Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của thời trang đối với cuộc sống, nó còn được coi như một thứ nghệ thuật truyền cảm hứng mãnh liệt cho con người. Chính bởi sự tác động mạnh mẽ như thế, thời trang không chỉ phản chiếu cuộc sống mà nó còn ảnh hưởng tới đời sống. Xét theo hướng tích cực mà nói, tầm phủ sóng của thời trang với giới trẻ kích thích khả năng sáng tạo, tư duy thẩm mỹ ngày một thăng hoa, khiến thế giới tràn ngập trong cái đẹp muôn màu muôn sắc. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang phần nào đã có nhiều tác động tiêu cực, đặc biệt là với lớp trẻ - những người háo hức nhất với các xu hướng mốt.
Theo nhiều nhà thiết kế, sở dĩ họ thường xuyên chọn lựa những người mẫu siêu gầy trên sàn diễn vì chỉ đối tượng này mới tập trung đủ 2 tiêu chuẩn là nét đẹp hút hồn, mềm mại của khuôn mặt phụ nữ kết hợp khung người “strong bone” cứng cáp, khỏe mạnh của đàn ông. Và hơn hết cả, việc dùng mẫu gầy sẽ đáp ứng được tiêu chí “tôn vinh trang phục chứ không phải người mặc trang phục” trên sàn catwalk.
Ngoài các buổi trình diễn, hầu hết mọi chiến dịch quảng cáo, đa số các hãng thời trang cũng chú trọng, ưu ái sử dụng lớp người mẫu có thân hình mảnh khảnh, mặc định size 0 là size chuẩn mực cho cỡ quần áo của các chân dài muốn casting ứng tuyển với bất cứ hoạt động quảng bá nào của hãng. Tưởng rằng đây chỉ là những quy định sử dụng mang tính chất cục bộ trong ngành thời trang song sức ảnh hưởng của nó với tư duy của lớp trẻ mới thực sự khó lường và trầm trọng.
Vào những năm thập niên 50, một loạt những cái tên lẫy lừng trên màn bạc như Marilyn Monroe, Brigitte Bardot hay Raquel Welch... với các đường cong nóng bỏng, phom người tròn trịa và khỏe khoắn đã làm khuynh đảo nhận định cái đẹp cơ thể của giới trẻ. Các thiếu nữ vào thời đó coi các biểu tượng trên trở thành những hình mẫu để có được cơ thể chuẩn, không quá gầy, không quá béo, nữ tính và rất hấp dẫn. Tuy nhiên xu hướng tròn trịa lại ngắn chẳng tày gang, chẳng mấy chốc người ta nhanh chóng thần tượng những cô mẫu người dây có chỉ số IBM cực thấp.
Khởi xướng cho trào lưu này là siêu mẫu Twiggy gầy nhẳng, chỉ 10 năm sau mốt “phồn thực”, đó là vào thập niên 60. Thời kỳ ấy, khi Twiggy gây bão trong làng thời trang, cô nàng khiến giới trẻ đua đòi trò ăn kiêng không biết mệt mỏi để có thân hình trơ xương. Bấy giờ, điều này đã làm giới phụ huynh dậy sóng phản đối, chỉ trích Twiggy đã làm thay đổi chuẩn mực về cơ thể phụ nữ và khiến con em họ sa đà vào nạn ép cân đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc này, Twiggy đã khôn khéo xoa dịu các ông bố bà mẹ bằng lời phân trần việc cô có thân hình gầy gò là do cơ địa chứ áp lực từ thời trang không phải là nguyên nhân khiến cô phải giảm cân để mặc những trang phục chật ních.
Vẻ đẹp tròn đầy hấp dẫn
...bị thay thế bởi những que tăm khẳng khiu trên sàn diễn
Thời gian tiếp đó tạm sóng yên biển lặng với sự thống trị ngắn ngủi của các siêu mẫu có chỉ số cơ thể khá khẩm hơn một chút như Naomi Campbell, Tyra Banks hay Cindy Crawford…, tuy nhiên tới sự xuất hiện của Kate Moss vào thập niên 90 mới khiến thế giới thực sự hứng trọn trào lưu lạm dụng mẫu siêu gầy. Khắp nơi từ sàn catwalk tới các chiến dịch quảng cáo không thấy nổi bóng dáng của một cô nàng có phom người bình thường chứ đừng nói là béo.
Những người mẫu buộc bị đặt vào tình huống: Giảm cân hay là mất việc. Và ngành thời trang không ít lần bị báo giới phương Tây lên án bởi hình ảnh những cô mẫu cò hương, mảnh khảnh khệ nệ vác trên mình trang phục Haute Couture xa xỉ đính tới hàng ngàn viên pha lê nặng gần 2 chục cân, gần bằng nửa số cân nặng của người mặc.
Điều đáng nói là các cô gái trẻ chỉ bị hút hồn bởi ánh hào quang lóa mắt trên sàn catwalk chứ chẳng mấy bận tâm những màn tra tấn cơ thể kiệt cùng đáng báo động của các mẫu trẻ. Những bí quyết giảm cân kịch độc vô tình hay hữu ý được các thần tượng hé lộ như ăn bông gòn, chỉ uống coca giành cho người ăn kiêng, nước ép hoa quả… được công bố khiến các fan trẻ tuổi quá khích răm rắp làm theo chẳng cần tính toán tốt - xấu, lợi - hại.
Hình ảnh chế giễu việc ăn kiêng của người mẫu
Tranh biếm họa về đại nạn giảm cân của các cô gái trẻ để có vẻ ngoài "hoàn hảo"
Tới năm 2000, tức là chỉ 10 năm sau khi hình ảnh mỏng dính của Kate Moss làm mưa làm gió, đã có tới 4 mẫu chết vì chứng biếng ăn và 14 mẫu tự tử vì không chịu nổi áp lực giảm cân của các hãng thời trang. Tuy vậy thảm kịch này không hề khiến trào lưu ăn kiêng cùng thần tượng có dấu hiệu suy yếu. Chuẩn cái đẹp vẫn là phải mặc vừa được size 0 của quần áo. Các cô gái trẻ truyền tay nhau những bí quyết từ "cơ học" như chỉ ăn cho biết vị rồi sau đó móc họng để nôn bằng hết những thứ vừa dung nạp vào người cho tới cả cách dùng ma túy để giảm cân.
Theo một nghiên cứu tại Anh cho biết, thanh thiếu niên đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi những thân hình cò hương của siêu mẫu, điển hình là Kate Moss khi cô này từng phát biểu:”Không có gì tuyệt hơn một cơ thể thanh mảnh” rất được lòng giới trẻ. Chỉ 7% thiếu nữ trong cuộc khảo sát diện rộng tại Anh là ăn uống đủ 5 nhóm thực phẩm tối thiểu cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Bà Alison Tedstone chuyên gia ngành dinh dưỡng học cho biết: “Các bạn gái trẻ tuổi là nhóm có chế độ kiêng khem hà khắc nhất”.
Nguy hiểm hơn, chuyện sử dụng ma túy để giảm cân cũng được các thiếu nữ học theo người mẫu để có thân hình chuẩn. Theo giáo sư về tâm thần học Janet Treasure: "Ám ảnh bởi size 0 ma quái đã biến những cô gái trẻ hướng tới xu hướng ép cân nhờ ăn uống kham khổ và sử dụng cocaine”. Và bà cũng cáo buộc chính việc ưu ái mẫu gầy trong ngành công nghiệp thời trang cũng đẩy hàng triệu thiếu nữ rơi vào chứng trầm cảm và biếng ăn chỉ vì muốn bắt chước các cô mẫu xinh đẹp.
Hậu quả của việc này là những bộ xương ngoài đời thực. Một số trường hợp không hề cá biệt như cô gái 20 tuổi người Nga Kseniya Bubenko, 20 tuổi, cao 1m58, nhưng lại chỉ nặng có 20kg nhưng vẫn không ngừng làm mọi cách để ngày càng gầy thêm. Đáng sợ hơn là Kseniya có vẻ rất hài lòng với thân hình da bọc xương của mình, cô chia sẻ: ”Ban đầu, tôi chỉ muốn đạt được hình thể chuẩn như người mẫu nhưng sau một thời gian dài nhịn ăn, tôi lại phát hiện mình không còn hứng thú với thực phẩm. Chính vì vậy mà việc giảm cân dần trở thành một điều diễn ra như bản năng vậy".
Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp nổi tiếng khác như Valeria Levitin cao 1m8 nặng 25 kg, Lauren Bailey dù siêu gầy vẫn đi bộ hàng ngày 12 tiếng để giảm cân, Kate Puncher giảm từ 51 kg xuống còn 25 kg để mặc vừa váy… đều khiến người ta phải rùng mình vì hội chứng đáng sợ này.
Gần đây, cái chết của thiếu nữ 14 tuổi xinh đẹp Fiona Geraghty còn gây chấn động dư luận khi các điều tra viên đã thẳng thừng cáo buộc ngành công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái trẻ. Fiona bị hội chứng rối loạn ăn uống vì bị ám ảnh bởi những hình ảnh thon thả của các người mẫu nhan nhản trên tạp chí.
Thiếu nữ bất hạnh ra đi với lời nhắn nhủ trong thư tuyệt mệnh:"Tôi không đủ gầy để đáp ứng được cuộc sống nên đã tìm tới lối thoát là tự tử". Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một cái tên trong số chục nghìn thiếu nữ chết vì chứng biếng ăn trên toàn thế giới và hàng triệu người đang quay theo vòng xoáy giảm cân "để có hình thể chuẩn như người mẫu"!.
Giảm cân để giống Kate Moss
Thiếu nữ trẻ gầy như xác khô
Nhà điều tra quy kết chính thời trang là thủ phạm gây nên cái chết của nữ sinh 14 tuổi Fiona Geraghty
Những trang phục chật chội còn gián tiếp là nguyên nhân của những cách hành xử không mấy dễ chịu. Như một lẽ hiển nhiên khi cái gì đã được coi là xu hướng thì những người lội ngược dòng nước đều bị xem là những kẻ dị hơm, kì dị, đáng xấu hổ. Ngay cả trên truyền hình, tại chương trình American Idol, giám khảo Simon Cowell cũng từng thẳng thừng chê bai tới mức cay nghiệt cô nàng tội nghiệp Jennifer Hudson là “không có tương lai thành ngôi sao”, “một con gà tây trong bộ váy bó” chỉ vì cô mặc quần áo size 10.
Bên cạnh đó, sự phân hóa size quần áo còn dẫn tới hiện tượng phân biệt đối xử đầy tính nông nổi trong cộng đồng thanh thiếu niên. Theo khảo sát của một trang web tại Mỹ, nhiều phụ huynh đã phàn nàn về việc con họ bị “ném đá”, nói xấu, kỳ thị ở trường vì có thân hình mập mạp hoặc ăn mặc lỗi mốt không theo xu hướng, khác biệt so với đám đông. Số khác lên án về việc sản xuất những bộ váy bó kiểu bodycon khiến “con em họ hư hỏng, lười biếng, chỉ chăm chăm vào các chiến dịch giảm cân để mặc vừa được bộ đồ chật ních”, thậm chí còn cãi lộn với phụ huynh về bất đồng trong quan điểm ăn mặc.
Đáng chú ý nhất là ý kiến chia sẻ đầy bất bình của một nữ sinh 16 tuổi tại Ohio, Mỹ:” Tôi cho rằng thời trang là sự phung phí thời gian, nó giết chết cả người trưởng thành lẫn thiếu niên. Tôi từng bị sốc khi thấy những người bạn hơi thừa cân của mình bị gọi là mập ú và ngu ngốc. Những lời đàm tiếu tiếp tục quấy nhiễu dai dẳng khiến họ phải hành xác, gầy rộc đi cho đến khi diện được đồ vừa ý đám đông.”
Sự cực đoan trong vấn đề cân nặng tuy bắt nguồn từ tư duy của con người, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò ảnh hưởng của thời trang trong vấn đề này. Mặc dù các hãng thời trang đã bắt đầu có ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng mẫu siêu gầy song tình trạng hành xác để có phom người "dây" vẫn chưa hết mốt đối với giới trẻ. Sự thận trọng suy xét khi đưa hình ảnh quảng cáo và người mẫu ra trước công chúng là yếu tố quan trọng để tránh gây hiệu ứng xấu đối với xã hội và phần nào cũng giúp cân bằng lại tính chuẩn mực của cái đẹp.
Theo Khám Phá