Sau Tết Nguyên đán, 6 điểm đăng ký thất nghiệp tại TPHCM tràn ngập công nhân (CN) đến làm thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM (Sở LĐ-T-XH TP) cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm, số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ động xin nghỉ việc
Hầu hết những người lao động (NLĐ) chúng tôi tiếp xúc tại điểm đăng ký ở 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh-TPHCM cho biết họ không phải mất việc do doanh nghiệp (DN) giải thể hay phá sản mà chủ yếu do hết hạn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc muốn thay đổi nơi làm việc với hy vọng có thu nhập cao hơn.
Nữ CN Hoàng Thị Sen vừa nghỉ việc tại Công ty May in Hoàng Tấn nói lý do nghỉ việc không phải do mức lương ở công ty thấp (4,6 triệu đồng/tháng) mà vì chị muốn thay đổi môi trường làm việc. “Tuổi tôi đã cao, khó có thể theo nghề lâu dài. Gần 11 năm làm việc, tôi tích lũy được một số vốn kha khá nên quyết định hùn hạp với bạn bè làm ăn riêng”.
Lý do nghỉ việc của anh Vũ Thế Hùng, CN ở một đơn vị chuyên bốc xếp, là do đồng lương quá thấp, muốn tìm kiếm cơ hội mới với thu nhập cao hơn. Nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày tại địa điểm này có gần 300 người đến đăng ký thì từ đầu tháng 2-2012 đến nay, số lượng người đến đăng ký thất nghiệp tăng lên trên 500 người.
Lý giải nguyên nhân lao động đăng ký hưởng BHTN tăng, một chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động tại TPHCM cho rằng do chính sách và điều kiện hưởng BHTN thông thoáng, dễ dàng hơn trước. Thủ tục cũng nhanh gọn từ đăng ký đến nhận tiền hằng tháng (qua thẻ ATM). Tuy nhiên, bên cạnh những người thất nghiệp thật sự do nhiều DN giải thể, cũng không loại trừ NLĐ chủ động xin nghỉ việc để được hưởng BHTN.
DN và NLĐ lách luật?
Ông Võ Hùng, Trưởng Phòng Nhân sự một DN có vốn nước ngoài tại huyện Củ Chi –TPHCM, cho biết: “Người đăng ký hưởng TCTN tăng trong khi doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng. Nếu nghịch lý này tiếp tục xảy ra thì thị trường lao động sẽ xáo trộn, khó cân đối quỹ BHTN vì thu không bù được chi, các DN cũng ảnh hưởng vì lao động đua nhau nhảy việc”.
Về thực trạng này, ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP, phân tích: Theo quy định, NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động dù với bất cứ lý do gì đều được hưởng BHTN. TPHCM đang thiếu lao động phổ thông nên giữa các DN thâm dụng lao động luôn có sự cạnh tranh dẫn đến tình trạng “nhảy việc” cao và quỹ BHTN vẫn phải gánh trường hợp này. Bên cạnh đó, còn có tình trạng NLĐ xin nghỉ việc chỉ để nhận TCTN dẫn đến khó khăn cho nhiều DN.
Vì thế, có nơi đã nảy ra “sáng kiến” bố trí cho nghỉ từng đợt (khi NLĐ đã đóng BHTN đủ 12 tháng) để họ xin nhận BHTN, sau đó, lại tiếp nhận, ký hợp đồng trở lại. NLĐ vẫn được nhận đủ 3 tháng TCTN mặc dù họ đã đi làm trở lại ở nơi khác hoặc ở ngay tại đơn vị cũ. Phía cơ quan BHXH biết nhưng cũng đành chấp nhận vì họ không vi phạm luật và cũng không có chế tài nào để xử lý tình huống này nữa.
Theo ông Khánh, giải quyết TCTN theo cách này là bất ổn bởi trong chừng mực nào đó đã tạo điều kiện, tiếp tay cho những kẻ trục lợi; đồng thời sẽ là sự thiếu công bằng với những người đang làm việc khác.
Nguy cơ vỡ quỹ rất cao
TPHCM hiện có gần 1,5 triệu người tham gia BHTN. Cứ 5 người đóng BHTN mới đủ chi cho một người nhận TCTN, chưa kể còn chi phí khá lớn cho việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hay BHYT cho người thất nghiệp. Đây là chính sách nhiều người đóng để hỗ trợ cho một số người trong tình huống ngặt nghèo nên nếu ai đóng cũng tìm cách để được hưởng thì trong tương lai có nguy cơ không đủ nguồn chi. Ông Đỗ Quang Khánh lo lắng nếu tất cả NLĐ đều nắm được chính sách và lại có sự “tiếp tay” của phía DN nữa thì nguy cơ vỡ quỹ là rất cao.
Theo NLĐ