhiều trường hợp vì muốn từ chối một chương trình mà ca sĩ “hét” giá thật cao. Ai ngờ người mời “OK” và ca sĩ có được mức cát-xê giá hời.

Nhưng cũng không ít trường hợp các ca sĩ chỉ lấy mức cát-xê tượng trưng, không lấy hoặc còn tặng thêm tiền cho một chương trình mang tính xã hội, từ thiện nào đó mà mình tham dự.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn