Gánh nặng của bảo hiểm y tế

Thứ hai, 05/03/2012, 15:49
Việc tăng viện phí và khoảng 400 dịch vụ y tế tới đây có thể khiến quỹ bảo hiểm y tế tiêu tốn thêm hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều chuyên gia lo ngại việc vỡ quỹ BHYT nếu mức phí bảo hiểm không tăng.


Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
 


Hiện có khoảng bao nhiêu người sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) trên cả nước; trong đó, bao nhiêu người là người nghèo và cận nghèo thưa bà?

Bà Tống Thị Song Hương: Tính đến 31/12/2010, tổng số người tham gia BHYT là 52,407 triệu, bằng 60% dân số, tăng 12,65 triệu người so với năm 2008 - thời điểm Luật BHYT bắt đầu có hiệu lực. Trong số người tham gia BHYT có 800.000 người cận nghèo (1,52%), 13,4 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số (25%) 7,8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, 10,4 triệu học sinh sinh viên, 4,1 triệu đối tượng tự nguyện tham gia BHYT.

Giá một số dịch vụ khám chữa bệnh đã tăng vượt mức quy định. Vậy BHYT chi trả một phần viện phí cho người tham gia BHYT trên cơ sở nào, theo chi phí thực tế hay theo khung quy định của Bộ Y tế, thưa bà?

Theo quy định hiện hành, Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT dựa trên cơ sở giá các dịch vụ y tế theo quy định tại khung giá của Nghị định 95 về giá một phần viện phí và Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30/9/1995; Thông tư 03/2006/TLTT-BYT-BTC-BLĐTB&XH.

Trên thực tế từ 1995 đến nay, giá cả, chi phí một số dịch vụ khám chữa bệnh đã tăng nhiều so với khung giá quy định, nhưng các cơ sở KCB chỉ được thanh toán theo khung giá quy định tại các văn bản trên theo nguyên tắc giá một phần viện phí. Đó là lý do tại sao cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế…

Bộ Y tế khuyến cáo giá dịch vụ y tế tăng không ảnh hưởng nhiều đến với những người sử dụng BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, những người sử dụng dịch vụ y tế lại phần đông là người nghèo. Vậy, BHYT sẽ có kế hoạch gì để hỗ trợ cho người nghèo, thưa bà?

Đúng là khi giá dịch vụ y tế tăng, phần cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT sẽ tăng lên. Hiện nay, người thuộc hộ gia đình nghèo đã được mua thẻ bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước và người cận nghèo được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT; đồng thời người nghèo khi đi khám chữa bệnh thì được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí theo Luật BHYT. Trong điều kiện nước ta hiện nay, thu nhập còn thấp nhưng Nhà nước cũng đã bao cấp 95% cho người nghèo đã là một sự cố gắng hết sức.

Ngoài ra, để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá viện phí đối với người nghèo và một số người mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 139/2002/QĐ-TTG về quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ phần đồng chi trả 5% cho người nghèo và hỗ trợ cho một số trường hợp bị bệnh nặng hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như: ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim...

Theo bà, khi thời gian tới chi phí khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm sẽ tăng khoảng bao nhiêu trong một năm? Về lâu dài, liệu thì quỹ BHYT có đảm đương nổi phần tăng này không?

Theo ước tính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi áp dụng giá viện phí mới thì chi phí mà Quỹ BHYT phải trả sẽ tăng 26%, khoảng 5.000 - 6.000 tỉ đồng/năm.

Để đảm bảo việc cân đối quỹ BHYT trong tình hình tăng giá viện phí, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài Chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán các phương án cân đối quỹ BHYT. Trước mắt, năm 2012 quỹ BHYT vẫn có thể cân đối được, tức là chưa phải tăng mức phí tham gia BHYT.

Tuy nhiên trong thực tế, đó mới chỉ là tính trên con số dự báo mà chưa tính đến sự gia tăng đột biến lượt khám chữa bệnh khi giá viện phí tăng. Việc quyết định điều chỉnh mức phí đóng vào thời điểm nào còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá tác động của việc tăng viện phí đối với quỹ BHYT trong thời gian tới, phải tính toán trên cơ sở mức đóng- mức hưởng, số người tham gia BHYT, khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước, khả năng đóng góp của người tham gia BHYT.

Từ năm 2012, Bộ Y tế nâng mức hỗ trợ thẻ BHYT cho người cận nghèo, nhưng người dân vẫn không mặn mà với BHYT. Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để có thể nâng cao số người sử dụng BHYT trong tương lai?

Thực tế cho thấy, kể từ năm 2010, Nhà nước hỗ trợ cho hộ cận nghèo 50% phí bảo hiểm nhưng họ vẫn không mặn mà tham gia. Tại nhiều tỉnh, thành, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo, một số dự án, tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ lên đến 80% mức đóng và người dân chỉ đóng góp 20%, nhưng tỷ lệ tham gia vẫn thấp.

Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng này: người dân có thể thiếu thông tin hoặc chưa được tuyên truyền đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc tham gia BHYT.

Bên cạnh đó còn có một số lý do khác như giá viện phí thấp người bệnh vẫn có khả năng chi trả, thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT còn phiền hà…

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn