Bên cạnh những lễ kỷ niệm và những lời chúc tụng, đây cũng là thời điểm “kỷ niệm” 10 năm vụ tranh chấp thương mại đầu tiên giữa hai nước, bắt đầu một chuỗi vụ kiện nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Năm 2002, vụ kiện chống bán phá giá cá basa đã gây xôn xao thị trường trong nước. Vụ việc đã được nhắc đi nhắc lại, phân tích mổ xẻ trên các báo chí, tại các hội thảo, cơ quan kinh tế trong nước. Lần đầu tiên nhiều người VN biết đến cái gọi là vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài.
Mặc dù đây không phải là trường hợp đầu tiên VN gặp phải tại thị trường xuất khẩu nhưng nó lại được đặc biệt quan tâm bởi cá tra, cá basa là sản phẩm “hàng top” trong các mặt hàng xuất khẩu của VN và Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Sau quá trình điều tra, cuối cùng mặt hàng này đã bị áp thuế chống bán phá giá từ 36% đến gần 64%.
Hơn một năm sau, tháng 12/2003, đến lượt một mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn khác là tôm lại bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Và rồi liên tục trong các năm sau đó, một loạt các vụ kiện chống bán phá giá, và đồng thời điều tra chống chợ cấp được (điều tra kép) được tiến hành với hàng Việt Nam. Tính đến tháng 2/2012, đã có 8 vụ điều tra chống bán phá giá và 3 vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của VN.
Nhìn chung, các vụ điều tra thương mại này không phải là nhiều so với số vụ VN gặp phải ở các thị trường khác cũng như so với hàng chục vụ điều tra chống bán phá giá mà Mỹ tiến hành mỗi năm. Tuy nhiên, nếu dựa trên quy mô thị trường và mức độ thiệt hại, mức thuế suất và thời gian áp thuế thì có thể nói Mỹ là một trong những thị trường rủi ro nhất về vấn đề phòng vệ thương mại đối với xuất khẩu của VN.
Không những vậy, tất cả các vụ điều tra Mỹ tiến hành đều có kết quả bất lợi cho với hàng hóa VN, trừ một số vụ bắt đầu từ cuối năm 2010 nên đến nay chưa có kết quả. Các kết luận điều tra đều khẳng định hành vi bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Mỹ, và do đó bị áp mức thuế suất cao. Tới nay, chưa có sản phẩm nào đã bị áp thuế mà thoát khỏi thuế đó khi hết thời hạn áp thuế ban đầu (5 năm).
Đây là một thực tế mà DN VN đã phải chấp nhận bởi nhiều lý do mà không phải khi nào cũng là lỗi của chúng ta. Có 3 nguyên nhân chính có thể kể đến: Thứ nhất đó là Quy chế kinh tế phi thị trường của VN mà chúng ta phải chấp nhận như một điều kiện gia nhập WTO; Thứ hai là pháp luật Mỹ có nhiều điểm bất lợi cho DN nước ngoài, điều này không có gì khó hiểu; và thứ ba chính là những hạn chế trong hiểu biết và kỹ năng đối phó của DN VN.
Một điều không vui khác nữa từ “lịch sử” 10 năm tranh chấp thương mại Việt – Mỹ là phần lớn các vụ việc thực chất do hàng VN “mắc họa” từ anh bạn láng giềng Trung Quốc. Mặc dù chỉ có 1 trong số 8 vụ điều tra ở Mỹ mà VN phải đối mặt là điều tra chống lẩn tránh thuế từ Trung Quốc, số vụ bị điều tra mới nhưng thực chất là “điều tra theo” những sản phẩm mà Trung Quốc từng bị kiện chiếm chủ yếu.
Việt Nam có cơ cấu xuất khẩu khá tương đồng với các nước láng giềng, còn các nước này thì lại thường là đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại từ Mỹ. Vì thế, VN phải chịu cả hai nguy cơ, một là nguy cơ bị DN các nước này lợi dụng chuyển khẩu lẩn tránh thuế, hoặc là nguy cơ bị phía Mỹ nghi nghờ là điểm chuyển khẩu cho những sản phẩm của các nước láng giềng.
Mười năm đã trôi qua với những vất vả, thua thiệt và cả những nỗ lực trưởng thành của doanh nghiệp Việt. Những kinh nghiệm về 10 năm đầu tiên này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp VN trong con đường tìm kiếm thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh xuất khẩu vẫn là chỗ dựa chính cho nền kinh tế và Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất.
Theo VnMedia